Hà Nội

TPHCM: Triệt phá đường dây ‘rửa tiền’ xuyên biên giới

27-04-2024 16:15 | Thời sự
google news

SKĐS - Công an TPHCM vừa triệt phá đường dây tội phạm có tổ chức, có yếu tố nước ngoài hoạt động “rửa tiền", vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới qua 250 công ty "ma" và 700 tài khoản.

Ngày 27/4, Công an TPHCM cho biết, đơn vị đã triệt phá đường dây tội phạm có tổ chức.

Trước đó, ngày 2/4, Công an TPHCM nhận được nguồn tin về việc một công ty có trụ sở tại Ukraina bị một số đối tượng chưa rõ lai lịch sử dụng địa chỉ email gần tương tự địa chỉ email của công ty đối tác tại Hàn Quốc để liên hệ, trao đổi các nội dung liên quan đến giao dịch hợp đồng kinh tế mà 2 công ty đang thực hiện khiến cho công ty tại Ukraina lầm tưởng, sau đó chuyển tiền vào một tài khoản tại ngân hàng Việt Nam và nhanh chóng bị chuyển tiếp qua nhiều tài khoản khác rồi chiếm đoạt.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TPHCM, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khẩn trương tiến hành xác minh làm rõ vụ việc. Qua điều tra, xác định đây là băng nhóm tội phạm có có yếu tố nước ngoài, do đối tượng nước ngoài móc nối đối tượng người Việt Nam để hoạt động phạm tội.

TPHCM: Triệt phá đường dây ‘rửa tiền’ xuyên biên giới- Ảnh 1.

Nhóm đối tượng trong đường dây "rửa tiền". Ảnh: CACC.

Kết quả đấu tranh chuyên án xác định các đối tượng: Mai Trà My (sinh năm 1992, hộ khẩu thường trú tại huyện EA H'Leo, tỉnh Đắk Lắk), Mai Vũ Minh (sinh năm 1995, hộ khẩu thường trú tại huyện EA H'Leo, tỉnh Đắk Lắk), Lê Thị Thắm (sinh năm 1976, hộ khẩu thường trú tại ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn), Nguyễn Thị Hương (sinh năm 1990, hộ khẩu thường trú tại huyện Hải Hậu, Nam Định), Nguyễn Thị Thanh Thúy (sinh năm 1989, hộ khẩu thường trú tại xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn), Okoye Christinan Ikechukwy (sinh năm 1985, quốc tịch Nigeria) và Eneh Davidson Caleb (sinh năm 1996, quốc tịch Nigeria) là "mắt xích" nằm trong đường dây tội phạm hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia.

TPHCM: Triệt phá đường dây ‘rửa tiền’ xuyên biên giới- Ảnh 2.

Đối tượng Okoye Christinan Ikechukwy tại cơ quan công an. Ảnh: CACC.

Với phương thức xâm nhập vào email của các công ty đang trao đổi về giao dịch, hợp đồng kinh tế; tạo email giả có tên gần tương tự (chỉ khác một ký tự) với email công ty đối tác của bị hại để liên lạc, nêu lý do khách quan để thay đổi tài khoản giao dịch.

Đồng thời các đối tượng ở nước ngoài chỉ đạo các đối tượng ở Việt Nam thành lập nhiều công ty "ma" có tên giống với tên công ty đối tác để mở tài khoản ngoại tệ USD, tài khoản VNĐ. Sau đó, cung cấp số tài khoản của công ty "ma" để bị hại lầm tưởng mà chuyển tiền.

Khi nhận được tiền vào tài khoản ngoại tệ USD, các đối tượng đứng tên pháp nhân công ty nhanh chóng làm thủ tục đổi sang tiền VNĐ rồi chuyển vào tài khoản VNĐ và chuyển khoản vào tài khoản của các cá nhân khác tại Việt Nam.

Sau đó, các đối tượng rút tiền mặt ra đem đến Cơ sở Yến Sào Kingfood (số 405A và 407A Lê Đại Hành, Phường 11, Quận 11) do Nguyễn Thị Thu Thủy (sinh năm 1983, hộ khẩu thường trú tại phường Tân Quý, quận Tân Phú) và Phạm Văn Nhân (sinh năm 1980, hộ khẩu thường trú tại Phường 11, Quận 11) làm chủ và tiệm vàng Đức Long (số 296, Phạm Văn Hai, Phường 5, quận Tân Bình) do Đỗ Viết Đại (sinh năm 1971, hộ khẩu thường trú tại Phường 5, quận Tân Bình), Nguyễn Thị Kim Ngân (sinh năm 1977, hộ khẩu thường trú tại phường Tân Lợi, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) làm chủ và điều hành để thực hiện dịch vụ chuyển trái phép thành USD qua Campuchia cho đồng bọn.

TPHCM: Triệt phá đường dây ‘rửa tiền’ xuyên biên giới- Ảnh 3.

Đối tượng Dương Đại Nghĩa tại cơ quan công an. Ảnh: CACC.

Kết quả điều tra xác định, các đối tượng thuộc băng nhóm trên đã trực tiếp hoặc thuê người thành lập hơn 250 công ty "ma" nhằm mở tài khoản công ty phục vụ hoạt động phạm tội như trên. Đồng thời, kết quả đấu tranh các đối tượng thừa nhận đã mở hơn 700 tài khoản cá nhân phục vụ cho hoạt động phạm tội này. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã triển khai xác minh hơn 100 tài khoản có liên quan, khám xét 12 địa điểm đã tạm giữ nhiều đồ vật, tài liệu liên quan.

Đặc biệt, khi khám xét nhà vợ chồng Nguyễn Thị Thanh Thúy và Eneh Davidson Caleb đã tạm giữ 234 con dấu của các công ty ma đã được thành lập để sử dụng phạm tội; khám xét tại Cơ sở Yến Sào Kingfood và tiệm vàng Đức Long đã tạm giữ hơn 9 tỷ đồng, hơn 1.5 triệu USD và các ngoại tệ khác mà các đối tượng sử dụng vào hoạt động chuyển tiền trái phép qua Campuchia và thu đổi ngoại tệ trái phép tại Việt Nam; tài liệu điều tra ban đầu thể hiện tổng giao dịch hoạt động vi phạm pháp luật của tiệm vàng Đức Long là khoảng 13.000 tỷ đồng.

Căn cứ kết quả điều tra đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM (PC01) đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 13 đối tượng về các tội "Rửa tiền", "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới". Cụ thể, đối với 7 đối tượng về tội "rửa tiền" gồm: Mai Trà My, Mai Vũ Minh, Lê Thị Thắm, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Thanh Thúy, Okoye Christinan Ikechukwy và Eneh Davidson Caleb. Đối với 6 đối tượng về tội "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" gồm: Phạm Văn Nhân, Nguyễn Thị Thu Thủy, Đỗ Viết Đại, Nguyễn Thị Kim Ngân, Dương Đại Nghĩa, Dương Thành Hiếu (riêng Nguyễn Thị Thu Thủy đang mang thai nên áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, các bị can còn lại bắt tạm giam).

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM củng cố chứng cứ, tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý triệt để các đối tượng có liên quan. Quá trình điều tra sẽ làm rõ những bất cập, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước để kiến nghị, phòng ngừa các băng nhóm, đối tượng phạm tội lợi dụng hoạt động phạm tội.

Đây là thành tích của Công an Thành phố góp phần chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Hoãn phiên tòa xét xử vụ rửa tiền xuyên quốc giaHoãn phiên tòa xét xử vụ rửa tiền xuyên quốc gia

SKĐS - TAND TP Hà Nội đưa 21 bị cáo ra xét xử về các tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền". Trong đó, nhiều bị cáo là "mắt xích" của đường dây tội phạm xuyên quốc gia.


Nam Thương
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn