Nhân những vụ "tai nạn" trong và ngoài bệnh viện gần đây, tôi muốn chia sẻ cùng các bạn vài thông tin về những sai sót chết người trong y khoa. Đọc để biết đây là một ngành nghề rất dễ xảy ra sai sót. Vấn đề không phải là giấu diếm mà là tìm hiểu có hệ thống để giảm thiểu tai nạn.
Người viết bài này từng đề nghị vài đồng nghiệp nghiên cứu về medical errors ở Việt Nam, nhưng ai cũng lắc đầu vì nói phi thực tế, không ai dám làm đâu. Có lần tôi nghe một báo cáo trong một hội nghị khoa học cho biết tỉ lệ chết sau phẫu thuật thay khớp háng trong bệnh viện VN rất thấp (gần như 0), nhưng ở bệnh viện nước ngoài thì tỉ lệ này là khoảng 5% (ở bệnh viện Úc tỉ lệ cũng khoảng 5%). Có thể dựa vào đó mà nói rằng bệnh viện VN an toàn hơn bệnh viện Úc? Dĩ nhiên là không, vì khác biệt về văn hóa (văn hóa y khoa và văn hóa truyền thống) giữa hai môi trường.
Bệnh viện là một môi trường đầy những rủi ro, bất trắc. Năm 1995, ông Willie King, 65 tuổi, được đưa vào Bệnh viện Công cộng thuộc trường Đại học Tampa (tiểu bang Florida) để giải phẫu chân trái; nhưng các bác sĩ đã cắt nhầm chân phải của ông. Ông King trở thành tàn tật suốt đời. Mới đây, một trường hợp nhầm lẫn tương tự như thế cũng ở Mĩ đã được báo chí phanh phui rầm rộ: đó là trường hợp của cụ ông Morson Tarason, 79 tuổi, được vào bệnh viện danh tiếng thuộc trường đại học Pennsylvania (tiểu bang Philadelphia) để giải phẫu chữa trị lá phổi bên trái; nhưng thay vì chữa trị lá phổi bị bệnh đó, các bác sĩ đã cắt nhầm lá phổi tốt bên phải! Cụ ông Tarason không hề hay biết gì. Cụ ông này may mắn hơn là còn sống sót sau hai lần giải phẫu, nhưng tuổi thọ của cụ chắc sẽ bị giảm và cuộc sống của cụ chắc sẽ khó khăn hơn.
Việt Nam cũng có nhiều câu chuyện tương tự. Quên gạc trong bụng bệnh nhân, đau chân phải mổ chân trái, cắt lầm quả thận, cho thuốc sai liều lượng, v.v… tất cả đều là những sai sót đáng tiếc, nhưng là một bi kịch rất thực tế trong ngành y bận rộn. Những sai sót này có khi chẳng có liên quan gì đến y đức như báo chí nói (lầm), mà chỉ là "nhân vô thập toàn" mà thôi. Trong cái bi kịch đó, ai cũng có thể là nạn nhân. Bác sĩ có thể thẳng thắng nhận lỗi về phần mình, mhưng không nên đổ lỗi cho bác sĩ, bởi vì vấn đề không phải là cá nhân, mà là qui trình hay hệ thống hoạt động trong bệnh viện mới chính là yếu tố gây ra tai nạn. Có lẽ công chúng kì vọng quá cao vào bác sĩ, nên khi sai sót xảy ra người ta cảm thấy thất vọng. Người ta quên rằng bác sĩ cũng là người bình thường, cũng sai sót trong phán xét, cũng cảm tính, cũng chủ quan, cũng thiếu kiến thức, v.v... chứ không phải là những superman. Nhìn như thế để thấy sai sót trong y khoa là điều khó tránh khỏi.
Đối với phần đông công chúng, những trường hợp như trên đây, nếu mới nghe qua thì thật là lạ lùng, khó tin và khó hiểu. Lạ là vì một lỗi lầm như thế lại xảy ra trong ngành nghề có chức năng chính là cứu người, chữa trị người bị bệnh và làm dịu bớt những cơn đau thể xác và tinh thần, một ngành nghề hoạt động dựa trên nguyên tắc cơ bản là "trước hết, không hại người" ("primum non nocere"). Khó tin và khó hiểu là vì nhầm lẫn như thế xảy ra ở những bệnh viện có tiếng, và sự việc nếu chỉ nghe qua thì cứ như chuyện đùa. Ấy thế mà những lỗi lầm tưởng như chuyện không tưởng này lại thường xảy ra trong bệnh viện trên thế giới. Tuy nhiên, ở nước ta chưa có nghiên cứu về nhầm lẫn y khoa để rút ra những bài học kinh nghiệm, nhưng ở các nước Tây phương, đặc biệt là Mĩ, vấn đề này đã được nghiên cứu khá tường tận.
Những thống kê nhức nhối
Không ai biết chính xác mỗi năm có bao nhiêu người bị thiệt mạng và thương tích do những nhầm lẫn y khoa gây ra. Nhưng, các nhà khoa học có thể ước đoán con số này. Theo một cuộc điều nghiên quan trọng trên hồ sơ bệnh lí của hơn 30 ngàn bệnh nhân được chọn một cách ngẫu nhiên trong 51 bệnh viện vào năm 1984 thuộc tiểu bang New York (Mĩ), nhóm nghiên cứu thuộc trường đại học Harvard do giáo sư Lucian Leape (1) dẫn đầu khám phá ra 3,7% bệnh nhân bị thương tích; trong số 3,7% này, có gần một phần ba là do cẩu thả trong khi điều trị và 70% là do lỗi lầm của các nhân viên y tế (bác sĩ, dược sĩ, y tá, v.v).
Dựa theo kết quả nghiên cứu trên, Viện Y khoa (Institute of Medicine), trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mĩ (National Academy of Sciences, USA) phỏng đoán rằng trên toàn nước Mĩ, hàng năm có khoảng 100.000 người Mĩ bị thiệt mạng vì những lỗi lầm liên quan tới điều trị trong bệnh viện. Nhưng theo báo cáo (năm 1999) của giáo sư Lucian Leape thuộc trường đại học Harvard, mỗi năm có đến 120 ngàn bệnh nhân kém may mắn chết vì lỗi lầm của giới y tế và nhà thương; trong số này, có khoảng 7 ngàn người bị chết vì những lỗi lầm về thuốc men. Chi phí hàng năm liên quan tới những trường hợp thương vong này được ước tính khoảng 8,8 tỷ đô la.
Thực ra, chẳng riêng gì ở Mĩ, lỗi lầm về y khoa cũng xảy ra ở các nước Âu châu và ngay cả Úc châu, một nước thường rất tự hào về an toàn y khoa trong mấy thập niên trước đây. Trong một cuộc nghiên cứu trên hơn 14.000 hồ sơ bệnh lí vào năm 1995 ở Úc (2), các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Newcastle ghi nhận tỉ lệ thương tật là khoảng 8% (tức còn cao hơn ở Mĩ là 3,7%!). Trong số 8% này, có đến phân nửa được xem là do nhầm lẫn trong chẩn đoán, điều trị và giải phẫu, tức những nguyên nhân có thể tránh được. Con số này cũng có nghĩa là hàng năm có khoảng 18.000 người bị chết và 50.000 người bị thương tật vĩnh viễn vì những lỗi lầm trong bệnh viện (dân số Úc lúc đó là 17 triệu).
Bộ phận nào trong bệnh viện là nơi nguy hiểm nhất? Theo nghiên cứu của giáo sư Lucian Leape (Harvard, Mĩ) và bác sĩ Wilson (Úc), khoảng 40% tới 50% các tai nạn y khoa xảy ra ở phòng giải phẫu. Nơi "nguy hiểm" thứ hai là những khu điều trị (tức wards), chiếm 27% trong tổng số tai nạn. Những khu điều trị có kĩ thuật cao như khu khẩn cấp (emergency department hay ED, intensive care unit hay ICU) và khu sinh sản cũng là những nơi mà nhầm lẫn y khoa có thể xảy ra, nhưng ở một tỷ lệ thấp hơn (khoảng 3% tới 5%).
Trong khi những lỗi lầm y khoa trong bệnh viện được điều tra tương đối có hệ thống, nhưng những lỗi lầm ở ngoài bệnh viện như trong các phòng mạch bác sĩ, các nhà dưỡng lão (nursing homes), v.v. lại ít khi được đề cập và nghiên cứu. Trong bài tường trình của bác sĩ Wilson, khoảng 8% các tai nạn y khoa xảy ra ở phòng mạch bác sĩ, khoảng 2-3% xảy ra tại nhà của bệnh nhân, và 1-2% tại các nhà dưỡng lão. Bệnh nhân càng lớn tuổi càng có nguy cơ bị tai nạn trong chữa trị, có lẽ vì người già thường có nhiều bệnh tật cùng một lúc hơn người trẻ tuổi. Vì số lượng bệnh nhân đến khám tại các phòng mạch tư nhiều hơn trong bệnh viện, người ta đoán rằng số tai nạn và thương tích còn nhiều hơn con số mà các nhà nghiên cứu đã công bố.
Có thể nói con số tai nạn y khoa và những hậu quả chết người do sự sai sót trong bệnh viện gây ra rất lớn; ấy thế mà rất ít người trong cộng đồng hay biết đến. Có nhiều trường hợp lỗi lầm không hề được công bố trên các báo chí công cộng, mà chỉ được giải quyết qua điều đình giữa bệnh viện hay bác sĩ và nạn nhân. Nếu một hãng hàng không có tỉ lệ tai nạn chỉ 0,1% (tức còn thấp hơn gần 20 lần so với tai nạn y khoa) thì công chúng sẽ rất phẩn nộ và đòi hỏi phải có cải tiến lề lối quản lí và làm việc. Nhưng rất "may mắn" là trong y khoa, tai nạn chỉ xảy ra một cách dần dà (thay vì ào ạt cùng một lúc cả hàng trăm mạng người như tai nạn máy bay), nên công chúng vẫn để yên cho giới y khoa, và giới y khoa vẫn im lặng và im lặng.
Nhiều bài báo nghiên cứu về nhầm lẫn trong giải phẫu, điều trị bị chủ bút các tờ tạp chí y khoa uy tín ém nhẹm, không cho công bố, vì một phần sợ bị rắc rối trước pháp luật và một phần do truyền thống bênh vực nhau trong y giới (không muốn làm phiền đến đồng nghiệp). Số lượng nghiên cứu được công bố cũng rất ít, và hầu như giới có thẩm quyền vẫn không chịu tìm cách giải quyết vấn đề cho tới nơi tới chốn. Nhưng sự dễ dãi của công chúng cũng có giới hạn. Không thể đứng ngoài mục kích tình trạng này mãi được nữa, tháng 12 năm 1999, tổng thống Mĩ, Bill Clinton, đã phải lên tiếng về vấn đề này, và cho thành lập một ủy ban đặc biệt trực thuộc phó tổng thống để nghiên cứu và tìm cách giảm thiểu những "tai nạn" y khoa chết người này.
(Còn nữa...)
GS. Nguyễn Văn Tuấn
Mọi bài vở tham gia diễn đàn "Y đức - Đạo lý" xin gửi về email: bandientuskds@gmail.com. Các bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của tòa soạn. Trân trọng cảm ơn!