Các bệnh thường gặp
Viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa hay còn gọi là bệnh chàm. Là bệnh da mạn tính với các biểu hiện tổn thương khô da tay, chân, mặt, đỏ và tróc vảy. Bệnh có sự kết hợp của nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài cơ thể, bao gồm môi trường sống xung quanh và trên cơ địa dễ dị ứng. Vào mùa đông, thời tiết khô hanh, thiếu độ ẩm, da khô gây nứt nẻ, chảy máu và bội nhiễm vi khuẩn làm cho bệnh càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Bệnh chàm
Vảy nến
Vảy nến là bệnh lý viêm mạn tính qua trung gian miễn dịch, có liên quan tới yếu tố di truyền. Bệnh có biểu hiện ngoài da hoặc khớp, thậm chí cả da lẫn khớp. Thương tổn đặc trưng của bệnh là mảng da màu đỏ, giới hạn rõ, bề mặt có vảy trắng, dễ tróc và thường xuất hiện ở rìa chân tóc, đầu gối, cùi chỏ, vùng xương cùng…
Bệnh vẩy nến
Người bệnh vảy nến thường bị “ám ảnh” bởi mùa đông vì thời tiết hanh khô, độ ẩm giảm khiến cho cơ thể giảm tiết mồ hôi và các axit hữu cơ, da thiếu độ nhờn vốn có tác dụng bảo vệ da. Da trở nên khô ráp, thiếu dưỡng, nổi mẩn đỏ và ngứa ngáy, nên nguy cơ bệnh vảy nến trở nặng vào thời điểm này rất cao.
Ngứa do lạnh
Ngứa là một trong những bệnh dễ gặp vào mùa đông. Tùy theo mức độ của bệnh, có thể ngứa lâm râm đến dữ dội. Đặc biệt vào ban đêm, trời càng lạnh thì càng ngứa.
Nguyên nhân ngứa vào mùa lạnh do thời tiết hanh khô, chức năng điều tiết của tuyến mồ hôi, tiết bã bị hạn chế… làm cho da bị khô, nứt nẻ; nên gây ngứa nhiều hơn các mùa khác.
Bệnh mày đay
Nổi mày đay khi trời lạnh là bệnh lý về da khá phổ biến. Biểu hiện ở các sẩn, mảng phù màu hồng hoặc đỏ nổi gồ cao trên mặt da, ở bất cứ vùng nào trên cơ thể. Xuất hiện vài giờ rồi biến mất và không để lại dấu vết, nhất là vào ban đêm khi ngủ.
Mày đay do lạnh thường gặp ở người có cơ địa nhạy cảm; hoặc thức ăn không phù hợp, dị ứng với môi trường xung quanh; do nhiễm phải một loại virus hay căn bệnh nào đó có thể làm cho các tế bào da nhạy cảm hơn với lạnh.
Những sai lầm trong chăm sóc da
Tình trạng các bệnh về da bùng phát, trở nặng không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nhiều người bệnh tìm đủ các phương pháp điều trị, chăm sóc. Tuy nhiên, nếu chăm sóc da không đúng cách thì tình trạng sẽ trở nặng thêm.
ThS.BS Huỳnh Thị Thanh Thùy cho biết: “Thông thường trời lạnh mọi người không cảm thấy khát như lúc mùa hè, vì vậy họ uống rất ít nước, nên không cung cấp đủ nhu cầu nước hàng ngày. Điều này dẫn đến da bị mất nước, da khô gây ngứa khiến người bệnh hay cào gãi, gây tổn thương da làm cho trình trạng viêm da nặng nề hơn. Bên cạnh đó, vì trời lạnh nên một số người ngại tắm, nghĩ rằng cơ thể ít tiết mồ hôi nên sạch sẽ không cần tắm nhiều làm dễ bội nhiễm vi khuẩn hơn. Một số khác sử dụng nước quá nóng để tắm vì sợ lạnh hoặc sử dụng các chất tẩy rửa mạnh làm mất đi độ ẩm của da nhiều hơn. Da lại càng khô và lại càng ngứa, làm cho bệnh càng trở nên nghiêm trọng. Cũng có nhiều người thường chủ quan với bệnh ngứa, tự điều trị tại nhà bằng cách tắm nước lá cây… gây ra viêm da tiếp xúc dị ứng, da phù nề, trầy xước, rỉ dịch, nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Thực tế việc tắm lá cây chưa được y học chứng minh có tác dụng trị ngứa”.
Điển hình là mới đây, chị N.T.M (37 tuổi, quê Đắk Lắk), bị viêm da cơ địa khoảng một năm nay, có đến điều trị tại BV Da liễu vài lần. Bệnh giảm nhiều, nhưng vì nhà xa nên không duy trì điều trị tiếp được. Vào thời tiết trời lạnh, bệnh tái phát nặng hơn, da khô nhiều bong vảy, vùng 2 cẳng chân khô nứt chảy máu, da căng đau rát. Ngại đi xa, chị nghe hàng xóm chỉ uống thuốc nam giải độc gan, tắm lá cây ngâm mình trong nước nóng. Ngâm được vài lần, bệnh không những không giảm mà ngày càng nặng lên, ngứa dữ dội hơn, da đỏ tróc vảy toàn thân, rỉ nước chảy nhiều dịch vàng. Sau đó, chị phải lên BV Da liễu khám. Bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc dị ứng bội nhiễm do việc tắm lá, sau thời gian dài điều trị kháng sinh, kháng viêm, giảm ngứa hiện tình trạnh bệnh tương đối ổn. Hiện chị đang tiếp tục điều trị duy trì hạn chế tái phát bệnh.
Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ và thường xuyên tắm rửa để phòng ngừa các bệnh về da
Để da khỏe và đẹp
ThS.BS Huỳnh Thị Thanh Thùy khuyến cáo, để chăm sóc da khỏe và đẹp nhằm phòng tránh các bệnh về da trong mùa lạnh cũng như với các trường hợp da nhạy cảm (viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc…), người dân cần chú ý duy trì chế độ sinh hoạt phù hợp để phòng ngừa bệnh tái phát hoặc trở nặng hơn bằng cách giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, thường xuyên tắm rửa, thay quần áo.
Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất cần thiết nhằm tăng cường sức đề kháng. Uống đủ nước để da không bị khô ráp. Tránh tiếp xúc trực tiếp với xà bông hóa chất, nếu có làm việc nhà, làm vườn như giặt đồ, rửa chén..thì phải đeo găng tay. Cần đeo khẩu trang và mặc đồ bảo hộ nếu như làm việc ở môi trường có nhiều hóa chất độc hại.
Luôn chú ý mặc ấm, hạn chế tối đa tiếp xúc với môi trường lạnh. Không được tắm nước quá nóng vì sẽ làm mất đi độ ẩm gây khô da, bong tróc da. Khi tắm xong cần lau khô người bằng khăn bông mềm, sau đó bôi kem dưỡng ẩm phù hợp lên da.
Đến khám tại các cơ sở y tế có uy tín có chuyên khoa da liễu khi có các triệu chứng bất thường. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc điều trị, tránh các biến chứng làm bệnh nặng hơn.
Tắm rửa sạch sẽ hàng ngày cho trẻ bằng nước ấm. Không tắm quá lâu, không dùng nước quá nóng, không chà xát da mạnh khi tắm. Để làm sạch, sử dụng các loại xà phòng, sữa tắm dịu nhẹ, có độ pH thấp. Tắm xong lau khô bằng khăn bông mềm, thoa kem dưỡng ẩm lên da ngay sau 3-5 phút sau tắm, khi da còn ẩm.
Giữ trẻ trong môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát. Giữ ấm cơ thể trẻ. Ra trời lạnh mặc áo ấm, mang tất, đeo bao tay. Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước.
Lựa chọn các loại quần áo chất liệu mỏng, mềm mại, không mặc quá chật, hạn chế sử dụng vải len, sợi tổng hợp vì dễ gây kích ứng da. Cắt ngắn móng tay, nên đi găng tay cho trẻ vào ban đêm khi ngủ để hạn chế cào, gãi khi ngứa làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da.
Không nên tự ý sử dụng thuốc, nhất là thuốc bôi có chứa corticosteroids. Nếu đã tuân thủ chế độ chăm sóc da đúng cách nhưng vẫn ngứa nhiều hoặc bệnh nặng lên, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được thăm khám và điều trị thuốc phù hợp.