Tràn dịch màng phổi do chủ quan tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà

23-08-2023 06:15 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành đang tăng nhanh. Khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, người bệnh cần đi khám để được tư vấn điều trị đúng cách, tránh biến chứng nặng nguy hiểm đến tính mạng.

1. Tràn dịch màng phổi, ổ bụng... do tự dùng thuốc trị sốt xuất huyết ‏

Mới đây, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận nam bệnh nhân Trần Hải A. (41 tuổi, trú tại Thạch Thất, Hà Nội) trong tình trạng sốt cao, đau đầu dữ dội... Được biết, khu vực gia đình anh A. sinh sống hiện là một trong những ổ dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp. Dù đã phát hiện triệu chứng sốt xuất huyết từ trước thời điểm nhập viện 4 ngày, nhưng anh A. có tâm lý chủ quan, tự mua thuốc điều trị tại nhà.

Khi cảm thấy tình trạng không cải thiện, kèm theo triệu chứng chảy máu cam, anh A. mới đi khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Sau khi khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ cho biết anh A. bị tràn dịch màng phổi, tràn dịch ổ bụng và thoát huyết tương do sốt xuất huyết Dengue. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm, cần nhập viện gấp để truyền máu và theo dõi sát sao.

Trong khoảng thời gian này, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E cũng tiếp nhận nữ bệnh nhân Nguyễn Thị T. (41 tuổi, trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu chóng mặt, chảy máu chân răng nhiều… Theo lời kể của bệnh nhân, trong gia đình chị có 2 người mắc sốt xuất huyết. Tuy nhiên vì chủ quan, tự điều trị tại nhà, nên đến ngày thứ 6, không thấy đỡ, chị mới đi khám và cũng phải nhập viện gấp điều trị.‏

PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân sốt xuất huyết nếu không được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến các hậu quả rất nghiêm trọng như sốc, tụt huyết áp, xuất huyết nội tạng hoặc suy đa cơ quan, nghiêm trọng nhất có thể gây tử vong.‏

‏Do đó, khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay sốt có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác như COVID-19, sốt do viêm phế quản, cúm

PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo dấu hiệu sốt xuất huyết cần nhập viện.

2. Cách chăm sóc và điều trị sốt xuất huyết tại nhà ‏

‏PGS.TS. Đỗ Duy Cường cho biết, trong những ngày đầu mắc sốt xuất huyết, người bệnh có thể tự điều trị tại nhà theo hướng dẫn của nhân viên y tế, với biện pháp chủ yếu là bù nước và điều trị triệu chứng. ‏

‏- Dùng thuốc hạ sốt: ‏Để hạ sốt, người bệnh có thể dùng paracetamol với liều thích hợp theo kg cân nặng. Tuyệt đối không được sử dụng aspirin, ibuprofen... để hạ sốt. Bệnh nhân trên cơ địa bệnh nền hoặc phụ nữ có thai nên được theo dõi sát sao tại cơ sở y tế.‏

‏- Bù nước: ‏Người bệnh sốt xuất huyết cần được bù nước và điện giải từ sớm thông qua đường uống. Nước sôi để nguội và dung dịch oresol được khuyến khích dùng nhất. Ngoài ra người bệnh cũng có thể uống nước trái cây hoặc nước cháo loãng pha cùng chút muối.‏

‏‏Với dung dịch oresol, khi uống cần đọc kỹ hướng dẫn về liều lượng pha.Tuyệt đối không pha nhiều hơn liều lượng đã chỉ định, vì nguy cơ rối loạn nước điện giải gây mất nước các tế bào dẫn đến hôn mê, co giật, tổn thương não... Tránh pha quá loãng sẽ khiến lượng muối được bù lại ít hơn với lượng nước, kết quả là không đạt được hiệu quả bù dịch và muối. ‏

‏Sau khi pha, dung dịch cần được dùng hết trong 24 giờ và uống rải rác trong ngày. Dung dịch đã pha không được bảo quản trong tủ lạnh, không được đun sôi, không pha chung với bất kỳ loại nước nào khác ngoài nước sôi để nguội hoặc nước lọc.‏

‏Ngoài ra, cần hết sức lưu ý với các dung dịch truyền như dung dịch cao phân tử, dung dịch tiểu cầu hoặc truyền albumin đều phải được chỉ định bởi bác sĩ, không được tự ý truyền tùy tiện tại nhà. Thực tế đã xảy ra không ít trường hợp bệnh chuyển nặng, tử vong do vấn đề truyền dịch sai.

‏Xuất huyết ổ bụng, tổn thương gan do chủ quan, tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà‏ - Ảnh 3.

Bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và nặng đều phải nhập viện để điều trị nội trú.

‏3. Sốt xuất huyết khi nào thì cần nhập viện?‏

‏Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường, trường hợp sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và nặng đều phải nhập viện để điều trị nội trú. Cụ thể các dấu hiệu cảnh báo như: Chân tay lạnh, mạch nhanh, tiểu ít, đau bụng vùng gan, chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh, rong huyết ở phụ nữ…‏

‏Thường ngày thứ 5 trở đi, bệnh nhân sẽ hết sốt. Nếu ngày thứ 5, bệnh nhân hết sốt kèm theo các triệu chứng giảm, bệnh sẽ khỏi.

Nếu ngày thứ 5 bệnh nhân hết sốt nhưng các triệu chứng kèm theo vẫn nặng thì đó là biểu hiện nguy hiểm cần nhập viện.

Trong trường hợp cô đặc máu thì sẽ có biến chứng dẫn đến sốc giảm thể tích, gây tử vong nếu không xử lý kịp thời.

10 vị thuốc nam hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết10 vị thuốc nam hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết

SKĐS - Bệnh sốt xuất huyết thuộc chứng ôn dịch của Đông y. Ôn dịch là bệnh truyền nhiễm cấp tính có đặc điểm truyền nhiễm mạnh, biểu hiện sốt khát nước, xuất huyết dưới da (hồng ban) hoặc nội tạng...

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Tay Chân Lạnh: Cẩn Trọng Nguyên Nhân Thiếu Chất Sắt! | SKĐS

Minh Tâm
Ý kiến của bạn