1. Khi nào trẻ nhiễm virus viêm gan B cần điều trị?
Trẻ em nhiễm virus viêm gan B không cần phải có bất kỳ một biện pháp nào để cách li với bất kỳ các hoạt động nào khác. Trẻ vẫn được tham gia tất cả các hoạt động của tuổi ấu thơ. Tuy nhiên trẻ cần được tiêm vaccine ngừa viêm gan A. Người thân trong gia đình cần được tiêm vaccine ngừa viêm gan B. Ngoài ra, ở tuổi thanh thiếu niên, trẻ cần được giáo dục và có đủ thông tin về nguy cơ lây nhiễm viêm gan B qua đường tình dục và các đường lây truyền khác.
Dù không phải trường hợp nào cũng cần điều trị, nhưng trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm virus viêm gan B mạn tính cần được thăm khám và theo dõi thường xuyên bởi bác sĩ chuyên khoa gan nhi mỗi năm một hoặc hai lần. Trong những lần thăm khám này, trẻ sẽ được kiểm tra thể chất, xét nghiệm máu và các phương pháp chụp chiếu để bác sĩ đánh giá những tổn thương trên gan, từ đó sẽ có chỉ định cần điều trị hay không.
Việc theo dõi định kỳ này là rất quan trọng. Bởi viêm gan B ở trẻ có diễn biến âm thầm, ít biểu hiện triệu chứng. Đến khi trẻ có các triệu chứng rõ rệt thì có thể đã ở giai đoạn muộn, có biến chứng.
2. Điều trị viêm gan B cho trẻ thế nào?
Điều trị tối ưu cho trẻ nhiễm virus viêm gan B mạn tính cần được cá nhân hóa. Nghĩa là tùy thuộc tình trạng bệnh, các tổn thương gan, các bệnh đồng nhiễm, khả năng dùng thuốc cũng như chống chỉ định dùng thuốc trên từng trẻ mắc bệnh. Việc điều trị viêm gan B cho trẻ cũng cần được bác sĩ giải thích cặn kẽ với phụ huynh.
Mục tiêu điều trị viêm gan B cho trẻ là ức chế sự nhân lên của virus và ngừng giai đoạn hoạt động của virus và phòng ngừa các biến chứng lâu dài.
Lựa chọn phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân hợp lý là chìa khóa để điều trị thành công viêm gan B cho trẻ. Một trong những điều quan trọng cần chú ý là diễn tiến tự nhiên của viêm gan B mạn ở trẻ em thay đổi phụ thuộc vào tuổi, kiểu mắc bệnh và chủng tộc
Hiện tại có khá nhiều thuốc được chấp thuận điều trị viêm gan B mạn tính ở người lớn, nhưng với trẻ em, chỉ có 3 loại thuốc kháng virus được chấp thuận. Hơn nữa, như trên đã nêu, việc lựa chọn thuốc điều trị cần cá nhân hóa ở từng trẻ, do đó việc sử dụng thuốc kháng virus không hề đơn giản.
- Entecavir là thuốc kháng virus, được chỉ định trong điều trị các trường hợp tổn thương gan mạn tính ở người lớn và trẻ em. Thuốc có tác dụng làm chậm sự phát triển và làm giảm số lương virus viêm gan B trong cơ thể. Thuốc được chỉ định uống mỗi ngày một lần, tuy nhiên giá thành khá đắt.
- Tenofovir disoproxil là một loại thuốc uống mỗi ngày một lần, với ít tác dụng phụ, trong ít nhất một năm hoặc lâu hơn. Tương tự như entecavir, đây cũng được xem là một điều trị đầu tay cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
- Lamivudine là một loại thuốc uống mỗi ngày một lần, với ít tác dụng phụ, trong ít nhất một năm hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, đây lại là thuốc kháng virus thế hệ cũ dẫn đến tình trạng kháng thuốc rất cao. Do đó, thuốc này chỉ được xem là phương pháp điều trị bậc hai.
Như trên đã nêu, phác đồ điều trị viêm gan B cho trẻ phụ thuộc cả vào độ tuổi, kiểu mắc bệnh và chủng tộc cũng như điều kiện kinh tế.
Tại Mỹ, chỉ có lamivuidne và interferon alpha (INF alpha) được cấp phép sử dụng ở trẻ em. Adefovir dipivoxil được cho sử dụng cho những trẻ trên 12 tuổi.
- INF alpha đáp ứng tốt ở 30-40% số bệnh nhân, nhưng có giá khá đắt và có tác dụng phụ gây khó chịu. Tỷ lệ điều trị thành công INF alpha ở trẻ nhỏ thay đổi phụ thuộc vào từng vùng khác nhau trên thế giới. Tỷ lệ đáp ứng cao nhất ở các nước phương Tây.
- Lamivudine đường uống duy nhất được chứng nhận ở Mỹ trong điều trị viêm gan B mạn tính cho trẻ em dưới 12 tuổi. Các nghiên cứu trên nhiều nhóm bệnh nhân lâm sàng cho thấy hiệu quả của thuốc là 88%. Tuy nhiên, tình trạng kháng virus xuất hiện ở 64% số bệnh nhân đã điều trị lamivudine trong 3 năm.
Tại Việt Nam, trong vài nghiên cứu lâm sàng, lamivudine khá an toàn và dung nạp tốt cho trẻ viêm gan B. Không có tác dụng phụ nghiêm trọng được báo cáo sau 3 năm điều trị liên tiếp.
Khi so sánh các yếu tố tuổi, giới, chủng tộc, cân nặng và chỉ số khối cơ thể không có tác dụng rõ rệt ảnh hưởng đến đáp ứng điều trị với lamivudine ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, theo dõi về lâu dài ở những bệnh nhân này cho thấy bệnh vẫn tiếp tục diễn tiến. Do đó, cần phải cân nhắc việc ngừng lamivudine ở trẻ có xuất hiện viêm gan B đề kháng với lamivudine. Bệnh nhân nên được theo dõi thường xuyên khả năng bùng phát viêm gan trong một vài tháng sau khi ngưng điều trị.
Mời độc giả xem thêm video:
Hậu covid- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng