Hà Nội

Tràn khí màng phổi tự phát: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

04-08-2024 21:53 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tràn khí màng phổi tự phát là tình trạng khí xuất hiện đột ngột trong khoang màng phổi do những thương tổn bệnh lý của phổi - màng phổi gây ra.

1. Nguyên nhân bệnh tràn khí màng phổi tự phát

Tràn khí màng phổi tự phát là tình trạng khí xuất hiện đột ngột trong khoang màng phổi do những thương tổn bệnh lý của phổi - màng phổi gây ra. Tỉ lệ mắc bệnh trên thế giới giao động trong khoảng 1/215000 đến 1/67000.

Có 2 dạng tràn khí màng phổi tự phát gồm:

1.1. Tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát

Thường hay gặp ở nam giới với tỉ lệ 75%, xảy ra ở những người trước đó khỏe mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do các bóng khí ở bề mặt phổi bị vỡ. Cho đến nay, người ta còn chưa tìm hiểu được cơ chế hình thành các bong bóng này. Tuy nhiên đối tượng nguy cơ là người cao, gầy. 1/3 số trường hợp tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát sẽ tái phát.

Thực tế các nhà khoa học vẫn chưa lý giải rõ ràng được cơ chế hay nguyên nhân nào dẫn đến sự vỡ các bóng khí nhỏ ở phổi này. Song có một số yếu tố thuận lợi như:

  • Các nang hoặc kén khí dưới màng phổi.
  • Người trẻ tuổi, gầy và cao do áp lực âm tính ở vùng đỉnh phổi cao.
  • Hội chứng Marfan.
  • Hút thuốc lá.
  • Với bệnh tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát này, bệnh có thể tái phát với tỷ lệ khoảng 30%.

1.2. Tràn khí màng phổi tự phát thứ phát (do chấn thương hoặc các tai biến sau các thủ thuật)

Đây là bệnh tràn khí màng phổi tự phát xảy ra ở các bệnh nhân đã từng mắc bệnh phổi trước đó, do có tổn thương sẵn có khiến bệnh có tiên lượng xấu hơn. Các bệnh lý dễ dẫn đến tràn khí màng phổi tự phát thứ phát bao gồm:

Bệnh lao

Các ổ hang lao hoặc lao nhuyễn hóa có thể gây tổn thương rải rác trên bề mặt phổi, gây vỡ vào khoang màng phổi, cả khí lẫn mủ dịch từ đó tràn vào màng phổi. Do đó, bệnh nhân lao có nguy cơ biến chứng tràn khí màng phổi tự phát rất cao, song với y học hiện đại thì rất nhiều trường hợp bệnh đã được phòng ngừa.

Bệnh phổi khác

Các bệnh phổi khác ngoài lao có thể dẫn đến tràn khí màng phổi tự phát thứ phát bao gồm: xơ kén phổi, xơ phổi không rõ nguyên nhân, bụi phổi, ấu trùng phổi, nhồi máu phổi,…

Bệnh tự miễn

Các bệnh tự miễn có thể gây tổn thương phổi trong tràn khí màng phổi tự phát như: viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì, viêm da cơ,… Ung thư phế quản có thể di căn đến màng phổi, có thể gây tràn khí màng phổi nhưng khá hiếm gặp.

2. Các triệu chứng bệnh tràn khí màng phổi tự phát

Tràn khí màng phổi tự phát: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Một bệnh nhân tràn khí màng phổi điều trị tại Bệnh viện Phổi Nghệ An.

Khi bị tràn khí màng phổi tự phát, bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau ngực đột ngột, có thể đau dữ dội như bị dao đâm, người bệnh không dám thở sâu do đau ngực. Xuất hiện ho khan dữ dội, khi ho làm mức độ đau tăng lên.

Cảm giác khó thở, ngột ngạt, mức độ khó thở của bệnh nhân tăng theo mức độ tràn khí. Nếu tràn khí màng phổi nhanh và nhiều, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như tay chân lạnh, vã mồ hôi, mạch nhanh, nhẹ, hạ huyết áp, tinh thần lo âu, hốt hoảng,...

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các triệu chứng chỉ xảy ra kín đáo, người bệnh thấy tức ngực, ho khan, khó thở nhẹ.

Khi tiến hành thăm khám phổi, bác sĩ thấy lồng ngực bên bị tràn khí căng vồng, kém di động, các khoảng liên sườn rộng, gõ vang, rung thanh giảm, rì rào phế nang giảm. Có thể có dấu hiệu tràn khí dưới da như cổ bạnh, mắt híp, ấn da lạo xạo. Để chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính,...

3. Tràn khí màng phổi tự phát có lây không?

Tràn khí màng phổi tự phát: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Lá phổi bị tổn thương nặng của một bệnh nhân mắc bệnh bụi phổi silic gây tràn dịch màng phổi.

Tràn khí màng phổi tự phát có lây không là thắc mắc cũng như lo lắng của rất nhiều người. Để trả lời cho câu hỏi này còn căn cứ vào tác nhân gây nên bệnh. Cụ thể:

Tràn khí màng phổi xuất phát từ ung thư phổi: Thông thường, những người bị ung thư phổi ở giai đoạn 3 và 4 mới xảy ra hiện tượng tràn dịch màng phổi. Có nhiều nguyên nhân gây ung thư phổi và bệnh không có khả năng lây lan.

Tràn khí màng phổi xuất phát từ lao phổi: Lao phổi là bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng khi nói chuyện, ho, hắt hơi, dùng chung bát đĩa,… Vì thế, những người bị tràn khí màng phổi do lao phổi có khả năng lây nhiễm rất cao. Người bệnh cần tự cách ly điều trị bệnh triệt để để tránh lây lan sang người thân, bạn bè.

4. Phòng ngừa bệnh tràn khí màng phổi tự phát

Không có cách nào để phòng ngừa bệnh tràn khí màng phổi tự phát. Tuy nhiên, có một số biện pháp ngăn ngừa việc tái phát bệnh này. Đó là những biện pháp rất quan trọng do bệnh hoàn toàn có thể tái phát trong vòng 2 năm sau khi được điều trị khỏi. Tỷ lệ tái phát là khoảng 30% bệnh nhân.

Bệnh nhân nên thực hiện các biện pháp sau để ngăn ngừa bệnh tái phát:

  • Dừng hút thuốc
  • Tránh lặn sâu
  • Khi đi máy bay cần có dẫn lưu màng phổi
  • Ngoài ra nên tham vấn ý kiến của nhân viên y tế để giảm nguy cơ xẹp phổi tái phát.

5. Điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân tràn khí màng phổi tự phát

Nguyên tắc điều trị là hút hết khí khoang màng phổi và phòng tái phát. Nếu chẩn đoán cho kết quả khí tràn màng phổi ít, chiếm ít hơn 15% thể tích bên phổi tràn khí và khoảng cách màng phổi ngắn thì bệnh nhân sẽ được thở oxy và theo dõi. Khí trong màng phổi sẽ tự được đẩy ra ngoài, khi tình trạng ổn định bệnh nhân có thể xuất viện.

Tràn khí màng phổi tự phát: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 3.

Chụp X-quang chẩn đoán tràn khí màng phổi.

Tất cả các trường hợp tràn khí màng phổi tự phát với thể tích lớn trên 15cm bắt buộc phải can thiệp để loại bỏ khí ở màng phổi càng sớm càng tốt, tránh gây tổn thương chèn ép và suy giảm hô hấp. Tùy vào mức độ khí tràn màng phổi mà phương pháp can thiệp có thể khác nhau như:

Chọc hút khí đơn thuần

Kỹ thuật điều trị này thường áp dụng cho bệnh nhân tràn khí màng phổi tự phát với tỷ lệ khí tràn chiếm trên 15%, ngoài ra chiều dài dải khí sát màng phổi lớn hơn 2cm. Các phương tiện được dùng để chọc hút khí màng phổi có thể là bơm tiêm, máy hút qua kim lớn,…

Với bệnh nhân tràn khí màng phổi tự phát, chọc hút khí màng phổi thường được chỉ định trong điều trị cấp cứu để khắc phục bệnh nhanh chóng, nhưng không triệt để. Bệnh nhân sau điều trị có thể phải dẫn lưu tiếp tục sau đó.

Dẫn lưu màng phổi

Dẫn lưu màng phổi cũng là một biện pháp điều trị nhanh, xử lý kịp thời cho các trường hợp cấp cứu chưa thể phẫu thuật. Bác sĩ sẽ sử dụng ống dẫn lưu ngực và máy hút để đưa khí tích tụ này ra ngoài. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, dẫn lưu màng phổi phải đảm bảo kín, triệt để, một chiều và vô trùng.

Phẫu thuật nội soi

Đây là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, xử lý hiệu quả với cả các trường hợp tràn khí màng phổi tự phát thể tích lớn. Bác sĩ sẽ can thiệp dẫn khí ra ngoài kết hợp với xử lý tổn thương triệt để, tránh tràn khí hoặc dính màng phổi tái phát.

Với các bóng khí, kén khí bị tổn thương gây tràn khí màng phổi, bác sĩ có thể khâu, kẹp tổn thương để khắc phục tổn thương. Nếu phần phổi chứa quá nhiều bóng khí, có thể phải cắt bỏ hoàn toàn để ngăn ngừa tái phát.

Sau phẫu thuật nội soi, tràn khí màng phổi tự phát sẽ không tái phát trở lại, để hồi phục tổn thương nhanh hơn cũng như ngăn ngừa các tổn thương phổi khác, bệnh nhân cần lưu ý đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và luyện tập lành mạnh.

Bài tập cho người bệnh tràn dịch màng phổiBài tập cho người bệnh tràn dịch màng phổi

SKĐS - Tràn dịch màng phổi là một tình trạng nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của bệnh nhân. Dựa vào sinh lý học, sinh lý bệnh và diễn biến của dịch tràn màng phổi mà từ đó thiết lập ra mục tiêu và chương trình điều trị.


BS CKII Lương Văn Phùng
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn