Mụn trứng cá
Một số thực phẩm có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra mụn trứng cá. Theo đó, các thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao, chẳng hạn như đường, bánh mì trắng và gạo trắng, được hấp thụ nhanh chóng, dẫn đến mức đường huyết cao hơn và tăng insulin. Insulin và IGF-1 (yếu tố tăng trưởng giống insulin-1) đã được chứng minh là làm tăng sản xuất bã nhờn, kích thích tổng hợp androgen tuyến thượng thận và tăng sinh khả dụng của androgen… tất cả đều đóng một vai trò trong cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá.
Như vậy, nên dùng các thực phẩm có chỉ số GI thấp có thể giúp giảm các triệu chứng của mụn trứng cá và cải thiện chất lượng làn da, bao gồm: Ăn nhiều ngũ cốc và các loại đậu hơn, đồng thời giảm hoặc cắt bỏ các loại thực phẩm đã qua chế biến…
Qua các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, các nhà khoa học nhận thấy, một chế độ ăn GI thấp trong 10 tuần đã dẫn đến cải thiện tình trạng mụn trứng cá. Kiểm tra mô bệnh học các mẫu da cho thấy giảm viêm và giảm kích thước tuyến bã nhờn.
Tiêu thụ nhiều đường sẽ đẩy nhanh quá trình lão hóa.
Ung thư da
Khi nghiên cứu trên chuột tiếp xúc với bức xạ tia cực tím (UV), 30% số chuột được ăn chế độ ăn uống thông thường đã phát triển ung thư tế bào vảy (SCC). Ngược lại, chỉ có 7% trong số chuột khi được ăn một chế độ ăn uống đặc biệt phát triển các SCC. Chế độ ăn này bao gồm hỗn hợp vitamin C và E với glutathione. Một nghiên cứu khác, khi bổ sung vào chế độ ăn uống của chuột, bao gồm vitamin C, selen và chiết xuất trà xanh, đã ức chế đáng kể tỷ lệ mắc các khối u da.
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã cho thấy các cơ chế mà chế độ ăn uống có thể tác động đến quá trình sinh ung thư. Ung thư da không phải hắc tố (NMSC) tạo khối u là một quá trình nhiều giai đoạn, và bức xạ UV được biết là đóng một vai trò quan trọng. Tiếp xúc với bức xạ UV có thể tạo ra các gốc tự do, làm hỏng protein, lipid và axit deoxyribonucleic (DNA), cũng như kích hoạt các con đường làm tăng sinh tế bào và viêm nhiễm. Bức xạ tia cực tím cũng có thể dẫn đến ức chế miễn dịch, cản trở khả năng nhận biết và chống lại các tế bào ung thư của các tế bào miễn dịch.
Các yếu tố chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến quá trình này thông qua một số cơ chế khác nhau. Chất chống ô-xy hóa có thể phá vỡ các gốc tự do, làm giảm tổn thương biểu bì do tia UVB gây ra, làm tăng biểu hiện của các gen liên quan đến việc sao chép và sửa chữa DNA.
Quá trình tế bào bị tấn công bởi các gốc tự do gây lão hóa và bệnh tật.
Bên cạnh các chất chống ô-xy hóa như vitamin C và E, beta-carotene và selen, nhiều chất dinh dưỡng thực vật khác (các hợp chất có trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật), bao gồm curcumin, lycopene và genistein (một isoflavone trong đậu nành), resveratrol (từ nho), axit ellagic (trong quả mâm xôi) cũng có tác dụng loại bỏ mạnh mẽ các gốc tự do, bảo vệ DNA tế bào khỏi hư hại. Trong các nghiên cứu trên động vật, polyphenol đã được chứng minh là bảo vệ da khỏi tác hại của bức xạ UV, bao gồm giảm viêm da, stress oxy hóa và tổn thương DNA.
Các nghiên cứu trên người cũng đã hỗ trợ vai trò của các yếu tố chế độ ăn uống trong việc làm giảm các khía cạnh của quá trình hình thành ung thư.
Khi tiêu thụ một chế độ ăn dựa trên thực phẩm toàn phần, tỷ lệ cân đối của các chất dinh dưỡng, số lượng lớn các hợp chất bảo vệ tiềm năng và các thành phần thực vật khác, chẳng hạn như chất xơ là rất quan trọng. Bởi các hợp chất này có tác dụng hiệp đồng lẫn nhau, đem lại lợi ích cao nhất.
Lão hóa da
Da lão hóa, chảy xệ, kém đàn hồi đều liên quan đến những thay đổi của collagen và sợi đàn hồi của da, chúng bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống. Đặc biệt, tiêu thụ đường có thể đẩy nhanh các dấu hiệu lão hóa này, vì đường có thể gây tổn thương thông qua glycation.
Hậu quả nghiêm trọng nhất của glycation là liên kết chéo. Khi quá trình liên kết chéo này xảy ra, sản phẩm cuối của glycation (Advance glycation end products-AGEs)- là quá trình gắn kết giữa 1 phân tử đường glucose và 1 protein trong cơ thể - đóng vai trò rất quan trọng trong việc lão hóa của tất cả các tế bào cơ thể, bao gồm cả tế bào bên trong da. Với sự tích tụ của AGEs, những thay đổi cấu trúc của da có thể xảy ra, dẫn đến tăng độ cứng và giảm độ đàn hồi và không thể đảo ngược.
Quá trình glycation diễn ra tốt ở giai đoạn đầu tuổi trưởng thành, với tỷ lệ thay đổi tùy thuộc vào chế độ ăn uống. Vì không thể sửa chữa các liên kết chéo, việc phòng ngừa bằng chế độ ăn uống trở nên rất quan trọng. Ngoài đường (glucose và fructose) trong chế độ ăn uống, thì các loại thực phẩm khác, sau khi ăn vào, những chất này có thể xâm nhập vào hệ tuần hoàn và phản ứng với các thành phần ở cấp độ tế bào, gây ra liên kết chéo với protein. Các quy trình nấu ăn dẫn đến mức AGEs cao hơn bao gồm nướng, chiên và rang.
Các loại thực phẩm có thể ức chế sản xuất AGEs bao gồm: Các loại thảo mộc và gia vị, chẳng hạn như oregano, quế, đinh hương, gừng và tỏi, cũng như các chất được tìm thấy tự nhiên trong một số loại trái cây và rau quả, chẳng hạn như axit lipoic…