Hội thảo nằm trong kế hoạch nghiên cứu, đề xuất và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn và Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến đồng chủ trì Hội thảo.
Chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn Thủ đô có nhiều đổi mới
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được Hà Nội tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp để triển khai thực hiện. Trong các chính sách đề xuất đưa vào dự thảo, chính sách phát triển y tế Thủ đô hết sức quan trọng. Chính vì vậy, Hà Nội mong muốn các ý kiến đề xuất ưu việt, vượt trội, có tính khả thi trong thực tiễn để đưa vào dự thảo.
Tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, Hà Nội đề xuất chính sách nhằm nâng cao năng lực, xây dựng hệ thống y tế Thủ đô ngày càng phát triển, hiện đại, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn hiện, nâng cao sức khỏe nhân dân. Đảm bảo an sinh xã hội toàn diện, bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn, giảm nghèo bền vững tiến tối phát triển bền vững.
Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn thành phố có nhiều đổi mới, tiến bộ và chất lượng không ngừng được nâng cao. Các bệnh viện, cơ sở y tế của thành phố, cấp huyện và cấp xã được đầu tư nâng cấp. Thành phố cũng đang trực tiếp quản lý 41 bệnh viện trực thuộc, có 1 Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội thuộc Bệnh viện Đa khoa Xanh-Pôn. Mạng lưới y tế công cộng, dự phòng, phục vụ công tác dịch tễ, chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh được hình thành gồm: 1 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và 579 trạm y tế xã, phường thuộc 30 Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã (trong đó, đã có 82,73% trạm y tế thực hiện theo nguyên lý y học gia đình).
Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống y tế của thành phố trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Chất lượng khám, chữa bệnh chưa đồng đều ở các tuyến; chưa giải quyết hiệu quả tình trạng quá tải ở một số bệnh viện và chuyên khoa tại các bệnh viện tuyến. Công tác y tế dự phòng, nhất là ở cơ sở còn yếu và chưa thực sự bền vững. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở còn thiếu thốn, nhiều nơi đã xuống cấp. Nhân lực y tế còn thiếu và yếu, tỷ lệ y bác sỹ trên số dân còn thấp, đặc biệt đối với các trạm y tế cấp xã, có nơi trên 60.000 dân cũng chỉ có tối đa 10 cán bộ y tế…
Ngoài ra, chế độ đãi ngộ, thu nhập của lực lượng y tế nói chung, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở còn thấp dẫn đến việc khó tuyển dụng, thu hút nhân lực vào làm việc. Các quy định về BHYT, chế độ chi trả khám bệnh, chữa định mức kinh phí còn bất cập, không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Cơ chế quản lý, hoạt động các cơ sở y tế còn chưa phù hợp, chưa phát huy tính tự chủ, trách nhiệm, phát huy tốt nguồn nhân lực của ngành y tế….
Nhiều chính sách đặc thù được đề xuất
Tại Hội thảo, Thạc sĩ – Bác sĩ Trần Việt Anh (Bộ môn Y học gia đình – trường Đại học Y Hà Nội) đã trình bày tham luận "Đề xuất chính sách về Y học gia đình, phát triển hệ thống y tế Thủ đô hiện đại, hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện, nâng cao sức khỏe nhân dân".
Bác sĩ Trần Việt Anh cho rằng, một số vấn đề ngành Y tế thủ đô đang đối mặt trong công tác bố trí nhân sự thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe tại tuyến chăm sóc ban đầu: Tuyển dụng & đào tạo nhân sự trong lĩnh vực y tế cơ sở; Sắp xếp nhân sự phù hợp với mô hình tổ chức hiện hành, đảm bảo đủ điều kiện thực hiện các danh mục kỹ thuật; Đảm bảo chế độ đãi ngộ hợp lý cho nhân viên y tế để đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ y tế phù hợp với yêu cầu của người dân.
Trong đó, Bác sĩ Trần Việt Anh nhấn mạnh về vấn đề đảm bảo chế độ đãi ngộ phù hợp cho nhân viên y tế, trong đó chưa tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, mệnh giá BHYT thấp, cơ cấu của giá chưa hợp lý (tiền thuốc, hóa chất, vật tư chiếm tới 70-80%) dù đã có nhưng chi phí tiền lương còn rất thấp không khuyến khích được người lao động; Chưa có hành lang pháp lý ủng hộ các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu trong khu vực y tế cơ sở phục vụ chăm sóc ban đầu (ví dụ các dịch vụ đòi hỏi chi phí nhân công cao như: Khám chữa bệnh tại nhà, chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời…). Từ đó, Bác sĩ Trần Việt Anh cũng đưa ra các giải pháp cụ thể để phát triển y tế Thủ đô ngày càng phát triển, đổi mới, tiến bộ và chất lượng không ngừng được nâng cao.
Cũng tại Hội thảo, PGS.TS. BS. Phạm Thị Bích Đào (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đã trình bày tham luận với chủ đề "Một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút đầu tư, phát triển y tế hiện đại, chất lượng cao cho Thủ đô Hà Nội".
Theo PGS.TS. BS. Phạm Thị Bích Đào, trong thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Chất lượng khám, chữa bệnh và y đức được nâng cao, phát triển và ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại; đầu tư nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế; tích cực triển khai mô hình Trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình; công tác phòng, chống dịch, nhất là dịch COVID-19 thực hiện quyết liệt hiệu quả…
Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, chính vì vậy PGS.TS. BS. Phạm Thị Bích Đào đã gợi ý đề xuất một số giải pháp về cơ chế chính sách đặc thù nhằm xây dựng hệ thống y tế của Thủ đô như: Cần xây dựng hệ thống chính sách về y tế một cách đồng bộ từ xã phưởng đến trung ương; Nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở; Quy định các biện pháp ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp và các biện pháp; Chế độ đãi ngộ, cơ chế tài chính, quy định về khám chữa bệnh và cơ chế chi trả bảo hiểm y tế phù hợp nhằm duy trì đội ngũ cán bộ y tế làm việc tại các trạm y tế cơ sở của Thủ đô; quy định cơ chế đặc thù về bổ nhiệm chức danh lãnh đạo quản lý đối với người lao động không phải là viên chức tại các đơn vị tự chủ tài chính để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; Chính sách số hoá về quản lý y tế.
Một số chính sách được Sở Y tế nghiên cứu đề xuất đáng lưu ý khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)
-Thành phố quyết định mức chi, nội dung chi cho an sinh xã hội cao hơn và phạm vi đối tượng được thụ hưởng rộng hơn so với quy định chung, tiến tới bao phủ toàn dân.
- Thành phố quyết định việc hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho các đối tượng thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo, đối tượng chính sách vay vốn ngân hàng chính sách xã hội, giải quyết việc làm.
- Thành phố quy định biện pháp khuyến khích việc huy động nguồn lực xã hội để nâng mức hỗ trợ đối với người có công, người cao tuổi, người nghèo, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, trợ giúp xã hội trong thiên tai, dịch bệnh.
- Quy định chế độ đãi ngộ, cơ chế tài chính, quy định về khám chữa bệnh và chế chế chi trả bảo hiểm y tế phù hợp nhằm duy trì đội ngũ cán bộ y tế (đặc biệt là các bác sĩ) làm việc tại các trạm y tế cơ sở của Thủ đô thực hành nguyên lý y học gia đình để chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
- Quy định về cơ chế tài chính, dịch vụ khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế phù hợp để khuyến khích phát triển đội ngũ bác sỹ làm việc cho cơ sở y tế tư nhân thực hiện nguyên lý y học gia đình liên thông, kết nối và bổ trợ với hệ thống y tế hiện hành.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Chuyên gia khuyến cáo không nên quá hoang mang trước bệnh đậu mùa khỉ - SKĐS.