Vẫn còn quá ít người mắc bệnh viêm gan được chẩn đoán và điều trị
Báo cáo được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh về viêm gan thế giới mới đây nhấn mạnh rằng, mặc dù có các công cụ chẩn đoán và điều trị tốt hơn cũng như giá thuốc giảm, nhưng tỷ lệ bao phủ xét nghiệm và điều trị vẫn bị đình trệ. Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu loại trừ viêm gan của WHO vào năm 2030 vẫn có thể đạt được nếu hành động nhanh chóng được thực hiện ngay bây giờ.
Dữ liệu mới từ 187 quốc gia cho thấy, ước tính số ca tử vong do viêm gan siêu vi tăng từ 1,1 triệu người vào năm 2019 lên 1,3 triệu người vào năm 2022. Trong số này, 83% là viêm gan B và 17% là viêm gan C. Mỗi ngày có 3.500 người chết trên toàn cầu do nhiễm viêm gan B và C.
TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết: “Báo cáo đã cho thấy một bức tranh đáng lo ngại. Mặc dù có tiến bộ trên toàn cầu trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng viêm gan, nhưng số ca tử vong vẫn gia tăng, do có quá ít người mắc bệnh viêm gan được chẩn đoán và điều trị”.
Ước tính cập nhật của WHO cũng chỉ ra rằng, 254 triệu người mắc bệnh viêm gan B và 50 triệu người mắc bệnh viêm gan C vào năm 2022. Một nửa gánh nặng nhiễm viêm gan B và C mạn tính là ở những người từ 30–54 tuổi, với 12% ở trẻ em dưới 18 tuổi. Nam giới chiếm 58% trong tất cả các trường hợp.
Ước tính tỷ lệ mắc mới cho thấy giảm nhẹ so với năm 2019, nhưng tỷ lệ mắc bệnh viêm gan siêu vi nói chung vẫn ở mức cao. Các biện pháp phòng ngừa như tiêm chủng và tiêm an toàn, cùng với việc mở rộng điều trị viêm gan, đã góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh.
Tiến bộ toàn cầu và những khoảng trống trong chẩn đoán và điều trị
Trên tất cả các khu vực, chỉ có 13% số người nhiễm viêm gan B mạn tính được chẩn đoán và khoảng 3% (7 triệu) đã được điều trị bằng thuốc kháng virus vào cuối năm 2022. Về viêm gan C, 36% đã được chẩn đoán và 20% (12,5) triệu đã được điều trị khỏi bệnh.
Những kết quả này thấp hơn nhiều so với mục tiêu toàn cầu là điều trị 80% số người mắc bệnh viêm gan B và viêm gan C mạn tính vào năm 2030. Tuy nhiên, con số này cho thấy sự cải thiện nhẹ nhưng nhất quán trong phạm vi chẩn đoán và điều trị, kể từ ước tính được báo cáo lần cuối vào năm 2019. Cụ thể: Chẩn đoán viêm gan B tăng từ 10% lên 13% và điều trị từ 2% lên 3%. Chẩn đoán viêm gan C tăng từ 21% lên 36% và điều trị tăng từ 13% lên 20%.
Gánh nặng của bệnh viêm gan siêu vi thay đổi theo từng vùng. Khu vực Châu Phi của WHO chịu 63% số ca nhiễm viêm gan B mới, tuy nhiên bất chấp gánh nặng này, chỉ có 18% trẻ sơ sinh trong khu vực được tiêm vaccine ngừa viêm gan B khi sinh. Ở khu vực Tây Thái Bình Dương, nơi chiếm 47% số ca tử vong do viêm gan B, tỷ lệ điều trị ở mức 23%, trong số những người được chẩn đoán, quá thấp để giảm tỷ lệ tử vong.
Bangladesh, Trung Quốc, Ethiopia, Ấn Độ, Indonesia, Nigeria, Pakistan, Philippines, Liên bang Nga và Việt Nam cùng gánh chịu gần 2/3 gánh nặng toàn cầu về bệnh viêm gan B và C. Để đạt được khả năng tiếp cận phổ cập tới phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị ở 10 quốc gia này vào năm 2025, cần nỗ lực tăng cường ở khu vực Châu Phi, để đưa phản ứng toàn cầu trở lại đúng hướng nhằm đáp ứng các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Sự khác biệt về giá cả và cung cấp dịch vụ
Mặc dù có sẵn các loại thuốc điều trị viêm gan siêu vi có giá cả phải chăng nhưng nhiều quốc gia không thể mua được thuốc với mức giá thấp hơn. Sự chênh lệch về giá vẫn tồn tại cả trong và ngoài các khu vực của WHO, với nhiều quốc gia trả tiền cao hơn mức chuẩn toàn cầu, ngay cả đối với thuốc không có bằng sáng chế hoặc khi được đưa vào các thỏa thuận cấp phép tự nguyện.
Ví dụ, mặc dù tenofovir để điều trị bệnh viêm gan B không được cấp bằng sáng chế và có giá chuẩn toàn cầu là 2,4 USD mỗi tháng, nhưng chỉ có 7 trong số 26 quốc gia báo cáo trả giá bằng hoặc thấp hơn giá chuẩn.
Tương tự, một liệu trình 12 tuần dùng thuốc sofosbuvir/daclatasvir thuộc nhóm pangenotypic để điều trị viêm gan C hiện có ở mức giá chuẩn toàn cầu là 60 USD, tuy nhiên chỉ có 4/24 quốc gia báo cáo trả mức giá bằng hoặc thấp hơn mức giá chuẩn.
Việc cung cấp dịch vụ vẫn tập trung và theo chiều dọc, và nhiều nhóm dân cư bị ảnh hưởng vẫn phải trả chi phí tự chi trả cho các dịch vụ viêm gan siêu vi. Chỉ 60% các quốc gia báo cáo cung cấp dịch vụ xét nghiệm và điều trị viêm gan siêu vi miễn phí, toàn bộ hoặc một phần, trong khu vực công.
Khuyến nghị để đẩy nhanh quá trình loại bỏ bệnh viêm gan
Báo cáo của WHO cũng phác thảo một loạt hành động nhằm thúc đẩy phương pháp tiếp cận y tế công cộng đối với bệnh viêm gan siêu vi, được thiết kế nhằm đẩy nhanh tiến độ hướng tới chấm dứt dịch bệnh vào năm 2030. Chúng bao gồm:
- Mở rộng khả năng tiếp cận xét nghiệm và chẩn đoán;
- Chuyển từ chính sách sang thực thi đối xử công bằng;
- Tăng cường các nỗ lực phòng ngừa chăm sóc ban đầu;
- Đơn giản hóa việc cung cấp dịch vụ, tối ưu hóa quy định và cung cấp sản phẩm;
- Phát triển các trường hợp đầu tư ở các nước ưu tiên;
- Thu hút sự tham gia của các cộng đồng bị ảnh hưởng và xã hội dân sự, thúc đẩy nghiên cứu để cải thiện chẩn đoán và các phương pháp chữa trị tiềm năng cho bệnh viêm gan B...
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Viêm gan: Những ca bệnh biến chứng đáng sợ