Vì sao đề xuất BHYT chi trả sàng lọc ung thư cổ tử cung, vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan B, C và một số bệnh khác?
Theo đó, Bộ Y tế đưa ra phương án mở rộng thêm phạm vi quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh đối với một số bệnh, đối tượng theo danh mục do Bộ Y tế quy định căn cứ vào khả năng cân đối của Quỹ BHYT và yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân, bao gồm:
- Khám, chẩn đoán đánh giá nguy cơ, tình trạng sức khoẻ và điều trị sớm một số bệnh để ngăn ngừa sự xuất hiện, tiến triển của bệnh theo danh mục bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành (ung thư cổ tử cung; tăng huyết áp; đái tháo đường; viêm gan C, B; ung thư vú); điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi (luật hiện hành chỉ thanh toán cho trẻ em <6 tuổi);
- Khám sức khỏe định kỳ cho một số đối tượng: trẻ em dưới 6 tuổi, hưu trí, người tham gia BHYT tự đóng;
- Khám bệnh, chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên không thể tự đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người khuyết tật nặng đối với một số bệnh, dịch vụ kỹ thuật được khám bệnh, chữa bệnh tại nhà; khám chữa bệnh từ xa trong một số trường hợp áp dụng với một số đối tượng và các trường hợp cấp cứu;
- Bổ sung dịch vụ chẩn đoán, sàng lọc sơ sinh (sàng lọc Thalassemia trước sinh, sàng lọc suy giáp).
Bộ Y tế đánh giá mở rộng phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT mang lại giá trị kinh tế lớn do phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm chi phí điều trị ở giai đoạn muộn. Khi bệnh nặng kèm theo các biến chứng, phải sử dụng thuốc phát minh, đặc trị, các kỹ thuật chẩn đoán, cận lâm sàng có chi phí cao.
Đồng thời, việc mở rộng chi trả khám sàng lọc nhằm đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự xuất hiện, tiến triển của một số bệnh. Việc phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời giúp giảm chi phí điều trị trong tương lai.
Tiết kiệm hàng tỷ đồng khi thực hiện sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh
Theo thống kê năm 2023, chi phí điều trị cho 6 nhóm bệnh ung thư thường gặp (ung thư vú, phổi, gan, đại tràng, dạ dày, tiền liệt tuyến) từ quỹ BHYT là 6.186 tỉ đồng.
Riêng với bệnh đái tháo đường type 2, năm 2021 ước tính số bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam gần 4 triệu người, trong đó 50% chưa được chẩn đoán. Năm 2023, có hơn 15.500.000 lượt khám chữa bệnh với chi phí lên đến 6.766 tỉ đồng/năm, chiếm 5,6% tổng chi quỹ.
Đối với bệnh tăng huyết áp, năm 2023 có gần 23 triệu lượt khám chữa bệnh với chi phí là 6.015 tỉ đồng/năm, chiếm 4,9% tổng chi quỹ.
Bộ Y tế cho rằng nếu sàng lọc tiểu đường type 2 sẽ tiết kiệm được cho Quỹ BHYT trung bình 162,3 tỷ đồng/năm trong 10 năm đầu tiên triển khai. Đồng thời, ngân sách cần chi trả cho việc điều trị các ca bệnh phát hiện từ sàng lọc là 2.089 tỉ đồng/năm. Sau 10 năm triển khai sẽ tiết kiệm được trung bình 162 tỉ đồng/năm.
Với sàng lọc tăng huyết áp, chi phí cần chi trả trung bình 88 tỉ đồng/năm trong 10 năm đầu tiên triển khai sàng lọc cho người từ 18 tuổi. Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh, ước tính sẽ cần chi trả là 27.940 tỉ/năm chi phí điều trị. Sau 10 năm triển khai sẽ tiết kiệm được trung bình 1.216 tỉ đồng/năm.
Sàng lọc ung thư cổ tử cung, Bộ Y tế cho biết theo nghiên cứu công bố bởi UNFPA năm 2023, ba phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung được đánh giá tại Việt Nam , bao gồm: xét nghiệm HPV 10 năm/ lần, xét nghiệm tế bào học 5 năm/ lần, và xét nghiệm VIA 3 năm/lần. Kết quả mô hình hoá trong toàn bộ thời gian sống của quần thể cho thấy, các phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung giúp ngăn chặn 280 - 287 nghìn ca tử vong và giúp tăng thêm 7,2 – 7,4 triệu năm sống.
Sàng lọc ung thư vú chi trả trung bình 2.100 tỉ đến 5.000 tỉ/năm tùy thuộc vào phương pháp sàng lọc. Tuy nhiên, chi phí này sẽ giảm đi đáng kể nếu giới hạn nhóm tuổi phụ nữ được sàng lọc.
Sàng lọc Thalassemia trước sinh: Viện Chiến lược và Chính sách Y tế đã thực hiện nghiên cứu đánh giá hiệu quả chi phí và tác động ngân sách của sàng lọc Thalassemia trước sinh tại Việt Nam. Nghiên cứu sử dụng thiết kế mô hình hoá để mô phỏng chiến lược sàng lọc và ước tính hiệu quả, chi phí so với việc không sàng lọc.
Kết quả cho thấy, chỉ cần đầu tư khoảng 15,5 triệu đồng cho sàng lọc và tiến hành đình chỉ thai kỳ phù hợp đối với một thai bị Thalassemia, sẽ tiết kiệm được chi phí điều trị 786,5 triệu đồng cho 30 năm sau đó nếu trẻ mắc bệnh được sinh ra. Tỷ lệ lợi ích/ chi phí là 1: 50,7, cho thấy sàng lọc Thalassemia trước sinh là một can thiệp rất hiệu quả chi phí. Chi phí tiết kiệm trên một ca Thalassemia được dự phòng là 760.230.447 đồng.
Đối với sàng lọc bệnh suy giáp trạng bẩm sinh, theo Bộ Y tế suy giáp bẩm sinh xuất hiện với tỉ lệ 1/3000-1/4000 trẻ nghĩa là cứ 3000 - 4000 trẻ sinh ra mỗi năm thì có 1 trẻ bị suy giáp bẩm sinh. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, trẻ sẽ bị tình trạng chậm phát triển chiều cao, chậm phát triển xương, và chậm phát triển tâm thần vĩnh viễn không hồi phục. Nếu bệnh được phát hiện sớm, được điều trị sớm từ 2-6 tuần đầu sau sinh và điều trị tốt trong 3 năm đầu, trẻ sẽ có tiên lượng tốt về phát triển thể chất và tâm thần. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn, bệnh sẽ có tiên lượng xấu.
Theo Bộ Y tế, quỹ BHYT có tăng chi cho việc bổ sung quyền lợi trong giai đoạn 3 năm đầu khi triển khai, nhưng lại có thể bù đắp bằng việc tiết kiệm chi phí điều trị bệnh nặng, kỹ thuật cao, chi phí lớn. Đặc biệt, chi phí điều trị thường cao hơn gấp nhiều lần chi phí chẩn đoán sớm (trường hợp bệnh nặng chi phí hiện nay lên đến hàng tỉ đồng mỗi đợt điều trị).
Bộ Y tế nhận định giải pháp mở rộng chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh giúp tăng khả năng bảo đảm tài chính cho người dân. Đặc biệt, người dân sẽ được quỹ BHYT chi trả góp phần đạt được mục tiêu giảm tỉ lệ chi tiền túi hiện là 43% xuống còn khoảng 23% vào năm 2025.
Khi so sánh giữa tác động tích cực và tác động tiêu cực về kinh tế thì các tác động tích cực của giải pháp mang lại nhiều giá trị bền vững, các tác động tiêu cực là chi phí cần thiết và có thể bù đắp bằng các giá trị tích cực.
Vì vậy, Bộ Y tế đề xuất giải pháp này có tính khả thi và ổn định cân đối quỹ, đồng thời cũng phù hợp với pháp luật BHYT của các nước trên thế giới như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhiều nước châu Âu...