Vì sao san hô quý ở Khánh Hòa đang phục hồi tốt lại đối mặt nguy cơ bị diệt?

06-06-2024 18:03 | Xã hội
google news

SKĐS - San hô quý đang phục hồi ở biển Hòn Chồng và Đặng Tất (Nha Trang, Khánh Hòa), tuy nhiên lại đang đối mặt với nguy cơ bị diệt, nguyên nhân do đâu, TP Nha Trang làm gì để bảo vệ rặng san hô quý này?

San hô gần bờ phát triển mạnh

Ban quản lý Vịnh Nha Trang thông tin, qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy, khu vực biển Hòn Chồng và Đặng Tất (Nha Trang, Khánh Hòa) san hô quý đang phục hồi và phát triển tốt.

Khu vực biển Hòn Chồng có diện tích san hô khoảng 3,5 ha. San hô ở đây có sự đa dạng về thành phần loài, nhiều loại thuộc dạng quý hiếm.

Khu vực biển Đặng Tất có diện tích san hô khoảng 7,5 ha và có độ đa dạng sinh học cao hơn so với khu vực Hòn Chồng. Khu vực này san hô đang phát triển tốt, bao gồm san hô cứng có kích thước lớn và nhiều loài san hô mềm. Xen kẽ trong các rạn san hô còn có thảm cỏ biển và rong biển nên thu hút nhiều loài thủy sản về đây sinh sống.

Vì sao san hô quý ở Khánh Hòa đang phục hồi tốt lại đối mặt nguy cơ bị diệt?- Ảnh 1.

San hô quý phát triển ở khu vực Hòn Chồng. Ảnh: Minh Nghĩa.

Theo Ban quản lý Vịnh Nha Trang, san hô quý ở khu vực biển Hòn Chồng và Đặng Tất phát triển mạnh nhưng đang phải đối mặt với nhiều tác động xấu. Điển hình như, bãi tắm sát với san hô nên người dân lội ra bắt cua, ốc…vào lúc thủy triều xuống khiến san hô có nguy cơ bị giẫm đạp làm gãy, hỏng. Bên cạnh đó, theo bản đồ phân bố dòng chảy tầng mặt nước, khu vực này chịu ảnh hưởng của lượng phù sa trên sông Cái chảy ra, tác động không tốt đến sự phát triển của san hô.

Vì sao san hô quý ở Khánh Hòa đang phục hồi tốt lại đối mặt nguy cơ bị diệt?- Ảnh 2.

Thủy triều xuống, người dân ra khu vực Hòn Chồng dạo chơi và bắt ốc có tác động xấu đến san hô.

Sẽ xử lý nghiêm nếu xâm hại đến san hô

Để ngăn chặn tác động xấu đến san hô quý khu vực biển Hòn Chồng và Đặng Tất, Ban quản lý Vịnh Nha Trang đã kiến nghị UBND TP Nha Trang chỉ đạo các phường Vĩnh Hoà, Vĩnh Phước, Vĩnh Hải tuyên truyền cho người dân không giẫm đạp và bắt ốc, cua tại khu vực Hòn Chồng-Đặng Tất. Quán triệt cho người dân (ngư dân) không xả rác, chất thải xuống biển.

Theo ghi nhận thực tế của PV, hiện nay, khu vực Hòn Chồng, Đặng Tất, đã được lắp nhiều biển cảnh báo không được làm hư hỏng san hô. Đồng thời, mỗi khi thủy triều rút xuống, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao TP Nha Trang bố trí xe gắn loa liên tục phát các thông tin tuyên truyền về việc nghiêm cấm xâm hại san hô.

Vì sao san hô quý ở Khánh Hòa đang phục hồi tốt lại đối mặt nguy cơ bị diệt?- Ảnh 3.

Xe tuyên truyền lưu động liên tục phát các thông tin về việc nghiêm cấm xâm hại san hô ở khu vực Hòn Chồng, Đặng Tất.

Các thông tin phát đi khẳng định, san hô khu vực biển Hòn Chồng, Đặng Tất phục hồi tốt, là nơi trú ngụ của các loài sinh vật biển. Người dân, du khách và các tổ chức doanh nghiệp hãy chung tay với chính quyền TP. Nha Trang bảo tồn, giữ gìn rạn san hô bằng cách không giẫm đạp, bẻ, di chuyển san hô ra khỏi khu vực. Không được neo đậu tàu thuyền tại khu vực có san hô. Không vận chuyển, mua bán các sản phẩm làm từ san hô, không bắt ốc và các loại thủy sản trong khu vực có san hô. Ai xâm hại đến hệ sinh thái rạn san hô sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Biến đổi khí hậu khiến các rạn san hô bị Biến đổi khí hậu khiến các rạn san hô bị 'tẩy trắng'

SKĐS - Các rạn san hô trên khắp thế giới đang trải qua hiện tượng tẩy trắng hàng loạt lần thứ tư được ghi nhận trong lịch sử do khủng hoảng khí hậu khiến nhiệt độ đại dương tăng kỷ lục.


Đông Hưng
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn