Ở thời điểm này, thật dễ để có thể đạp lên mặt một kẻ đã ngã sang vệ đường, để cho anh ta càng vùi xuống bùn lầy càng tốt. Song như vậy rồi ngày mai sẽ lại có thêm một người nữa cũng như anh ta mà thôi. Người ta có thể dành cho anh ta tất cả những lời lẽ cay nghiệt nhất bởi một lẽ, lúc này anh là kẻ đang nằm bên vệ đường.
Buổi sáng nay bước chân ra khỏi nhà là nghĩ ngay đến việc, thể nào mọi người sẽ tiếp tục xôn xao về vụ việc đồng nghiệp của tôi phạm sai lầm "không thể chấp nhận được". Người trong ngành, ngoài ngành đều có những lời lẽ cay đắng, khinh ghét dành cho anh ta.
Về cơ bản, tôi hoàn toàn không đồng ý với cách hành xử của anh ta. Tuy nhiên ngược lại, tôi thấy xã hội chúng ta đúng là đang bộc lộ bản chất rõ nét nhất trong những ngày này. Đó là bản chất của việc chỉ trích theo kiểu thiếu khoa học và mang tính ngoại suy ngụy biện cho một cái gọi là a dua theo tâm lý đám đông.
Tôi xin viết vài dòng để giúp các bạn ngoài ngành Y cảm nhận được vai trò của một Bác sỹ, với mong muốn những ai tỉnh táo thì có một cái nhìn khách quan hơn với sự việc này nói riêng và ngành Y tế nói chung:
Đất nước Việt Nam, trải qua gần 100 năm thuộc địa, hai cuộc chiến tranh tàn phá với thiệt hại người và của, hẳn rằng chúng ta tụt hậu so với thế giới vài trăm năm là chuyện bình thường. Xây dựng trong đống đổ nát đó, nhưng ngành Y chúng tôi vẫn có những người thầy như Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ...để ngẩng cao đầu so mình với thế giới.
Hòa bình lập lại, chúng tôi miệt mài học tập, xây dựng hệ thống đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và khám chữa bệnh phục vụ nhân dân. Tôi xin điểm qua một vài con số như sau:
- Đào tạo Đại học của chúng tôi là 6 năm (với Bác sỹ Quân Y là 7 năm), hơn các trường cử nhân (4 năm) và các trường kỹ sư, dược sỹ (5 năm). Chúng tôi chắc chắn là học hành vất vả hơn tất cả các trường khác. Một bằng chứng nghe có vẻ buồn cười nhưng là sự thật để chứng tỏ cho sự vất vả trong học tập, đó là trung bình mỗi khóa sinh viên có khoảng 4-5 bạn bị tâm thần và phải bỏ cuộc.
- Sau khi tốt nghiệp đại học, chúng tôi tiếp tục phải học trong bệnh viện (dù có đỗ hay không đỗ Bác sĩ nội trú) trong 3 năm nữa, sau đó với Bác sĩ nội trú sẽ bắt đầu chính thức được hành nghề tại Bệnh viện, còn lại phải đi học cao học ở những năm tiếp theo.
- Để hoàn thành chương trình Tiến sĩ, chúng tôi mất ít là 4 năm, nhiều là 7 năm, các ngành khác là 3 năm. Như vậy nếu như các ngành khác có thể tốt nghiệp Tiến sĩ ở tuổi 27-28 thì chúng tôi nhiều khả năng sẽ có bằng Tiến sĩ ở tuổi 35 trở đi. Để kiếm tiền đủ sống nuôi bản thân, chúng tôi thường bắt đầu ở tuổi 35. Một số trường hợp ngoại lệ có thể sớm hơn nhưng cũng phải từ 30 tuổi trở đi. Độ tuổi này ở các ngành khác thường là 28-29 tuổi sẽ ổn định về vị trí và thu nhập, một số ngoại lệ có thể sớm hơn, thậm chí là ngoài 20 tuổi.
- Khám chữa bệnh hàng ngày của chúng tôi trung bình là 50 bệnh nhân/1 bác sĩ, như vậy 1 tháng thì 1 bác sĩ phải khám và điều trị cho 1500 người khác nhau. Với tỷ lệ của Tổ chức Y tế Thế giới về số bác sỹ/10.000 dân của Việt Nam năm 2013 là 12.2, thì một ông Bác sĩ bình quân phải chăm lo sức khỏe cho 819 người. Và như vậy thì hiện tại tạm ước tính ở Việt Nam đang có 104.920 ông bà bác sỹ đang chăm lo cho 86 triệu dân.
- Trong một ngày trung bình Bệnh viện Bạch Mai phải khám cho khoảng 3000 bệnh nhân, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khoảng 1500 bệnh nhân, Bệnh viện Việt Đức khoảng 2000 bệnh nhân, Bệnh viện Nhi Trung Ương khoảng 5000 bệnh nhân, các bệnh viện tuyến Trung Ương khác (Lão khoa, Da liễu, Tai Mũi Họng, Mắt, Răng Hàm Mặt...) tôi gộp lại khoảng 5000 bệnh nhân. Con số này tôi tạm ước tính, thì các bác sĩ tuyến Trung Ương phải tiếp chuyện, khám, ra quyết định điều trị cho khoảng 16.500 bệnh nhân/ngày. Như vậy trong một tháng, chúng tôi (tuyến trung ương miền Bắc) tiếp khoảng 495.000 người, và một năm là 5.940.000, bằng khoảng 7% dân số cả nước. Con số này là bệnh nhân đến khám, hoàn toàn chưa tính đến bệnh nhân nằm viện, và mới chỉ tính trên nhóm các bệnh viện tuyến Trung Ương tại Miền Bắc.
- Ước tính số ca nặng, cấp cứu, bệnh hiểm nghèo được cứu sống là 1% trên tổng số ca bệnh, thì mỗi năm các Bác sĩ tuyến trung ương tại Miền Bắc chúng tôi cứu sống được khoảng 59.400 người, như vậy bình quân mỗi ngày có 162 người được cứu mạng. Con số này e rằng còn quá khiêm tốn so với thực tế. Và nếu nhân rộng ra cả nước với 3 vùng miền thì có lẽ sẽ còn nhiều hơn nữa.
- Một trong những công việc âm thầm và nặng nhọc, đó là nghiên cứu khoa học, đang được chúng tôi tiến hành miệt mài trong ... nghèo đói. Theo thống kê trong một bài viết của GS Nguyễn Văn Tuấn, thì số bài báo quốc tế của ngành Y hiện nay là cao nhất và hơn hẳn ngành xếp thứ hai tại Việt Nam. Chúng tôi tự hào vì là ngành có nhiều bài báo mang tính chất "nghiên cứu gốc", có giá trị khoa học cao. Mặc dù kinh phí dành cho nghiên cứu khoa hoc Y học còn rất hạn chế, chúng tôi vẫn đang âm thầm tiến hành những nghiên cứu nhằm ứng dụng khoa học công nghệ, tiến đến tìm kiếm lý thuyết mới, phục vụ cho cộng đồng Việt.
- Một điều rất trớ trêu là ngành Y có tỷ lệ ly hôn cao nhất trong tất cả các ngành nghề của xã hội. Chúng tôi học như vậy, làm việc như vậy, nghiên cứu và giảng dạy như vậy, nhưng tiếc thay đồng lương còn thua cả bán trà đá. Đa phần chúng tôi để trang trải cho những lo toan cuộc sống đều phải đi làm thêm ngoài giờ. Và thông thường đến những năm 40 tuổi mới là lúc tích lũy được một chút và sống dễ thở hơn. Lúc này thì tuổi trẻ không còn, hạnh phúc nhiều khi cũng lung lay mà sự nghiệp thì còn tiếp tục phấn đấu.
Tất cả những điều trên cho thấy, ngành Y chúng tôi đang là một ngành ... bất hạnh nhất.
Nhưng một người ngã xuống, vẫn còn cả đội ngũ.
Chúng tôi rất lấy làm tiếc về cái gọi là "những con sâu trong ngành". Nhưng anh ấy (người mà vài hôm nay được báo chí đào xới nhiệt tình) trước đây vẫn là một người đồng nghiệp tốt của chúng tôi. Anh ấy cũng đã từng cứu sống nhiều mạng người trong các cuộc phẫu thuật. Anh ấy được đồng nghiệp mô tả là hiền lành, tốt bụng và điềm đạm. Anh ấy được hàng xóm mô tả là hòa đồng và vui vẻ. Sự thiếu hiểu biết pháp luật trong phút giây nông nổi, đó là điều khó tha thứ. Song tất cả hãy để cho pháp luật quyết định, đừng lấy đó để được thể hòng làm tổn hại sự thiêng liêng, danh dự và uy tín của ngành Y chúng tôi.
Với chúng tôi, anh ấy đã ngã xuống, tuy không phải là một sự hi sinh cho chính nghĩa mà là một sự gục ngã của cám dỗ, thì vẫn còn đó một đội ngũ. Chúng tôi cũng có những giây phút hoang mang tự hỏi: đâu rồi sự tôn nghiêm của ngành? đâu rồi những chuẩn mực của ngành? Nhưng khi nhìn vào những đồng nghiệp vẫn tiếp tục miệt mài làm việc, bỏ qua những xì xào bên tai trong những ngày này thì tôi đã hiểu rõ, ngành Y của chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn sự tôn nghiêm và chuẩn mực.
Nếu như một ngày kia, một ngành nghề nào đó có không may sơ sẩy, chắc chắn ngành Y chúng tôi sẽ không cư xử bằng cách đạp vào mặt và hả hê với cảnh một con người đang bị vùi xuống bùn lầy. Vậy thì xin hãy khép lại những dư luận và giữ yên lặng để pháp luật thi hành quyền định đoạt.
Bác sỹ Thanh Huyền