Hồ Eridania, một khối nước khổng lồ từng tồn tại trên sao Hỏa, đã gây ấn tượng mạnh với các nhà nghiên cứu không chỉ bởi kích thước đồ sộ mà còn vì sự biến đổi kỳ diệu của nó qua hàng tỷ năm.
Theo thông tin mới nhất, hồ này từng rộng hơn 1 triệu km², lớn hơn bất kỳ hồ nào trên Trái Đất và có thể chứa đủ nước để lấp đầy gấp 3 lần biển Caspi, hồ nước lớn nhất trên thế giới tính về cả diện tích và thể tích.
Các nhà nghiên cứu từ tàu Mars Express đã phát hiện ra tàn tích của hồ Eridania, cho thấy nó đã từng là một khối nước lớn trước khi phân thành những hồ nhỏ biệt lập do sự bốc hơi. Hiện tại, những dấu vết còn lại là các gò đất cao, được hình thành bởi gió sao Hỏa cổ đại cuốn bụi khắp hành tinh. Những lớp bụi này đã từng được nước bao phủ, sau đó khô lại và vỡ ra theo thời gian.
Bên cạnh dấu vết của hồ, khu vực Caralis Chaos cũng cho thấy các dấu hiệu của hoạt động núi lửa. Hai vết nứt dài, được gọi là đứt gãy Sirenum Fossae, cắt ngang lòng hồ và mặt đất, được hình thành khi vùng Tharsis của sao Hỏa – nơi có những ngọn núi lửa lớn nhất trong Hệ Mặt Trời – nhô lên, tạo áp lực lớn lên lớp vỏ hành tinh.
Từ những dữ liệu thu thập được, các nhà khoa học cho biết, những nếp nhăn xuất hiện trên mặt đất, như những đường cong uốn lượn, là dấu hiệu của sự nén lại của các lớp dung nham mới. Các hố va chạm cũng góp phần tạo nên bề mặt hiện tại của sao Hỏa, phản ánh quá trình va chạm với các tảng đá vũ trụ.
Bên cạnh các phát hiện về hồ cổ đại, nghiên cứu gần đây từ tàu đổ bộ Mars InSight đã chỉ ra khả năng tồn tại của một lượng lớn nước nằm sâu dưới bề mặt sao Hỏa. Các dữ liệu địa chấn cho thấy nước có thể nằm ở độ sâu từ 11,5 km đến 20 km dưới bề mặt, có thể lớn hơn tổng lượng nước từng lấp đầy các đại dương cổ đại trên hành tinh này.
Nhà nghiên cứu Vashan Wright từ Viện Hải dương học Scripps, chia sẻ rằng phát hiện này không chỉ quan trọng cho việc hiểu rõ chu trình nước trên sao Hỏa mà còn có thể là 'chìa khóa' để tìm kiếm sự sống trong quá khứ và hiện tại của hành tinh đỏ.
Nghiên cứu mới về hồ Eridania và nước dưới bề mặt sao Hỏa mở ra nhiều cơ hội cho các sứ mệnh tương lai, giúp các nhà khoa học khám phá sâu hơn về lịch sử và khả năng sống của hành tinh này. Các phát hiện này không chỉ cung cấp thông tin quý giá về sự biến đổi địa chất trên sao Hỏa mà còn mở ra cánh cửa cho những cuộc khám phá mới trong tương lai.