Trái đất sẽ có thêm một 'mặt trăng nhỏ'?

23-09-2024 08:54 | Quốc tế
google news

SKĐS - Một tiểu hành tinh có tên 2024 PT5 vừa được phát hiện và sắp trở thành "mặt trăng nhỏ" của Trái đất.

Tuy nhiên, hiện tượng "mặt trăng nhỏ" này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, từ ngày 29/9 đến 25/11, trước khi tiểu hành tinh rời khỏi quỹ đạo Trái đất và quay lại quỹ đạo quanh Mặt Trời.

Video mô tả cảnh tượng tiểu hành tinh 2024 PT5 bay quanh Trái đất. (Nguồn: CNN)

Theo Hiệp hội Thiên văn học Mỹ, tiểu hành tinh 2024 PT5 được phát hiện lần đầu vào ngày 7/8 qua hệ thống cảnh báo tác động tiểu hành tinh (ATLAS) do NASA tài trợ ở Nam Phi.

Tiểu hành tinh này có đường kính khoảng 11m, nhưng cần thêm các quan sát để xác định chính xác kích thước. Dù vậy, nó không gây nguy hiểm cho Trái đất, di chuyển ở khoảng cách 4,2 triệu km, khoảng 10 lần khoảng cách Trái đất đến Mặt trăng.

Mặt trăng nhỏ - Hiện tượng hiếm nhưng thú vị

Tiểu hành tinh như 2024 PT5 có thể trở thành "mặt trăng nhỏ" khi bị lực hấp dẫn của Trái đất giữ lại trong thời gian ngắn. Theo nhà nghiên cứu Carlos de la Fuente Marcos, có hai dạng mặt trăng nhỏ: Dạng chu kỳ dài, khi tiểu hành tinh quay quanh Trái đất trong nhiều năm; dạng chu kỳ ngắn, chỉ tồn tại vài ngày hoặc vài tháng. Trường hợp của 2024 PT5 là chu kỳ ngắn, chỉ khoảng hai tháng.

Trước đây, tiểu hành tinh 2020 CD3 cũng từng quay quanh Trái đất vài năm trước khi rời đi. So với 2020 CD3, 2024 PT5 sẽ chỉ tồn tại ngắn hạn, trong khoảng 56,6 ngày.

Quá trình hình thành "mặt trăng nhỏ"

Không phải tiểu hành tinh nào cũng trở thành "mặt trăng nhỏ". Chúng phải di chuyển với tốc độ và góc độ phù hợp để bị lực hấp dẫn của Trái đất giữ lại. Phần lớn các tiểu hành tinh tiếp cận Trái đất đều di chuyển quá nhanh hoặc có góc không thích hợp. Tuy nhiên, đôi khi sự tương tác giữa các thiên thể trong hệ Mặt Trời có thể giúp giữ lại một tiểu hành tinh, như trường hợp của 2024 PT5.

Nguồn gốc của tiểu hành tinh này là từ vành đai tiểu hành tinh Arjuna, có quỹ đạo gần giống Trái đất. Các tiểu hành tinh từ nhóm này có khả năng cao trở thành "mặt trăng nhỏ", nhưng chúng rất khó phát hiện do kích thước nhỏ và thời gian tồn tại ngắn.

Quan sát và tương lai của 2024 PT5

Các nhà thiên văn sẽ tiếp tục theo dõi 2024 PT5 bằng các kính viễn vọng lớn tại Tây Ban Nha để thu thập thêm dữ liệu. Tuy nhiên, tiểu hành tinh này quá nhỏ và mờ nên không thể quan sát bằng kính thiên văn nghiệp dư hay ống nhòm.

Sau khi quay quanh Trái đất trong 56,6 ngày, tiểu hành tinh sẽ rời đi, nhưng dự kiến sẽ trở lại vào ngày 9/1/2025. Trong tương lai, 2024 PT5 có khả năng sẽ trở thành "mặt trăng nhỏ" của Trái đất thêm nhiều lần nữa, vào các năm 2055 và 2084.

Lịch quan sát Mặt Trăng "vô hình" vào ngày mai (3/9)Lịch quan sát Mặt Trăng 'vô hình' vào ngày mai (3/9)

SKĐS - Ngày 3/9, Mặt Trăng xuất hiện ở giữa Trái Đất và Mặt Trời, khi đó, chúng ta gần như nhìn thấy chính xác một nửa bán cầu không được chiếu sáng của vệ tinh này khiến nó gần như trở nên vô hình.



Xuân Minh
(Theo CNN, The Nation)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn