Chuyên gia chỉ cách phòng chống 'virus' bạo lực học đường

24-10-2023 10:03 | Thời sự

SKĐS - Theo TS. Lê Thị Thanh Thủy, cha mẹ và nhà trường cần trang bị, rèn cho học sinh hằng ngày những kỹ năng ứng phó và xử lý tình huống khi bạo lực xảy ra, đừng để tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng".

Năm học bắt đầu mới hơn một tháng nhưng nhiều vụ bạo lực học đường diễn ra ngày càng dày đặc, liên tiếp ở hầu khắp các địa phương trên cả nước với nhiều hình thức khác nhau gây ra nhiều hệ lụy. Có học sinh bị đình chỉ học tập, có học sinh phải nhập viện cấp cứu, thậm chí có học sinh tử vong… Tình trạng này đang ở mức báo động khiến nhiều người lo lắng.

Chuyên gia chỉ cách phòng chống "virus" bạo lực học đường - Ảnh 1.

TS. Lê Thị Thanh Thủy - Phó trưởng khoa Công tác xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.

Phương thuốc nào trị tận gốc "căn bệnh" bạo lực học đường không?

Trao đổi với PV báo Sức khỏe và Đời sống, TS. Lê Thị Thanh Thủy - Phó trưởng khoa Công tác xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng, hiện tượng bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới, song thời gian gần đây hiện tượng này xảy ra liên tục cả trong và ngoài nhà trường, gây nhức nhối cho ngành giáo dục.

"Bạo lực của con người với nhau đã có từ xưa đến nay, thời nào cũng có, xã hội nào cũng có. Con người luôn có hành vi gây hấn và từ hành vi gây hấn này thì sẽ có hành vi bạo lực. Hành vi bạo lực có thể xuất hiện từ lứa tuổi rất nhỏ đến trẻ em rồi người lớn. Các hành vi bao gồm bạo lực về thể chất, bạo lực tinh thần và bạo lực công nghệ…".

Theo TS. Lê Thị Thanh Thủy, không có một "liều thuốc" nào duy nhất để chấm dứt hành vi bạo lực học đường. Để chấm dứt được phải phụ thuộc vào rất nhiều thứ như văn hóa nhà trường (nhà trường xây dựng Bộ quy tắc ứng xử, có các chương trình phòng ngừa, giáo dục trang bị kỹ năng) do tập thể nhà trường, do giáo viên, do tầng dân trí của cha mẹ khi có con ở trong môi trường đó và sự giáo dục đối với học sinh sẽ quyết định được việc có hạn chế được nạn bạo lực học đường hay không.

Khi xảy ra tình trạng bạo lực học đường, tùy theo mức độ mà có cách xử lý khác nhau. Nhưng điều quan trọng nhất là cần có sự chung tay của toàn xã hội, nhất là sự đồng hành, sự bám sát của giáo viên, của cha mẹ và của các bên liên quan. "Chỉ có sự đồng hành và phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội thì mới phát hiện kịp thời, phòng ngừa kịp thời, can thiệp kịp thời, khi đó, vấn nạn bạo lực học đường mới có thể chấm dứt".

Làm sao để trẻ có "sức đề kháng" với bạo lực học đường?

TS. Lê Thị Thanh Thủy cho biết, để trẻ có thể phòng tránh được bạo lực học đường còn phụ thuộc vào tính cách của từng em. Có những em học rất tốt, rất thông minh nhưng vẫn bị bạn bè có hành vi bạo lực. "Theo tôi, nếu bản thân đứa trẻ có sự tự tin, có kỹ năng, ví dụ kỹ năng từ chối, kỹ năng giao tiếp trên mạng xã hội thì tôi nghĩ việc này sẽ giảm đi phần nào đó về bạo lực".

Chuyên gia chỉ cách phòng chống "virus" bạo lực học đường - Ảnh 3.

Các vụ bạo lực học đường ngày càng gia tăng, diễn ra liên tiếp cả trong và ngoài nhà trường với nhiều hình thức khác nhau gây ra nhiều hệ lụy.

Cha mẹ phải là người quan tâm đến con mình đầu tiên. Cần trang bị cho con những kỹ năng ứng phó và xử lý tình huống cũng như kỹ năng tự bảo vệ mình khi bạo lực xảy ra. Cha mẹ cần giải thích cho con hiểu không ai có quyền xâm phạm cơ thể mình; dạy con cách phòng ngừa bạo lực như dạy con hiểu biểu hiện thế nào là mối quan hệ bạo lực để các con có thể nhận ra được dấu hiệu của bạo lực tinh thần hay thể chất…; dạy con sử dụng mạng xã hội an toàn.

Nền tảng sâu xa của việc phòng ngừa này là con phải biết thể hiện sự khiêm tốn và tôn trọng với người khác. Đây chính là cách thức để phòng tránh bạo lực tốt nhất mà phụ huynh cần phải rèn hằng ngày cho con, đừng để tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng".

Bên cạnh đó, cha mẹ cần dạy con trong trường hợp mới bắt đầu nhận ra dấu hiệu bị bạo lực thì cần kể lại với những người thân thiết (bố mẹ, ông bà hay ai đó mà con tin tưởng), đồng thời biết cách lường trước những nguy cơ có thể xảy ra (có thể đưa ra cho con những tình huống). Ngoài ra, cần khuyến khích con nâng cao rèn luyện cơ thể và tham gia các hoạt động xã hội.

Liên tục các vụ học sinh hỗn chiến, xử nhau như xã hội đen từ đầu năm đến nay

Mới đây, ngày 20/10, một học sinh 17 tuổi ở Quảng Ngãi dùng dao đâm hai học sinh khác khiến một em tử vong, một bị thương nặng. Theo thông tin ban đầu, học sinh đâm bạn tử vong do nghi hack tài khoản facebook.

Ngày 18/10, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn video quay lại cảnh nữ sinh bị một học sinh mặc đồng phục Trường THCS Trung Mỹ Tây 1 (huyện Hóc Môn, TP.HCM) đánh, lột quần áo trong sự chứng kiến, ủng hộ của các học sinh khác mà không có sự ngăn cản; Ngày 11/10, một nữ sinh lớp 8 bị các bạn bắt quỳ giữa lớp học để mạt sát, đánh tới tấp, quay phim ở Lâm Đồng.

Ngày 10/10, một số học sinh Trường THPT Buôn Đôn (Đăk Lăk) trong lúc ở lại trường tập văn nghệ sau giờ học thì bất ngờ bị nhóm bạn cùng trường và người ngoài xông vào đánh khiến một học sinh bị thương ở đầu, phải nhập viện cấp cứu.

Ngày 7/10, một nữ sinh lớp 8 ở Cà Mau đánh bạn trong lớp chỉ vì bạn "nhìn nhau không có thiện cảm"; Ngày 2/10, trong giờ ra chơi, nữ sinh lớp 10 một trường THPT tại Đăk Lăk dùng guốc đánh bạn cùng lớp chảy máu, phải khâu 4 mũi; Ngày 22/9, một học sinh lớp 9 ở Kiên Giang bị nhóm 8 người chặn trước cổng trường và một người trong nhóm đánh em này vỡ lá lách…

Đâu là nguyên nhân khiến bạo lực học đường ngày càng gia tăng?Đâu là nguyên nhân khiến bạo lực học đường ngày càng gia tăng?

SKĐS - Thời gian qua, tại các địa phương liên tục xảy ra các vụ bạo lực học đường. Đáng chú ý, các vụ bạo lực học đường có xu hướng gia tăng không chỉ xảy ra giữa học sinh với học sinh mà cả giữa thầy cô giáo với học sinh.

Đỗ Vi
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn