Xử phạt học sinh quay clip bạo lực học đường đúng hay sai?

12-12-2023 09:39 | Xã hội

SKĐS - Theo chuyên gia tâm lý, trước khi đưa ra bất kỳ hướng xử lý một vụ việc nào đó liên quan tới bạo lực học đường, hay trong tình huống học sinh quay clip bạo lực học đường thì việc đầu tiên người lớn cần làm đó là: "hỏi chuyện nhẹ nhàng, khách quan đối với từng đối tượng liên quan".

Thời gian qua, hàng loạt vụ việc xảy ra trong trường học được phát hiện qua những clip mà học sinh đưa lên mạng xã hội như bạo lực học đường, giáo viên bạo hành học sinh, học sinh xúc phạm giáo viên, học sinh hút thuốc lá điện tử… Tuy nhiên, ngoài việc xử lý học sinh vi phạm, có trường còn xử lý luôn cả những em đã quay clip.

Việc nhà trường xử lý học sinh quay clip với hình thức buộc thôi học một thời gian hoặc hạ một bậc hạnh kiểm đã khiến dư luận băn khoăn và có nhiều ý kiến trái chiều về việc xử phạt này. Liệu việc kỷ luật những học sinh quay clip có khiến các em e dè, không còn dám đấu tranh những hành vi sai trái?

Học sinh sử dụng điện thoại trong trường cần quy định rõ

Là một phụ huynh có hai con đang học phổ thông, chị Trần Thu Hiển (ở 58 Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, việc học sinh quay clip và đưa lên mạng nói chung, đặc biệt các vụ việc liên quan tới bạo lực học đường thì có cả phần đúng và sai. Đúng là có thể dùng những thông tin từ clip để làm bằng chứng để xử lý những sai phạm. Còn sai là những clip đó đưa lên mạng sẽ ảnh hưởng đến nhà trường.

"Tôi thấy nếu việc xử phạt các con học sinh đưa clip lên mạng bằng hình thức buộc thôi học hoặc hạ hạnh kiểm là quá nặng nề. Bởi qua những clip như thế này mới có bằng chứng biết được mức độ nghiêm trọng của vụ việc và mặt trái còn tồn tại trong các trường học. Nhà trường cần phải chọn hình thức giáo dục, xử phạt học sinh phù hợp để học sinh nhận ra, ứng xử như thế nào khi gặp tình huống tương tự thay vì xử phạt nặng hay cho học sinh nghỉ học", chị Hiển nêu quan điểm.

Chia sẻ với PV báo Sức khỏe và Đời sống về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Kim Ngân - giáo viên dạy Ngoại ngữ cấp THCS tại tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, đã tới lúc cần có những bộ quy tắc sử dụng điện thoại di động trong trường học và cả thầy cô giáo cũng như học sinh cần được trang bị kỹ năng sử dụng điện thoại và mạng xã hội.

Theo cô Ngân, trường học cần khuyến khích học sinh khi có những video clip về bất cứ điều gì xảy ra trong trường lớp hoặc liên quan đến thầy cô giáo trong trường thì gửi ngay tới một địa chỉ email, hoặc một số điện thoại của thầy cô trong ban giám hiệu. Ngoài ra, nhà trường cần có trách nhiệm bảo vệ người cung cấp thông tin hay có các hình thức động viên để các em thay vì cứ giữ trong máy điện thoại rồi một lúc nào đó để lộ lọt cho người thân hoặc đưa lên mạng xã hội, để rồi lại bị nhà trường xử lý kỷ luật các em. Trường hợp học sinh quay clip mà làm ảnh hưởng đến nhà trường thì cần phải có hình thức xử lý nghiêm khắc để nêu gương. "Quy định cho học sinh sử dụng điện thoại trong nhà trường cần nêu rõ những việc các em được làm, những việc không được làm; nếu vi phạm sẽ bị chế tài với các mức độ cụ thể ra sao...".

Xử phạt học sinh quay clip bạo lực học đường đúng hay sai?- Ảnh 1.

Xử phạt học sinh quay clip bạo lực học đường đúng hay sai?- Ảnh 2.

Thời gian qua, liên tiếp các vụ bạo lực học đường được phát hiện qua những clip của học sinh đưa lên mạng xã hội. Ảnh cắt từ clip

Cần có giải pháp thỏa đáng cả về mặt lý lẽ lẫn tình cảm

Dưới góc độ tâm lý, trao đổi với PV báo Sức khỏe&Đời sống, chuyên gia tâm lý Vũ Trường Giang (Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam) cho rằng, trước khi đưa ra bất kỳ hướng xử lý một vụ việc nào đó liên quan tới bạo lực học đường, hay trong tình huống này là "học sinh quay clip bạo lực học đường" thì việc đầu tiên chúng ta - người lớn, ban giám hiệu nhà trường, cơ quan chức năng cần làm đó là: "hỏi chuyện nhẹ nhàng, khách quan đối với từng đối tượng liên quan". Mục đích là nhằm thu thập đầy đủ thông tin đa chiều vấn đề, từ đó sẽ cùng bàn luận đưa đến một hướng giải pháp "thấu tình đạt lí", một hướng giải pháp thỏa đáng cả về mặt lí lẽ lẫn tình cảm.

"Mặc dù trước bất kỳ một hướng giải quyết nào thì cũng đều tồn tại hai mặt của vấn đề, tuy nhiên tôi nghĩ một giải pháp nhằm hướng tới sự giáo dục và xây dựng nhận thức đúng đắn cho học sinh luôn là giải pháp phù hợp.

Nếu tình huống học sinh chứng kiến không thể can ngăn và đã quay lại clip bạo lực đường để làm bằng chứng cho nhà trường và cơ quan pháp luật thì điều đó là điều đáng ghi nhận và tuyên dương, mặc dù nếu quy định của nhà trường là không được sử dụng điện thoại thì học sinh đó vẫn sẽ vừa được tuyên dương nhưng cũng vừa cần chịu kỷ luật tích cực từ nhà trường ở hành vi sử dụng điện thoại trong trường học. Nếu học đó thờ ơ trước tình huống và quay lại clip phát tán lên mạng xã hội thì hành vi này cần phân tích, giải thích và giáo dục nhận thức về cách xử lý tình huống, cần có hình thức kỷ luật tích cực cả về tình huống phát tán clip và cả về tình huống sử dụng điện thoại trong trường học.

Tôi cho rằng mỗi hướng xử lý của chúng ta khi áp dụng cho học sinh của mình thì có thể gọi là "kỷ luật tích cực" có mang tính kỷ luật nhưng có mang tính tích cực để học sinh đón nhận", chuyên gia tâm lý Vũ Trường Giang nêu quan điểm.

Trao đổi thêm về vấn đề này, luật sư Tạ Phương (Văn phòng luật sư Trung Hòa) cho biết, có thể có những trường học quy định không cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học. Việc học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học có thể vi phạm nội quy, quy chế và có thể bị xem xét xử lý.

Tuy nhiên trường hợp học sinh sử dụng điện thoại di động hoặc các thiết bị điện tử để ghi hình, ghi âm lại hành vi vi phạm pháp luật của giáo viên nhằm tố cáo với cơ quan chức năng, hành vi này lại hợp lý, hợp pháp. Pháp luật quy định, bất cứ công dân nào cũng có quyền tố cáo, tố giác, có quyền cung cấp các bằng chứng về hành vi vi phạm pháp luật của người khác cho cơ quan chức năng để xem xét giải quyết.

"Trong trường hợp cơ sở giáo dục có quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học nhưng học sinh phát hiện ra giáo viên liên tục có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm chuẩn mực đạo đức của nhà giáo, việc học sinh ghi hình, ghi âm, chụp ảnh để lưu lại bằng chứng nhằm tố cáo hành vi vi phạm pháp luật cho phép. Nếu học sinh phát tán video kèm theo những lời lẽ xúc phạm tới giáo viên hoặc có những thông tin sai sự thật, người phát tán video mới bị xem xét xử lý theo luật an ninh mạng. Còn việc người đó phát tán video nhằm mục đích tố cáo hành vi sai phạm của giáo viên, của nhà trường thì được xác định không vi phạm pháp luật", luật sư Tạ Phương cho biết.

Sau vụ học sinh bạo hành giáo viên ở Tuyên Quang: Các nhà trường cần làm gì?Sau vụ học sinh bạo hành giáo viên ở Tuyên Quang: Các nhà trường cần làm gì?

SKĐS - Vụ việc một số học sinh Trường THCS Văn Phú (tỉnh Tuyên Quang) có hành động bạo lực, vi phạm đạo đức nghiêm trọng đối với một nữ giáo viên vẫn khiến dư luận không thôi dậy sóng vì chưa bao giờ, vấn đề đạo đức trong trường học lại trở nên đáng lo ngại như vậy.

Đỗ Vi
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn