Ở độ tuổi 24, vừa mới tốt nghiệp đại học chưa đầy một năm, chị Nguyễn Mai Loan đã có một danh sách dài những "kinh nghiệm thực chiến" chỉ trong thời gian ngắn đi làm. Bởi tính đến hiện tại thì chị Loan đã 3 lần đổi công việc, thời gian làm tại một nơi dài nhất là 6 tháng, ngắn nhất là 2 tháng.
Có nhiều lý do khiến chị Loan đổi việc, gần đây nhất là dịp cuối năm 2022 vừa qua. Chị cho biết, bởi công việc làm kế toán vất vả mà lương lại thấp nên đợt cận Tết Quý Mão vừa rồi chị quyết định xin nghỉ việc để về quê tranh thủ đi buôn hoa. Sau Tết, chơi dài qua rằm tháng Giêng chị mới rục rịch trở lại Hà Nội để bắt đầu tìm một công việc mới.
"Mình nghĩ năm mới thì công việc mới cũng tốt. Hiện tại mình đã sẵn sàng cho công cuộc tìm việc với 5 bộ hồ sơ, mong rằng mình sẽ tìm được công việc ưng ý với mức lương ổn hơn trước", chị Loan bày tỏ.
Không chỉ có chị Loan mà "nhảy việc" dường như đang trở thành xu hướng của nhiều người trẻ, khi thực tế sau Tết có rất nhiều các bạn trẻ đang loay hoay tìm công việc mới.
Anh Nguyễn Minh Tuấn (27 tuổi) cũng đang tự chuẩn bị cho mình một vài bộ hồ sơ để chuẩn bị đi xin việc. Anh cho biết, bản thân đã "ngắm" được vài địa chỉ để đến nộp hồ sơ, nhưng cũng khá lo lắng vì không biết mình có tìm được công việc như ý hay không.
"Mình vừa mới nghỉ việc từ cuối tháng 1 vừa rồi. Thực ra với công việc bán hàng ở siêu thị điện máy trong gần 1 năm qua không phù hợp với mình, không hề đúng chuyên môn vì mình học chuyên ngành luật kinh tế. Mình đã định nghỉ từ tháng 11 năm ngoái, nhưng vì nghĩ có thưởng Tết nên cũng cố. Qua Tết xuống họp mặt đầu năm với mọi người xong là mình nộp đơn xin nghỉ việc luôn. Mình mong sẽ xin được vào làm pháp chế ở một công ty tư nhân nào đó, nhưng thấy con đường còn gian nan quá", Anh Tuấn chia sẻ.
"Nhảy việc" nhiều cho thấy bạn là người thiếu kiên trì và không chịu được áp lực?
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay chuyện "nhảy việc" ở giới trẻ cũng không có gì đáng nói vì các bạn còn trẻ, các bạn cần phải được va vấp và học hỏi ở nhiều môi trường. Tuy nhiên, "nhảy việc" liên tục khi chỉ mới đi làm được một vài tháng và qua quá nhiều công ty trong một thời gian ngắn cũng không phải là điều dễ chấp nhận.
Chị Hạnh Mai – Giám đốc nhân sự tại một công ty tư nhân ở Hà Nội cho hay, từ tháng 10/2022 đến hết tháng 1/2023, công ty chị có đến 6 người nộp đơn xin nghỉ việc. Những người này đều có một điểm chung là ở độ tuổi còn trẻ, dưới 30 tuổi. Vì công ty chị làm về truyền thông, quảng cáo nên chủ yếu tuyển những người trẻ, năng động và có khả năng sáng tạo, nên việc nhiều người cùng xin nghỉ một lúc như vậy cũng khiến cho hoạt động của công ty bị gián đoạn vì thiếu người. Đặc biệt, dịp đầu năm và cuối năm thường sẽ diễn ra rất nhiều sự kiện.
"Lý do xin nghỉ việc của một số bạn là muốn tìm một môi trường mới để phát triển bản thân. Mình cũng rất tạo điều kiện cho các bạn, cũng không có khó khăn gì cả. Tuy nhiên, các bạn phải nhớ không phải lúc nào cơ hội cũng đến với mình. Nếu cứ nghỉ việc mà chưa có tính toán trước cho tương lai thì sẽ rất lãng phí thời gian. Hơn nữa, nếu "nhảy việc" quá nhiều nơi trong một thời gian ngắn thì sau này các bạn sẽ có một bản CV không đẹp, vì không có nơi nào muốn nhận một người cứ liên tục "nhảy" việc cả. Nó cho những người quản lý như tôi mặc định hiểu rằng, các các bạn là người thiếu kiên trì và khó có thể vượt qua được những khó khăn hay áp lực trong công việc", chị Hạnh Mai cho hay.
Theo tìm hiểu, nhiều bạn trẻ cho rằng, sẽ cống hiến hết mình vì công việc khi bản thân yêu thích và nhận được mức lương xứng đáng. Ngược lại, cũng sẵn sàng nghỉ việc khi cảm thấy công việc không phù hợp, bởi các bạn còn trẻ và có nhiều cơ hội.
Chính vì điều này mà nhiều khi giới trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên mới ra trường tự đánh mất đi những cơ hội của mình. Bởi nhiều nhà tuyển dụng cho biết, họ sợ phải tuyển dụng nhân sự trẻ không chỉ vì thiếu kinh nghiệm mà vì nhiều khi họ bị thiếu đi sự gắn bó khi chưa làm đã có suy nghĩ bỏ.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Người Việt Hoảng Loạn Sau Khi Thoát Nạn Động Đất Kinh Hoàng Ở Thổ Nhĩ Kỳ- “Quá kinh khủng” - SKĐS