Sáng 14/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3 – Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023 và thông qua Luật Cảnh sát cơ động.
Huy động nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch COVID-19
Theo đó, với 469/475 ĐBQH có mặt biểu quyết tán thành (chiếm 94,18% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng" do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm trưởng đoàn.
Phạm vi giám sát là việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2020 - 2022; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2022 trên phạm vi cả nước. Đối tượng giám sát là Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Nội dung giám sát bao gồm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực (bao gồm nhân lực, tài lực, vật lực) phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; Thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở (tổ chức hệ thống y tế cơ sở, điều kiện bảo đảm và công tác tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan); Thực hiện chính sách, pháp luật về y tế dự phòng (Đào tạo, cơ cấu nguồn nhân lực, tổ chức bộ máy, điều kiện bảo đảm và công tác tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan); Kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch; thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025
Với 465/471 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành (chiếm 93,37% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030" do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm trưởng đoàn.
Phạm vi giám sát là việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2023; việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2023 trên phạm vi cả nước; việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ tháng 7/2020 đến hết tháng 6/2023 trên phạm vi cả nước.
Nội dung giám sát gồm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Thông qua Luật Cảnh sát cơ động
Với 454/474 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành (chiếm 91,16% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh sát cơ động.
Luật Cảnh sát cơ động gồm 5 Chương, 33 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023; quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Luật quy định, nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động là sử dụng biện pháp vũ trang và các biện pháp công tác khác để thực hiện các nhiệm vụ: Tấn công, ngăn chặn đối tượng thực hiện hành vi bắt cóc con tin, sử dụng bạo lực xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tổ chức; Giải tán các vụ tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự; Bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội và bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt; Tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự.
Cảnh sát cơ động được mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ thuộc một trong các trường hợp: Chống khủng bố, giải cứu con tin; trấn áp đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; Bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng…
Cảnh sát cơ động cũng có quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Việc Cảnh sát cơ động vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp vào trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và chỗ ở của thành viên các cơ quan này tại Việt Nam phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.