Tốc độ 'bê tông hoá' nhanh
Do tốc độ đô thị hóa khá nhanh tại TP. Hà Nội hình thành nhiều khu đô thị mới, tòa nhà cao tầng thi nhau mọc lên như nấm sau mưa. Sự gia tăng nhanh chóng của dân số cùng các phương tiện giao thông cá nhân buộc hệ thống công trình dân sinh, giao thông được nới rộng. Trong khi đó, KGX chưa được chú trọng đầu tư phát triển dẫn đến diện tích cây xanh cũng bị thu hẹp khá nhiều.
Ngoài ra, một số công viên vui chơi giải trí cũ được cho là hoạt động chưa hiệu quả. Các công viên phân bố rải rác trên địa bàn trung tâm Thủ đô với quy mô nhỏ và thiếu về số lượng cũng như chất lượng. Đa số các công viên đều chỉ trồng cây lấy bóng mát và trở thành nơi tập thể dục thể thao cho người dân.
Bên cạnh đó, các công viên, vườn hoa đang phải đối mặt với sự thu hẹp của diện tích đất công cộng, cạnh tranh giữa sử dụng đất cho các tiện ích công cộng với các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, giữa các tiện ích công cộng với nhau. Nhiều công viên đã đưa vào khai thác từ lâu nay xuống cấp, sửa chữa, nâng cấp mang tính tạm thời, chắp vá.
Chuyên gia đô thị - Kiến trúc sư Trần Huy Ánh đánh giá, chúng ta đang sống trong một thành phố mà người Hà Nội rất tự hào vì là một thành phố xanh, thành phố của cây xanh. Niềm vinh dự đó có được là do Hà Nội có được tỉ lệ cây xanh khá lớn, nhưng đó là tỉ lệ trước năm 1960 hoặc xa hơn là 1954, chứ hiện quá trình đô thị hóa nhanh khiến tỉ lệ cây xanh tính theo đầu người khá thấp nếu so với nhiều nơi khác.
Giải pháp nào phát triển không gian xanh?
Để giảm thiểu tác động của quá trình 'bê tông hoá', góp phần bảo vệ môi trường bền vững, nâng cao chất lượng sống cho người dân, thay đổi diện mạo của Thủ đô, mới đây nhất, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã đưa ra bản dự thảo quy hoạch về hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn Hà Nội dự kiến từ nay tới năm 2030 Hà Nội sẽ xây dựng thêm khoảng 20 công viên, vườn hoa nữa với tổng diện tích 970 ha tại các quận huyện.
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc phát triển không gian xanh, cần chú trọng đến công tác quy hoạch, đặc biệt là tại các vùng nội đô, nơi được coi là 'hành lang xanh' bảo vệ cho TP. Hà Nội, đồng thời đẩy mạnh vai trò của cộng đồng, từng cá nhân trong việc bảo tồn và phát triển thêm các mô hình không gian xanh.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh bày tỏ quan điểm:"Chúng ta hãy nghiên cứu thật kỹ trước khi đô thị hóa các vùng ven đô. Chính đó là những không gian xanh, không gian sinh kế, không gian nhân sinh, không gian di sản đã được tích lũy hàng nghìn năm. Chúng ta chỉ cần làm cho nó có giá trị hơn một cách thông minh hơn, khôn ngoan hơn. Việc giữ lại khu vực xanh ấy bản chất đã là tăng không gian xanh cho người dân nội đô rất nhiều".
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, Nguyên KTS Trưởng TP. Hà Nội - TS. Đào Ngọc Nghiêm cho biết:"Để tạo lập không gian xanh cần một nguồn lực rất lớn, không chỉ từ ngân sách thành phố mà còn huy động từ xã hội, từ doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng dân cư tham gia cùng. Bởi cộng đồng là một chủ thể sẽ góp phần bảo vệ, chăm sóc không gian xanh, đồng thời là người đóng góp trực tiếp. Chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là vai trò của người dân, như vậy thì chúng ta mới có thể thực hiện mục tiêu 'xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại' được".
Hơn nữa cần thay đổi về tư duy và lối sống, nâng cao ý thức của cấp lãnh đạo quản lý và cộng đồng về giá trị của hệ thống KGX đô thị, tích cực tham gia các mô hình, phong trào quản lý KGX ngay trong cộng đồng dân cư. Mỗi người dân, mỗi gia đình cần có ý thức tạo dựng KGX của chính ngôi nhà mình với những chậu cây xanh, bồn hoa..., đồng thời bảo vệ cây xanh để cải thiện môi trường sống, góp phần tạo xanh cho đô thị, hướng tới Thủ đô 'xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại'.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Miền Trung tiếp tục hứng chịu đợt mưa rất lớn, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở nghiêm trọng