Nhiều doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tìm cách trốn đóng, đóng không đầy đủ chế độ cho người lao động. Trong số khoảng 3.000 hồ sơ của công đoàn gửi sang tòa án đề nghị khởi kiện, nhưng về cơ bản không được thụ lý với nguyên nhân vướng mắc về mặt pháp lý. Những vấn đề này đang gây bất lợi rất lớn cho người lao động và đòi hỏi phải giải quyết bởi do nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN khi người lao động ốm đau, bệnh tật, thai sản thì không có cơ quan xử lý. Người lao động khi mất việc sẽ không được hưởng BHTN vì không đóng BHXH. Một số trường hợp đến tuổi nghỉ hưu nhưng do không đóng BHXH nên không được hưởng...
Mặc dù luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã giao thêm chức năng quản lý cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam về công tác thanh kiểm tra nhưng tình trạng nợ đọng vẫn gia tăng. Trước đó, Luật Công đoàn quy định việc cho phép công đoàn khởi kiện các doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN. Nhưng trong thực tế không xử lý được do mâu thuẫn về mặt pháp luật. Lúc đó luật tố tụng cũng không cho phép công đoàn khởi kiện đơn phương nếu không có sự cho phép của người lao động, do đó việc xử lý BHXH, BHYT, BHTN của doanh nghiệp khó thực hiện.
Mới đây, Tòa án Nhân dân tối cao phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức Lễ công bố Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 (Nghị quyết) của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự. Nghị quyết gồm 8 điều tập trung vào các nội dung: Phạm vi điều chỉnh, giải thích thuật ngữ, giải thích một số tình tiết định khung hình phạt, một số trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý hành vi trốn đóng trước ngày 1/1/2018, xác định tư cách tố tụng của cơ quan BHXH, tổ chức thực hiện, hiệu lực thi hành.
Theo các chuyên gia về luật, với việc nghị quyết được thông qua sẽ bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử đối với các tội danh tại các Điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT và BHTN. Các quy định của Bộ luật Hình sự về 3 tội danh này sẽ được triển khai, áp dụng đồng bộ, thống nhất trên thực tiễn, qua đó sẽ tăng cường tính răn đe, cảnh báo và bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và của cả cơ quan BHXH trong lĩnh vực BHXH, BHYT và BHTN.
Trước đây cần phải có ủy quyền của người lao động tại doanh nghiệp thì công đoàn cơ sở mới khởi kiện chủ sử dụng lao động. Tuy nhiên, theo quy định mới, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan BHXH gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.