Nguyên nhân được xác định là vào ngày 16/9/2023, một đỉnh núi cao 1.200 m đã sụp đổ xuống vịnh hẹp Dickson, do sự tan chảy của sông băng khiến lớp đá mất khả năng giữ vững. Cú sụp đổ này tạo ra một cơn sóng thần khổng lồ cao tới 200 m, làm chấn động toàn cầu suốt hơn một tuần.
Khu vực Bắc Cực, đặc biệt là Greenland, đang chịu tác động nghiêm trọng từ sự nóng lên toàn cầu. Tiến sĩ Kristian Svennevig, tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ: "Đây là một sự kiện chưa từng có. Chúng tôi không ngờ rằng lở đất và sóng thần ở phía đông Greenland có thể gây ra hiện tượng địa chấn lan rộng toàn cầu như vậy".
Sóng thần này đã phá hủy một địa điểm cổ của người Inuit tại Greenland, cho thấy trong hơn 200 năm qua, không có sự kiện tương tự nào xảy ra. Một trạm nghiên cứu tại đảo Ella, cách nơi xảy ra vụ lở đất 70 km, cũng bị thiệt hại nặng nề, nhưng không có thiệt hại về người vì trạm này đã bị bỏ trống trước đó.
Điều may mắn là vào thời điểm sóng thần xảy ra, một con tàu chở 200 người mắc kẹt gần đó đã được giải cứu kịp thời. Nếu không, những con sóng cao tới 6 m có thể đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Theo Tiến sĩ Stephen Hicks từ Đại học London, nhóm nghiên cứu gồm 68 nhà khoa học từ 15 quốc gia đã sử dụng dữ liệu địa chấn, hình ảnh vệ tinh và mô phỏng máy tính để tìm ra nguyên nhân của hiện tượng này. Họ xác định khoảng 25 triệu m3 đá và băng đã đổ xuống vịnh, tạo nên sóng thần khổng lồ. Những con sóng này tiếp tục va đập qua lại trong vịnh suốt nhiều ngày, gây chấn động toàn cầu.
Tiến sĩ Anne Mangeney, một nhà khoa học khác tham gia nghiên cứu, cho biết các mô hình sóng thần trước đây không thể giải thích được hiện tượng kéo dài này, buộc họ phải sử dụng công nghệ mô phỏng độ phân giải cao để hiểu rõ hơn.
Nghiên cứu này chứng minh tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, làm gia tăng nguy cơ các hiện tượng thiên tai như lở đất và sóng thần. Theo tiến sĩ Mangeney, "Trong chưa đầy 1 giờ, sự kiện này đã tạo ra rung động từ Greenland đến Nam Cực, cho thấy rõ biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn cầu".