ĐBQH nêu loạt giải pháp để nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng

29-05-2023 11:40 | Thời sự
google news

SKĐS - Tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội sáng 29/5, nhiều ĐBQH đã đóng góp ý kiến tâm huyết nhằm nâng cao chất lượng của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng của nước ta.

Sáng 29/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Nhiều ĐBQH đóng góp tâm huyết để nâng cao chất lượng của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng - Ảnh 1.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sáng 29/5.


Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Ma Thị Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) đánh giá cao nỗ lực của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thời gian vừa qua. Nữ đại biểu tỉnh Tuyên Quang cho rằng, hiện mô hình hoạt động của trung tâm y tế cấp huyện đang không đồng đều, chưa thống nhất giữa các tỉnh thành, các địa phương, dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập, tồn tại, hạn chế trong vận hành cũng như phát triển đồng bộ mô hình này.

Đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung mục 9, Điều 2 của dự thảo Nghị quyết theo hướng: "Thực hiện việc giao UBND cấp huyện quản lý cơ sở y tế trên địa bàn về tài chính và cơ sở vật chất, đồng thời giao Sở Y tế quản lý về chuyên môn, tổ chức." Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm, có quy định hướng dẫn đồng bộ, cụ thể và căn cơ, tạo sự thống nhất về quản lý và hoạt động trong cả nước.

Nhiều ĐBQH đóng góp tâm huyết để nâng cao chất lượng của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng - Ảnh 3.

Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang.

Với trạm y tế xã và công tác y tế dự phòng tuyến cơ sở, đại biểu phản ánh hiện nay trang thiết bị của các cơ sở này đã cũ, nhân lực hạn chế, chế độ, chính sách chưa được đảm bảo, người dân còn thiếu tin tưởng, gây khó khăn trong việc thu hút bệnh nhân đến khám bệnh.

Quan tâm đến y tế cơ sở, đại biểu Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho biết, tỷ lệ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại y tế cơ sở là khoảng 75% thì tỷ trọng chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở đạt 34,5% năm 2022, trong đó tại y tế xã chỉ đạt 1,7%. Điều này cho thấy y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, đòi hỏi cần có giải pháp hiệu quả cho vấn đề này.

Nhiều ĐBQH đóng góp tâm huyết để nâng cao chất lượng của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng - Ảnh 4.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ.

Về y tế dự phòng, đại biểu Nguyễn Thành Nam nêu một số khó khăn, tồn tại, hạn chế, trong đó giai đoạn 2018- 2012, tỷ lệ chi cho y tế dự phòng trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho y tế tuy tăng dần qua các năm nhưng vẫn chưa đạt 30% so với quy định tại Nghị quyết 18 của Quốc hội và Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương đảng, nên không thể đảm bảo thực hiện hiệu quả hoạt động y tế dự phòng nói chung nhất là Chương trình tiêm chủng mở rộng. Vì vậy, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine giảm liên tiếp từ 94,8 % năm 2018 xuống còn 80,4 % năm 2022.

Đại biểu cho rằng, không đầu tư thỏa đáng cho y tế dự phòng thì không thể tập trung thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm, kiểm soát các yếu tố nguy cơ nâng cao sức khỏe cho người dân.

ĐBQH Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, y tế cơ sở, y tế dự phòng ngày càng có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và góp phần quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong đại dịch COVID-19. Hệ thống y tế cơ sở ngày càng được tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Nhiều ĐBQH đóng góp tâm huyết để nâng cao chất lượng của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng - Ảnh 5.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Nêu rõ, cần phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đại biểu Nguyễn Văn Huy lưu ý rằng, cần phải thể chế rõ phạm vi của y tế tuyến huyện, y tế tuyến xã và y tế thôn, bản gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng tuyến. Quy định rõ chức năng nhiệm vụ và tổ chức hệ thống trạm y tế xã, phường, thị trấn phù hợp với quy mô, cơ cấu dân số, điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế chi trả của quỹ BHYT theo hướng tăng chi cho y tế cơ sở. Đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở, nhất là nhân lực làm việc tại trạm y tế xã. Thực hiện điều động, luân phiên hợp lý bác sĩ, cán bộ y tế để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã.

Quốc hội thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19Quốc hội thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19

SKĐS - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, qua giám sát cho thấy, công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch cơ bản thực hiện đúng chủ trương, chính sách đã ban hành.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn