Theo đông y: "bì phu can liệt" chủ yếu do khí huyết không đầy đủ, gặp gió lạnh và hàn tà xâm phạm, khiến huyết mạch trở trệ, bì phu không được nuôi dưỡng đầy đủ, khô quá mức sinh vết nứt hoặc bị đóng vảy từng mảng.
1. Đặc điểm của bệnh
Bệnh hay gặp ở những người da khô và một số người da trung tính ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Đặc điểm của bệnh là thường giảm nhẹ, hoặc biến mất tạm thời, trong các mùa Xuân và mùa Hè. Khi độ ẩm trong không khí giảm xuống, trời trở lạnh, bệnh lại tái phát.
Từ đầu thu và cả mùa Đông, chứng da khô nứt nẻ phát sinh một cách rõ rệt. Biểu hiện hay xuất hiện vết nứt ở chân, tay, các nếp gấp, kẽ ngón, nhất là gót chân…
Để khắc phục chứng bệnh này, ngoài việc dùng thuốc, điều cốt lõi là cần chú ý giữ cho da có đủ độ ẩm, tránh da bị khô.
Vết nứt hay xuất hiện ở chân, tay, nhất là gót chân.
2. Bài thuốc điều trị da khô nứt trong mùa lạnh
2.1 Thuốc sắc
- Đối với trường hợp da khô, ngứa và nứt nẻ nhẹ:
Bài thuốc: Đương quy 10g, hà thủ ô 15g, quế chi 10g, bạch thược 10g, đại táo 10 trái, chích cam thảo 4g, thục địa 15g.
Cách dùng: Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang; liên tục 15 ngày là 1 liệu trình, nghỉ 5 ngày, lại tiếp tục liệu trình khác; uống liên tục 3 - 4 liệu trình.
Tác dụng: Dưỡng huyết nhuận phu, trừ phong tán hàn.
- Đối với trường hợp da bị nứt tương đối sâu, rỉ máu, đau ngứa:
Bài thuốc: Quy thân 15g, thục địa 30g, hà thủ ô chế 15g, bạch thược 10g, thiên môn đông 10g, mạch môn đông 10g, hồng hoa 6g, đào nhân 10g, thuyền y 6g.
Cách dùng: Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang; liên tục 15 ngày là 1 liệu trình, nghỉ 5 ngày, lại tiếp tục liệu trình khác; uống liên tục 7-8 liệu trình.
Tác dụng: Tư âm nhuận táo, dưỡng huyết, nhuận phu trừ phong
2.2 Thuốc dùng ngoài
Bài 1: Vỏ quýt 30g, hành hoa 15g; sắc lấy nước đặc, nhân lúc thuốc ấm, dùng khăn tẩm nước thuốc, đắp vào chỗ da nứt nẻ; ngày 1-2 lần.
Bài 2: Bạch cập, tán thành bột mịn 15g, trộn với 60g dầu ăn, cho vào lọ rộng miệng để dùng dần, ngày bôi 1-2 lần lên chỗ da bị khô hoặc nứt nẻ. Buổi tối trước khi đi ngủ, ngâm chân trong nước ấm khoảng 10 -15 phút, lau khô, sau đó bôi thuốc lên.
Cây và vị thuốc bạch cập trị da khô, nứt nẻ trong mùa lạnh.
3. Bài thuốc trị da như vảy cá mùa lạnh
3. 1 Đối với da vảy cá do huyết hư, phong táo
Biểu hiện: Ngoài hiện tượng da đóng vảy, còn kèm theo một số triệu chứng như hoa mắt, trống ngực, mất ngủ, móng chân móng tay nhợt, miệng khô khát và uống nhiều nước, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn...
Thuốc sắc: Nhân sâm 8g, bạch truật 10g, phục linh 10g, cam thảo 4g, đương quy 12g, sinh địa 20g, bạch thược 12g, xuyên khung 6g, hoàng kỳ 12g, quế chi 8g. Sắc nước uống trong ngày.
Thuốc dùng ngoài: Hạnh nhân 60g, đập vụn, nấu nước rửa. Sau đó dùng hồ đào 90g; nghiền nhuyễn, trộn với lượng sữa tươi thích hợp dùng bôi lên chỗ da bị bệnh.
3. 2 Đối với da vảy cá do khí trệ huyết ứ
Biểu hiện: Ngoài hiện tượng da đóng vảy, còn kèm theo một số triệu chứng như môi và móng tay chân tái, dễ cáu giận, miệng khô nhưng không muốn uống nước, hai mắt quầng thâm, chất lưỡi tối có điểm ứ huyết.
Thuốc uống trong: Đào nhân 12g, hồng hoa 9g, đương quy 9g, sinh địa 9g, xuyên khung 5g, xích thược 6g, ngưu tất 9g, cát cánh 5g, sài hồ 3g, chỉ xác 6g, cam thảo 3g. Sắc nước uống trong ngày.
Thuốc dùng ngoài: Đại hoàng 15g, quế chi 20g, đào nhân 30g, nấu nước rửa. Sau đó bôi cao đương quy (gồm: Đương quy 20g, dầu vừng 60g, hoàng lạp 6g; dầu vừng đun sôi, cho đương quy vào đun cho đến khi quắt lại, vớt bỏ bã, cho hoàng lạp vào trộn đều. Dùng bôi vào nơi tổn thương).
Mời bạn xem thêm video:
Bàng Hoàng: Bác sĩ nổi tiếng Lương Lễ Hoàng qua đời do COVID-19.