Hà Nội

Đừng làm đội ngũ thầy thuốc hoang mang lúc này

29-10-2013 15:10 | Tin nóng y tế
google news

Chưa bao giờ y tế gặp những trường hợp không hay một cách ngẫu nhiên dồn dập như lúc này.

Chưa bao giờ y tế gặp những trường hợp không hay một cách ngẫu nhiên dồn dập như lúc này. Riêng Hà Nội thôi vừa có nghi vấn ăn bớt vaccin ở một trung tâm y tế lại đến nhân bản xét nghiệm ở Hoài Đức và đỉnh điểm là hành vi gây sốc trong dư luận khi bác sĩ thẩm mỹ viện vô tình gây tử vong đã ném xác bệnh nhân phi tang hòng trốn tội. Tất cả những vụ việc trên là không thể chấp nhận, song có nên chỉ nhìn y tế qua các vụ việc trên mà không nghĩ đến cũng trong thời điểm này đang có bao nhiêu bệnh nhân đã được cứu sống và ngay lúc này đang cần được cứu sống?

Đúng là "Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí". Y tế đang gặp "họa" như lửa cháy nhưng đứng trước họa, thái độ ứng xử đúng đắn nhất là dập lửa, không để những đám cháy tiếp tục hay là ngồi nhìn lửa cháy rồi bàn tán, chê trách, quy trách nhiệm? Quy trách nhiệm là cần như một sự trừng phạt những kẻ vô trách nhiệm nhưng lúc này xin đừng để ngọn lửa "họa" trên đốt cháy hàng vạn thầy thuốc chân chính đang gồng mình chiến đấu với bệnh tật và thần chết cũng như hàng triệu bệnh nhân trên cả nước đang cần được cứu chữa.

Tôi nói những trường hợp gây "họa" cho y tế trên là "ngẫu nhiên, dồn dập" bởi từng trường hợp không bắt đầu từ chính sách y tế mà từ đạo đức công dân của những kẻ vi phạm. Chuyện "nhân bản xét nghiệm" bắt đầu từ lòng tham của Giám đốc BV Hoài Đức muốn ăn gian tiền bảo hiểm y tế (khoảng 16 triệu đồng) để chia nhau như một thứ lợi ích cục bộ. Chuyện gian dối, rút tiền ngân sách ở xã hội ta không thiếu và con số gian lận của mỗi vụ gấp rất nhiều lần con số 16 triệu kia nhưng 16 triệu ăn gian này lại rất lớn vì... thầy thuốc ăn gian là điều không thể chấp nhận! Vụ này là vụ tham ô và kẻ chủ mưu là ông GĐ bệnh viện chứ không thể là "thiếu trách nhiệm". Mọi tội lỗi trút lên đầu kẻ dưới quyền vì sự tồn tại phải nhắm mắt làm theo lệnh kẻ có quyền khiến dư luận bất bình là vì vậy. Chị Nguyệt có dính chàm ngày đầu cũng vì lẽ đó và đã thức tỉnh nên không dính vòng lao lý nhưng còn chị Oanh cũng thức tỉnh, tham gia tố cáo một cách tích cực nhưng xin rút đơn lại có trong danh sách bị truy tố thì dư luận thấy luật áp dụng máy móc, thiếu tình. Đáng lẽ ra phải lấy chị Nguyệt và cả chị Oanh làm tấm gương chống tham nhũng cho cả nước học tập vì vấn đề không phải các chị ký bao nhiêu bản mà thực chất hành động của các chị trong việc vạch trần vụ tham nhũng cụ thể với những khó khăn, mưu trí trước kẻ có quyền chủ mưu tham nhũng.

Đừng làm đội ngũ thầy thuốc hoang mang lúc này 1
 Thiên chức của ngành y là cứu người, phòng bệnh và chữa bệnh. Ảnh: T. Anh

Ở vụ BS. Tường phi tang xác nạn nhân, chắc chắn pháp luật sẽ có bản án nghiêm minh. Tôi chắc chắn lúc này BS. Tường trong trại tạm giam đang ân hận, giá đến tạ tội với người nhà BN rồi tự thú ngay từ đầu thì tội sẽ khác và án có thể khác. Nhưng hoàn cảnh lúc đó, với tâm lý chạy tội, nghĩ không ai biết cùng với nhân cách, đạo đức trong anh ta đã khiến anh ta hành động vậy. Rõ ràng, vô tình làm chết BN là trách nhiệm của BS. Tường nhưng hành vi chạy tội man rợ là hành vi của con người Tường, con người mang tư cách chủ tiệm thẩm mỹ chứ không phải với tư cách bác sĩ. Rất nhiều và rất nhiều kẻ gây án tìm cách chạy tội, tạo hiện trường giả phạm tội với tư cách cá nhân chứ không phải với tư cách nghề nghiệp. Chuyện ông chủ Tường vứt xác phi tang khác với BS. Tường vứt xác phi tang bởi sau khi gây tử vong, Tường nghĩ cách chạy tội, phi tang đã tự tước bỏ danh hiệu bác sĩ của mình. Cũng như tên Nghĩa giết người cướp của, cắt đầu nạn nhân phi tang là cá nhân tên Nghĩa chứ không phải sinh viên Nghĩa phạm tội khiến bạn bè và trường đại học mà y đang học phải liên đới chịu trách nhiệm và mang tiếng.

Báo chí nên gọi thẳng tên tội phạm và không nên kèm theo chức danh nghề nghiệp, có chăng thì ghép thêm cụm từ "chủ cơ sở thẩm mỹ viện" bởi gọi "bác sĩ phi tang" là vô tình xúc phạm đến hàng vạn bác sĩ khác đang ngày đêm âm thầm hy sinh, âm thầm cống hiến vì sức khỏe của 90 triệu người dân.

Khi vô tình xúc phạm đến các bác sĩ lương thiện khác sẽ tạo ra hình ảnh không tốt cho đội ngũ thầy thuốc đang hàng ngày chữa bệnh cứu người.

Chưa nói đến tỷ lệ những Giám đốc bệnh viện Hoài Đức, Giám đốc cơ sở thẩm mỹ Cát Tường vốn là bác sĩ chiếm bao nhiêu phầm trăm trong đội ngũ thầy thuốc để có đánh giá đúng về diện mạo, đóng góp của ngành y tế với xã hội, sự hiểu lầm, nhìn nhận sai ngành y tế hôm nay cũng là một thiệt hại lớn cho toàn xã hội. Dư luận quá mức, kêu tên tội phạm kèm theo danh hiệu BS sẽ khiến dân lo. Bạn thử đến một phòng khám tại bất cứ BV nào nếu trong đầu bị ám ảnh bởi những chuyện tiêu cực mà báo chí đăng liệu có một phút nào nghi ngờ vị bác sĩ trước mặt đang thăm khám cho bạn. Bạn có lo xét nghiệm của mình bị nhân bản, ông BS trước mặt có thể bất tài sẽ giết bạn rồi chạy tội? Và khi nhiều BN cũng như bạn, thiếu niềm tin vào thầy thuốc thì việc khám chữa bệnh, cứu người sẽ ra sao?

Chúng ta đang nói nhiều về y đức nhưng cách thông tin về y tế hiện nay cùng với nỗi ám ảnh trong đầu về y tế qua tiếp nhận thông tin đại chúng khiến ta lo ngại liệu ta có thể sẽ nghĩ cách "mua y đức" bằng cách chạy đua nhét phong bì? Mà không "nhét" được có khi đâm lo thêm trong khi việc khám chữa bệnh, ngoài thuốc, tài năng thầy thuốc, cơ sở trang thiết bị y tế, lòng tin với thầy thuốc lại là yếu tố đầu tiên quyết định trong việc chữa bệnh.

Những tên tội phạm có mặt ở tất cả mọi ngành, mọi lĩnh vực xã hội, kể cả trong ngành y tế và việc vạch mặt, trừng trị chúng là điều cần thiết. Nhưng dư luận cần tỉnh táo vì qua một số hiện tượng lại vô tình làm hoen ố hình ảnh thật sự của đội ngũ thầy thuốc trên cả nước thì thiệt hại lớn nhất lại là cả cộng đồng phải gánh chịu.

Một chủ cơ sở thẩm mỹ bất lương ném xác nạn nhân xuống sông để phi tang đã gây bàng hoàng cho cả xã hội nhưng dư luận từ một vài vụ việc cụ thể có thể ném tất cả tâm huyết, công sức của cả đội ngũ thầy thuốc xuống sông biển, "phi tang công sức thầy thuốc" thì nỗi đau còn lớn hơn nhiều.

Hy vọng các đại biểu Quốc hội đang họp có những biện pháp hữu hiệu làm dân hiểu hơn về đội ngũ y tế hiện nay bên cạnh những "con sâu" còn cả một đội ngũ đông đảo các thầy thuốc tận tâm vì người bệnh cũng như có những quyết sách cấp thiết khắc phục những bất cập trong cơ chế hoạt động y tế để đội ngũ thầy thuốc yên tâm trị bệnh cứu người.

Nhà viết kịch Lê Quý Hiền

 


Ý kiến của bạn