Trong thời gian vừa qua, bên cạnh những thành tựu đáng kể, ngành y tế Thủ đô Hà Nội đang phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức. Đặc biệt trong hoàn cảnh phức tạp do đại dịch COVID-19 toàn cầu. Nhân lực y tế, đầu tư cho y tế… là những lĩnh vực đang cần sự quan tâm đặc biệt trong những nỗ lực nhằm hướng tới khả năng đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nhằm nâng cao năng lực y tế các tuyến tăng cường sự gắn kết, hợp tác giữa các đơn vị y tế trọng địa bàn thành phố Hà Nội, chiều ngày 23/10, ngành y tế Hà Nội tổ chức Hội nghị nâng cao năng lực quản lý các cơ sở y tế Hà Nội năm 2020 với sự tham gia của các đơn vị y tế và Bảo hiểm y tế Thành phố.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Khắc Hiền- Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết; Việc vượt tuyến khám bệnh, chữa bệnh xảy ra khá phổ biến, nhiều người bệnh đến cơ sở khám, chữa bệnh tuyến Trung ương để khám, chữa nhiều bệnh lý có thể được điều trị hiệu quả ngay tuyến huyện, gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến Trung ương. Để giải quyết những khó khăn, thách thức nêu trên với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân tại các tuyến cơ sở, để bệnh nhân được chăm sóc, điều trị đúng tuyến y tế phù hợp, qua đó giảm thời gian đi lại, giảm chi phí cho bệnh nhân thì sự phối hợp, hợp tác giữa các đơn vị y tế trực thuộc Sở y tế Hà Nội là điều rất cần thiết.
TS Nguyễn Khắc Hiền- Giám đồ Sở Y tế Hà Nội phát biểu tại hội nghị
"Sự phối hợp giữa các đơn vị y tế từ tuyến trên đến cơ sở thông qua việc khám bệnh từ xa, thông qua mạng internet để mọi người dân đều được tư vấn, khám chữa bệnh ngay tại tuyến xã với sự hỗ trợ hiệu quả, chất lượng của các bác sĩ từ tuyến thành phố, Trung ương phải được đẩy mạnh trong ngành y tế Thủ đô"- TS Nguyễn Khắc Hiền nói
Tại Hội nghị, các cơ sở y tế cùng nhau thảo luận, chia sẻ về việc điều trị và chuyển tuyến cho bệnh nhân, cùng nhau cập nhật kiến thức, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về việc chẩn đoán, khám bệnh và điều trị cho bệnh nhân cũng như kinh nghiệm trong quản lý.
Thông tin về tại hội nghị về công tác khám chữa bệnh từ xa của ngành y tế Hà Nội cho biết, cả 4 bệnh viện tuyến cuối là BV Tim Hà Nội, BV Ung bướu Hà Nội, BVĐK Xanh Pôn và BV Phụ sản Hà Nội đều đã triển khai Đề án khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế. Sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện Đề án, tính đến ngày 15/10, BV Tim Hà Nội đã kết nối 100 điểm cầu, BV Ung bướu Hà Nội kết nối 45 điểm cầu, BVĐK Xanh Pôn kết nối 52 điểm cầu và BV Phụ sản Hà Nội là 39 điểm cầu. Đã có vài chục ca bệnh nặng, diễn biến phức tạp được các thầy thuốc tuyến trên hội chẩn, tư vấn khám, điều trị và phẫu thuật.
Là bệnh viện đầu tiên của ngành y tế Thủ đô triển khai Đề án Khám chữa bệnh từ xa BV Tim Hà Nội đã thường xuyên gắp kết với việc tư vấn khám, chữa bệnh từ xa với các bác sỹ tuyến dưới bằng nhiều hình thức như telemedicine, qua điện thoại, zalo, viber…
Việc triển khai khám chữa bệnh từ xa góp phần giảm quá tải BV tuyến trên, nâng cao chất lượng hiệu quả khám chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh
BV Tim Hà Nội được Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội giao là BV tuyến cuối về chuyên môn kỹ chuật chuyên ngành tim mạch, hỗ trợ phát triển tim mạch cho 13 BV vệ tinh; 37 BV thuộc dự án Norred; 60 BV/ trung tâm y tế thuộc Hà Nội và nhiều BV ngoại tỉnh có hợp tác.
Một buổi tư vấn hội chẩn khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Tim Hà Nội
Trước đó, tại buổi khai trương Đề án khám chữa bệnh từ xa của BV Tim Hà Nội, tại điểm cầu BVĐK tỉnh Phú Thọ, các bác sĩ đã xin ý kiến hội chẩn từ các bác sĩ BV Tim Hà Nội về trường hợp một bé gái (55 tháng tuổi ở Phú Thọ) bị thông liên thất. Bệnh nhi này được phát hiện thông liên thất từ 1 tháng tuổi.
Căn bệnh đã khiến bệnh nhi chậm tăng cân, thể trạng gầy yếu, nhất là thường xuyên bị viêm phổi, viêm phế quản tái diễn nhiều lần.
Từ điểm cầu của BV Tim Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền sau khi nghe báo cáo và xem bệnh án, các kết quả xét nghiệm, siêu âm, X-quang… của bệnh nhi đã đưa ra chỉ định, với trường hợp này, để bảo đảm an toàn cho người bệnh không thể áp dụng phẫu thuật nội soi mà phải chỉ định can thiệp phẫu thuật tim mở (nên mở qua động mạch phổi), đồng thời thiết lập hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể… để từ đó tìm tổn thương thông liên thất và vá lỗ thông.
Ngay lập tức, các bác sĩ của BVĐK tỉnh Phú Thọ đã chuyển bệnh nhi đến phòng phẫu thuật.
Toàn bộ hình ảnh từ cuộc can thiệp được truyền hình trực tiếp từ phòng phẫu thuật BVĐK tỉnh Phú Thọ về đầu cầu BV Tim Hà Nội để các bác sĩ cùng theo dõi, hướng dẫn xử trí từng bước. Cuối cùng ca can thiệp tim mạch đã diễn ra thành công.