Cần thống nhất trên cơ sở nguyên tắc giao UBND cấp huyện quản lý trung tâm y tế
Phiên họp được chủ trì và điều hành bởi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Tham dự phiên họp còn có Phó Chủ tịch Quốc hội Thường trực Trần Thanh Mẫn, các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương; Các Ủy viên UBTVQH; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Báo cáo kết quả và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng".
Ngày 08/6/2023, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Báo cáo số 2461/BC-TTKQH tổng hợp ý kiến của các vị ĐBQH thảo luận tại Hội trường.
Ngày 09/6/2023, Thường trực Đoàn giám sát đã tổ chức phiên họp để cho ý kiến về phương án tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết chuyên đề giám sát, đồng thời gửi xin ý kiến các đồng chí thành viên Đoàn giám sát, các bộ, ngành có liên quan về dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề…
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết nghiêm túc, kỹ lưỡng của Đoàn giám sát. Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua tại đợt 2 kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, lưu ý một số nội dung liên quan đến cách thức diễn đạt, thể hiện tại Điều 2 – Nhiệm vụ, giải pháp; Khoản 8 – Điều 2 quy định về quản lý đối với trung tâm y tế huyện, Khoản 9 - Điều 2…
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Đoàn Giám sát nghiên cứu thể hiện lại quy định tại Khoản 1 – Điều 2 theo hướng, bổ sung và chỉ rõ các luật có liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng và tình trạng khẩn cấp cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới trên cơ sở bám sát Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Kết luận số 19-KL/TW và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh…
Liên quan đến khoản 8, Điều 2 về trung tâm y tế cấp huyện, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, để đảm bảo tính khả thi, thực hiện được trên thực tế, cần thống nhất trên cơ sở nguyên tắc giao cho UBND cấp huyện quản lý trung tâm y tế cấp huyện. Đồng thời, đề nghị Chính phủ có lộ trình thực hiện đảm bảo tính khả thi;…
Rà soát, chỉnh lý kỹ thuật đối với toàn bộ dự thảo Nghị quyết
Trước đó, tại Phiên họp, UBTVQH đã nghe Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo về vấn đề xin ý kiến UBTVQH.
Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết, về huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19: Đoàn Giám sát thể hiện tại dự thảo Nghị quyết quy định giao Chính phủ chỉ đạo rà soát, tổng hợp, phân loại, xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong việc xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với các tài sản được tài trợ, cho, biếu, tặng không có đủ hồ sơ, tài liệu, không xác định được giá trị; việc thanh toán cho các đơn vị đã cung cấp dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 chưa ký hợp đồng đặt hàng... Đồng thời, để bảo đảm tính khả thi, đề nghị Quốc hội cho phép trong trường hợp phát sinh các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH thì Chính phủ báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định trước khi thực hiện.
Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng bổ sung 1 khoản giao Chính phủ rà soát, hướng dẫn cơ chế quản lý, sử dụng nguồn kinh phí còn dư được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho các cơ sở y tế trong phòng, chống dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhiều nội dung như: Chính phủ sớm chỉ đạo rà soát trình Quốc hội ban hành các dự án luật để bổ sung hoàn thiện các quy định liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng; quan tâm đến trạm y tế cho các khu công nghiệp, khu chế xuất có đông công nhân, lao động; hướng dẫn cụ thể về việc xác định ngân sách cho y tế dự phòng; Chính phủ giải quyết tình trạng thiếu thuốc, thiếu thuốc hiếm, vật tư y tế và thiếu vaccine hiện nay và cân đối nguồn ngân sách trung ương để phân bổ kinh phí cho Bộ Y tế mua vaccine, cung ứng vaccine tiêm chủng mở rộng cho các địa phương…. được dự thảo Nghị quyết chỉnh lý và thể hiện tương ứng ở điểm a khoản 1 Điều 3 cùng với danh mục văn bản cần được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kèm theo Nghị quyết, điểm a khoản 3 Điều 2, khoản 4 Điều 2, khoản 9 Điều 2 và khoản 6 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết.
Về mô hình trung tâm y tế huyện, theo quy định của pháp luật, nội dung này thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo nguyên tắc quản lý kết hợp, rõ trách nhiệm, dự thảo Nghị quyết chỉnh lý và thể hiện theo hướng, thực hiện thống nhất trong cả nước việc phân cấp quản lý đối với trung tâm y tế huyện, bảo đảm sự chỉ đạo xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành. Đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp về cơ sở vật chất và con người; thực hiện theo nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Ngoài ra, để bảo đảm hiệu quả triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của từng địa phương, dự thảo Nghị quyết cũng giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hệ thống trạm y tế xã, phường, thị trấn phù hợp với quy mô, cơ cấu dân số, điều kiện KT-XH, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân ở khu vực đô thị, nông thôn. Nghị quyết cũng bổ sung nội dung khuyến khích các địa phương có chính sách thu hút cán bộ, nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở, làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng.
Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết thêm, Đoàn Giám sát đã rà soát, chỉnh lý kỹ thuật đối với toàn bộ dự thảo Nghị quyết để hoàn thiện văn bản trình Quốc hội, bảo đảm rõ ràng về văn phong, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.