Vì sao chiến đấu cơ J-10C biệt danh 'Mãnh Long' của Trung Quốc gây chú ý?

11-05-2025 15:01 | Quốc tế
google news

SKĐS - Máy bay chiến đấu Chengdu J-10C, còn được gọi là "Mãnh Long" của Trung Quốc, trở thành tâm điểm sau khi xuất hiện trong cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Pakistan.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan, các chiến đấu cơ một động cơ J-10C do nước này sở hữu đã tham gia vào chiến dịch bắn hạ nhiều máy bay của không quân Ấn Độ trong tuần qua. Hãng thông tấn quốc gia Pakistan cho biết, trong số các máy bay bị bắn hạ có cả chiến đấu cơ Rafale do Pháp sản xuất.

Vì sao chiến đấu cơ J-10C biệt danh 'Mãnh Long' của Trung Quốc gây chú ý?- Ảnh 1.

Pakistan cho biết máy bay J-10C do Trung Quốc sản xuất đã tham gia đáp trả các cuộc không kích của Ấn Độ. (Nguồn: Getty Images)

Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó thông báo rằng Ấn Độ và Pakistan đã đồng ý "ngừng bắn hoàn toàn và ngay lập tức", với sự trung gian của Washington.

Khoảng 80% trang thiết bị quân sự của Pakistan hiện nay do Trung Quốc sản xuất. Năm 2022, Pakistan tiếp nhận lô J-10C đầu tiên, phiên bản nâng cấp từ mẫu J-10 ban đầu. Những chiếc máy bay này có thể mang theo nhiều loại vũ khí như bom, tên lửa không đối không và tên lửa đối đất.

J-10 được Trung Quốc liên tục cải tiến từ khi ra mắt vào những năm 2000, nhằm cạnh tranh với các máy bay chiến đấu hạng nhẹ phương Tây như F-16 của Mỹ hay Saab Gripen của Thụy Điển. Đây cũng là một trong những nỗ lực lớn đầu tiên của Bắc Kinh trong việc tự phát triển máy bay chiến đấu hiện đại.

Ông David Jordan, một lãnh đạo của Viện Hàng không và Vũ trụ Freeman tại Đại học King's College London (Anh), nhận định: "J-10C có thể được xem là đối thủ tương đương với các mẫu F-16 hiện đại, nhưng sở hữu một số tính năng như hệ thống tên lửa tầm xa, điều có thể mang lại ưu thế trong một số tình huống".

J-10A, phiên bản đầu tiên, được biên chế vào năm 2004. Đây là chiến đấu cơ đa năng, sử dụng một động cơ, với thiết kế cánh tam giác canard giúp tăng khả năng cơ động khi không chiến. Dòng máy bay này được thiết kế linh hoạt, có thể thực hiện cả nhiệm vụ không chiến lẫn tấn công mặt đất, mang theo vũ khí đa dạng như bom chính xác, tên lửa chống hạm và tên lửa tầm trung.

Dù là sản phẩm nội địa, J-10 vẫn chịu ảnh hưởng từ công nghệ nước ngoài, trong đó có đóng góp của các kỹ sư Israel và động cơ Nga.

Tới năm 2008, Trung Quốc tung ra phiên bản J-10B với nhiều cải tiến: thiết kế cửa hút gió mới giúp giảm khả năng bị radar phát hiện, tích hợp hệ thống cảm biến hồng ngoại, cảnh báo radar kỹ thuật số và buồng lái hiện đại với màn hình màu đa chức năng.

Vì sao chiến đấu cơ J-10C biệt danh 'Mãnh Long' của Trung Quốc gây chú ý?- Ảnh 2.

Trung Quốc vẫn đang tiếp tục cải tiến máy bay chiến đấu J-10. (Nguồn: Getty Images)

J-10C, phiên bản hiện đại nhất, bắt đầu được sản xuất vào khoảng năm 2015. Mẫu này được trang bị radar mảng pha chủ động (AESA), nâng cao khả năng phát hiện mục tiêu, tăng độ chính xác và cải thiện khả năng chống gây nhiễu điện tử.

Ngoài ra, J-10C còn có hệ thống liên kết dữ liệu, liên lạc vệ tinh, cảnh báo tên lửa tiếp cận, cùng với thiết kế giúp giảm tín hiệu radar. Tuy vẫn sử dụng động cơ AL-31F của Nga, vốn được coi là điểm yếu, nhưng một số phiên bản gần đây được cho là đã thử nghiệm động cơ WS-10 do Trung Quốc sản xuất.

Việc J-10C được triển khai trong xung đột giữa Pakistan và Ấn Độ cũng là một trong những lần đầu tiên dòng máy bay này tham gia chiến đấu thực tế.

Niềm tin vào mẫu chiến đấu cơ này đã góp phần đẩy cổ phiếu của Tập đoàn Máy bay Thành Đô (CAC), đơn vị sản xuất J-10, tăng hơn 30% trên sàn Thâm Quyến chỉ trong một tuần.

Theo chuyên gia David Jordan, J-10C có thể trở thành đối thủ đáng gờm trong các hợp đồng mua sắm máy bay chiến đấu mới, đặt ra thách thức cho các nhà sản xuất quốc phòng phương Tây.

Dù J-10C không phải là máy bay hiện đại nhất trong kho vũ khí của Trung Quốc, vị trí này hiện thuộc về tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm J-20, nhưng J-10C được xem là mẫu có tiềm năng xuất khẩu lớn nhất trong thời điểm hiện tại.

Nga tăng cường hoạt động dòng máy bay ném bom lâu đời nhất thế giới Tu-95Nga tăng cường hoạt động dòng máy bay ném bom lâu đời nhất thế giới Tu-95

SKĐS - Ngày 5/5, hình ảnh vệ tinh do nhà phân tích tình báo nguồn mở MT Anderson, công bố trên nền tảng X cho thấy hoạt động bất thường tại căn cứ không quân Belaya, nằm sâu trong vùng Siberia của Nga


Xuân Minh
(Theo Business Insider, SCMP)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn