Gần 900.000 ca tử vong mỗi năm do hậu quả của viêm gan B mạn tính
Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra. HBV có thể gây ra cả bệnh gan cấp tính và mãn tính. Viêm gan B mạn tính là một bệnh nhiễm trùng kéo dài. Ước tính đến nay có gần 300 triệu người trên toàn cầu mắc viêm gan B mạn tính.
Điều đáng nói là, ngay cả khi được điều trị, viêm gan B mạn tính có thể tiến triển thành các biến chứng ở gan, bao gồm xơ gan và ung thư gan, dẫn đến gần 900.000 ca tử vong mỗi năm.
Ức chế virus là mục tiêu điều trị viêm gan B mạn tính hiện nay. Tuy nhiên, hoạt động nhân lên của virus có thể quay trở lại sau khi ngừng điều trị. Do đó phần lớn bệnh nhân cần phải điều trị suốt đời để ngăn virus quay trở lại.
Mục đích điều trị viêm gan B mạn tính là nhằm loại bỏ virus lưu thông trong máu và ngăn chặn bất kỳ hoạt động bệnh nào trong gan. Hiện nay chỉ một số lượng hạn chế bệnh nhân điều trị viêm gan B mạn tính đạt được sự mất HbsAg - được coi là dấu hiệu để đạt được hiệu quả chữa khỏi chức năng. Do đó cần phát triển các phương pháp trị liệu để đạt được hiệu quả chữa khỏi chức năng này.
Thuốc giúp thanh thải bền vững virus gây viêm gan B
Theo kết quả từ thử nghiệm B-Clear giai đoạn 2B của Công ty dược phẩm GSK (Anh), được trình bày tại cuộc họp của Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh gan Hoa Kỳ và được công bố đồng thời trên Tạp chí Y học New England, cho thấy: Bepriroovirsen tạo ra sự thanh thải bền vững của virus viêm gan B (HBV) và kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg) ở bệnh nhân sử dụng đồng thời nucleoside/chất tương tự nucleotide (NA) và ở bệnh nhân không điều trị NA.
Thử nghiệm B-Clear giai đoạn 2B đã điều tra về hiệu quả và độ an toàn của bepirovirsen trong 12 hoặc 24 tuần ở những người bị viêm gan B mãn tính đang điều trị NA ổn định hoặc không điều trị NA khi bắt đầu nghiên cứu. Bệnh nhân được sử dụng bepirovirsen với liều 300mg mỗi tuần trong 24 tuần. Kết quả 9% bệnh nhân đang điều trị NA và 10% bệnh nhân không điều trị NA đạt được tiêu chí chính là nồng độ HBsAg dưới giới hạn phát hiện thấp hơn và mức HBV DNA dưới giới hạn định lượng.
Bệnh nhân có nồng độ kháng nguyên bề mặt HBV ban đầu thấp có phản ứng tốt nhất với điều trị bằng bepirovirsen ở nhánh điều trị 1, với 16% bệnh nhân dùng NA và 25% bệnh nhân không dùng NA đạt được tiêu chí chính.
Kết quả cũng đưa ra một dấu hiệu ban đầu rằng bepirovirsen có thể là một phương pháp điều trị tiềm năng, dù là đơn trị liệu hoặc kết hợp với NA, có thể dẫn đến chữa khỏi chức năng. Ngoài ra, thử nghiệm đã xác định một nhóm nhỏ bệnh nhân có nhiều khả năng được hưởng lợi từ việc điều trị bằng bepirovirsen, giúp định hướng cho sự phát triển trong tương lai.
Bepirovirsen được thiết kế để nhận diện RNA mà virus viêm gan B (HBV) sử dụng để sao chép trong các tế bào gan bị nhiễm bệnh. Lúc này HBV tạo ra các kháng nguyên virus, tạo điều kiện cho virus chuyển sang giai đoạn mãn tính bằng cách giúp chúng tránh bị hệ thống miễn dịch của cơ thể phát hiện và đào thải. Bepirovirsen cũng có thể kích thích các phản ứng miễn dịch thông qua thụ thể giống Toll-like 8 (TLR8). Thụ thể này có thể cho phép hệ thống miễn dịch đạt được sự thanh thải bền vững của HBV khỏi máu.
Hi vọng cho hàng triệu người bị nhiễm HBV mãn tính
GS. Man-Fung Yuen - Trưởng khoa Tiêu hóa và Gan mật, Bệnh viện Queen Mary Đại học Hồng Kông chia sẻ: Viêm gan B mãn tính ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới và rất khó điều trị. Vì thế, dữ liệu đầy hứa hẹn từ nghiên cứu B-Clear cung cấp khả năng có cơ hội chữa khỏi chức năng cho hàng triệu người bị nhiễm HBV mãn tính, đặc biệt là đối với những người có mức HBsAg cơ bản thấp
TS. Chris Corsico - Bộ phận nghiên cứu và phát triển thuốc của GSK cho biết: Kết quả từ nghiên cứu B-Clear là một bước tiến đầy hứa hẹn cho khoảng 300 triệu người đang sống với bệnh viêm gan B mãn tính. Chúng tôi mong muốn xác nhận những phát hiện này đối với bepirovirsen trong nghiên cứu giai đoạn 3 bắt đầu vào năm tới. Theo đó sẽ khám phá các lựa chọn liệu pháp với mục đích giúp nhiều người mắc viêm gan B mãn tính đạt được khả năng chữa khỏi về mặt chức năng.
Độ đáp ứng lâu dài hơn của thuốc sẽ được nghiên cứu trong thử nghiệm B-Sure, theo dõi những người tham gia thêm 33 tháng. Thử nghiệm này cũng bao gồm các tiêu chí để ngừng điều trị NA với khả năng chứng minh chữa khỏi bệnh ở những bệnh nhân khi đã ngừng tất cả các loại thuốc.
Thử nghiệm giai đoạn 3 đánh giá bepirovirsen sẽ bắt đầu vào nửa đầu năm 2023.
Mời độc giả xem thêm video:
Cẩn trọng với 5 bệnh mùa đông - Xuân ai cũng có thể mắc phải