Trăm dâu đổ đầu… Bộ trưởng?!

29-10-2013 10:35 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS- Trên thực tế, Bộ trưởng không có quyền quyết định chủ trương chính sách, không có quyền quyết về nhân sự, con người… thì liệu có nên trăm dâu đổ đầu… Bộ trưởng?

Sau những vụ việc không hay xảy ra với ngành y tế, dư luận gần đây đang “có ý” buộc Bộ trưởng Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm bằng cách từ chức. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận công bằng rằng việc quản lý đã được phân công cho từng cấp cụ thể, sai ở cấp nào cấp đó phải chịu trách nhiệm. Muốn quy trách nhiệm, trước hết phải trao quyền và một khi đã quy trách nhiệm thì phải quy đúng đối tượng. Trên thực tế, Bộ trưởng không có quyền quyết định chủ trương chính sách, không có quyền quyết về nhân sự, con người… thì liệu có nên trăm dâu đổ đầu… Bộ trưởng?
 
Từ chức hay đương đầu?
 
Đề cập đến vấn đề trách nhiệm, có ý kiến cho rằng, Bộ trưởng Bộ Y tế là người phải chịu trách nhiệm cho tất cả những sự việc đáng tiếc đã xảy ra và họ nhắc đến chuyện từ chức. Tôi thì nghĩ các bạn hãy đủ tỉnh táo để nhận ra mấu chốt vấn đề ở đây là gì? Là việc thúc ép Bộ trưởng từ chức hay việc cùng chia sẻ với khó khăn chung để thay đổi tình hình tốt hơn. Và giả sử nếu Bộ trưởng có từ chức thật đi chăng nữa thì những vấn đề y tế nóng bỏng bấy lâu nay có được chấm dứt ngay tức thì? Từ chức có là giải pháp tối ưu để giải quyết tình thế? Vậy nên từ chức hay đương đầu?
 
Trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, rõ ràng, lỗi trước hết là của cá nhân anh Tường, tiếp đó là đến cơ quan y tế sở tại và chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý để cho một thẩm mỹ viện không phép ngang nhiên hoạt động bất chấp luật pháp ròng rã 6 tháng trời. Trách nhiệm đã rõ, bộ phận nào, cấp nào vi phạm sẽ bị xử lý ở bộ phận đó, cấp đó. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ về những vấn đề chung của toàn ngành y tế, còn Mới đây nhất, bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, trả lời câu hỏi của báo chí trước đề nghị từ chức với Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Vũ Đức Đam - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Tôi không nghĩ rằng cứ xảy ra một sự việc cụ thể thì người Bộ trưởng nghĩ ngay đến việc từ chức hay không từ chức. Điều đầu tiên phải nghĩ ngay đến tại sao tình hình lại như vậy, sự việc do chủ quan của ngành mình hay yếu tố khách quan; do thời kỳ mình chỉ đạo hay do từ nhiều thời kỳ để lại. Quan trọng là phải có quyết tâm, rồi có một lộ trình, kế hoạch làm tình hình tốt lên…”. 
Trăm dâu đổ đầu… Bộ trưởng?! 1
Đội ngũ y bác sĩ vẫn ngày đêm âm thầm cứu chữa người bệnh.
Cũng đề cập đến vấn đề trách nhiệm của Bộ trưởng, trả lời trên báo chí, GS Nguyễn Đăng Dung - Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp - Hành chính (ĐH QGHN) từng nói rằng, ở nước ta, việc quy trách nhiệm sẽ rất khó vì thực trạng hiện nay là Bộ trưởng quản lý theo ngành dọc, địa phương lại quản lý theo ngành ngang. Bản thân Bộ trưởng không phải là người quyết tất cả, vì người phê chuẩn vị trí, con người Bộ trưởng lại nằm ở chỗ khác, trong khi đó quản lý lại do Chính phủ. Chính vì vậy, làm Bộ trưởng nhưng không có quyền quyết định chủ trương chính sách, không có quyền quyết về nhân sự, con người, nên nhiều khi quy trách nhiệm cho Bộ trưởng cũng khó... Muốn quy được trách nhiệm các Bộ trưởng trước hết con người và chính sách phải là một thể thống nhất. Bộ trưởng được đúng thực quyền, về mặt chủ trương, con người có như vậy Bộ trưởng mới dám làm, dám quyết, dám chịu trách nhiệm, ngoài ra còn có cả trách nhiệm liên đới.
 
Hãy để các bác sĩ vững tay cứu người…
 
Đứng trước những cái xấu, không chỉ người dân mà ngay trong chính hàng ngũ y bác sĩ cũng tỏ ra bất bình, kịch liệt lên án. Không thể dung túng cho cái xấu nhưng càng không thể lấy một cá nhân để quy chụp cho tập thể. Giữa lúc ngành y tế cùng lúc hứng chịu nhiều “búa rìu” dư luận, người ta dường như đã ít nhiều quên đi những đóng góp không hề nhỏ của đội ngũ thầy thuốc trong cuộc chiến trường kỳ chống lại bệnh tật. Nếu không có họ, biết bao mạng sống đã rơi vào tay “tử thần”, biết bao gia cảnh phải chia lìa, biết bao cảnh đời phải chịu đựng những đớn đau, khổ sở vì bệnh tật hành hạ… Đó là sự thật mà chẳng ai có thể chối cãi, và một sự thật nữa đang hiển hiện là còn hàng nghìn, hàng nghìn những thầy thuốc áo trắng tận tâm đang âm thầm cứu chữa bệnh nhân mặc cho những thị phi đang ồn ào ngoài xã hội.
 
Sẽ chẳng ai tha thứ cho hành động phi nhân tính của Nguyễn Mạnh Tường nhưng dư luận nên chăng hãy thôi phán xét mà hãy để cho pháp luật thực thi quyền năng của mình; bởi những phán xét quá đà nhiều khi chẳng khác gì con dao hai lưỡi, ảnh hưởng không chỉ đến bác sĩ mà cả người bệnh. Trên nghị trường Quốc hội thay vì đưa ra chỉ trích quá khắt khe nên chăng đề ra nhiều hơn nữa các giải pháp, kiến nghị để ngành y tế củng cố thêm niềm tin của nhân dân bởi xét cho cùng, cũng là hướng đến lợi ích của nhân dân mà thôi.
 
Y tế từ lâu luôn được coi là lĩnh vực “hot”, thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận bởi lẽ nó là vấn đề an sinh xã hội có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người. Nhưng cũng có một thực tế không kém phần phũ phàng đó là trong khi đội ngũ các y bác sĩ dồn sức cứu người thì chính họ lại bị hành hung, đập phá ngay tại BV. Hẳn dư luận chưa quên quãng thời gian được cho là khá u ám với ngành y khi hàng loạt các vụ côn đồ đại náo, hàng hung bác sĩ tại chính nơi họ thực hiện việc cứu chữa người bệnh. Tôi nhớ có thời điểm, mỗi khi nhắc đến cụm từ “bác sĩ cấp cứu”, ai nấy đều lắc đầu ngán ngẩm nói rằng đó là nghề đi vào “cửa tử”. Quả thật, nghề y là nghề nguy hiểm, nhưng các y bác sĩ vẫn tự hào khoác trên mình chiếc áo blouse trắng để hồi sinh sự sống cho người bệnh, bất chấp hiểm nguy; vẫn có những con người ngày đêm âm thầm lo lắng cho bệnh nhân, miệt mài nghiên cứu những phương pháp điều trị mới… Đã có không ít y bác sĩ nói với tôi rằng, họ không ngần ngại làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, đầy rẫy những rủi ro nhưng cái họ mong muốn là xã hội hãy sẻ chia, là luật pháp hãy bảo vệ bởi họ không chỉ đơn thuần là người thầy thuốc mà họ cũng giống như bao người khác là những công dân hết sức bình thường trong cuộc sống.
 
Tôi xin kết thúc bài viết bằng những tâm sự chất chứa của một bác sĩ rất tâm huyết với nghề để bạn đọc có thể thấy được ranh giới của một bác sĩ và một người bình thường có là bao xa? “Tôi đang cảm thấy hoang mang khi ngành y càng ngày càng bị soi mói đủ đường chỉ vì những “con sâu làm rầu nồi canh”. Tất cả mọi người như trút tất cả sự bực dọc với những bất cập xã hội vào ngành y mà quên hết mọi cố gắng của các bác sĩ. Bác sĩ cũng là con người, cũng có những hỷ-nộ-ái-ố, cũng có gia đình với bộn bề lo toan của cuộc sống. Nghề nào cũng có người tốt, kẻ xấu, nếu cứ chăm chăm soi mói cái xấu thì ai dám chắc là cái tốt không bị triệt tiêu? Xã hội cần có một có một cái nhìn công bằng hơn…”.
 
Hoàng Huy
 
Mọi bài vở tham gia diễn đàn "Y đức - Đạo lý" xin gửi về email: bandientuskds@gmail.com. Các bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của tòa soạn. Trân trọng cảm ơn!

Ý kiến của bạn