Hiện nay, lợi dụng chính sách mở cửa, nhiều nhóm tội phạm nước ngoài (nhiều nhất là nhóm đối tượng người Trung Quốc - PV) đã tổ chức tuồn hàng cấm, hàng nhập lậu, thậm chí xâm nhập trái phép vào sâu trong lãnh thổ thực hiện các hành vi phạm pháp. Để phát hiện, khám phá nhanh các hoạt động này đòi hỏi tính chủ động cao từ các cơ quan chức năng.
Phạm tội đa ngành đa nghề!
Mới đây nhất, Phòng CSĐTTP về Trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM vừa bắt giữ vụ vận chuyển thuốc kích dục và dụng cụ kích dục trái phép quy mô lớn. Theo hồ sơ điều tra của cơ quan công an, trước đó, lực lượng trinh sát Đội 7 (PC46) phát hiện Yan Jian Feng (45 tuổi) và vợ là Lư Thục Hỷ (39 tuổi, cùng quốc tịch Trung Quốc, hiện ngụ huyện Hóc Môn) tại Bến xe An Sương, huyện Hóc Môn có nhiều biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra bao hàng để trên xe của họ, trinh sát phát hiện 1.700 viên thuốc kích dục viagra, viogur cùng hàng trăm dụng cụ và nước hoa kích dục cho cả nam lẫn nữ. Khai thác nóng tại thời điểm trên, hai đối tượng khai nhận, mua số hàng trên từ Trung Quốc, sau đó thuê người vận chuyển vào TP.HCM tiêu thụ. Mỗi hộp thuốc kích dục, Feng mua từ 20 - 90 nghìn đồng nhưng bán cho bạn hàng ở đây với giá gấp 3 lần. Khám xét căn nhà không số nơi hai đối tượng tạm trú tại ấp Hậu Lân (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn), cơ quan chức năng thu giữ thêm hàng chục thùng chứa các loại thuốc kích dục và đồ chơi tình dục.
Cùng thời gian trên, Công an Q.7 phối hợp cùng Công an P. Tân Phong tiến hành kiểm tra hành chính căn nhà số 25, đường số 3, P. Tân Phong, Q.7. Tại đây, công an phát hiện 11 người mang quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc và thu giữ lượng lớn máy móc thiết bị như: 33 modern, 18 điện thoại bàn, 11 máy tính casino, 5 máy tính xách tay, 1 máy in, 1 máy ghi âm... Bước đầu làm việc với công an, nhóm người Trung Quốc khai báo là nhập cảnh vào Việt Nam, thuê ngôi nhà trên và đang tiến hành lắp đặt máy móc, thiết bị để lừa đảo bằng công nghệ cao.
Ngoài ra, trong bối cảnh Việt Nam đang lên tiếng phản đối việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, lợi dụng điều này, theo các chuyên gia an ninh mạng, đã có 220 trang web của Việt Nam bị các hacker tự nhận là "tin tặc Trung Quốc" tấn công, trong đó có 6 webstie có tên miền “.gov”.
Không chỉ dừng ở việc tấn công trên bình diện công nghệ cao, buôn bán hàng giả... mà trên hoạt động xuất nhập khẩu ngành hàng nông nghiệp, thương nhân Trung Quốc cũng sử dụng nhiều chiêu thức “mờ ám” như hoạt động thu mua ồ ạt đỉa, lá nhãn, lá điều, thu mua ốc bươu vàng, thu mua rễ cây chè... đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến ngành nông nghiệp, thủy hải sản trong nước.
Chủ động phòng ngừa
Liên quan đến các hoạt động phạm tội có yếu tố nước ngoài, trong đó có tội phạm người Trung Quốc, trong thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tăng cường các hoạt động điều tra, phá các vụ án, chủ động ngăn chặn nhằm không để gây hậu quả nghiêm trọng.
Đối với tội phạm công nghệ cao có yếu tố người nước ngoài, Đại tá Lê Hồng Sơn - Trưởng phòng Cảnh sát PCTPCNC cho biết: Hiện đang phổ biến một số loại tội phạm công nghệ cao như tội phạm tấn công máy tính, mạng máy tính, lợi dụng lỗ hổng bảo mật web, tấn công truy cập, lấy cắp, phá hoại dữ liệu; phát tán virut, phần mềm gián điệp; tấn công từ chối dịch vụ, làm tắc nghẽn đường truyền. Ngoài ra, có loại tội phạm chuyên chiếm đoạt tiền từ thẻ ngân hàng; lừa đảo bằng thủ đoạn kinh doanh đa cấp, qua hộp thư, tin nhắn mang tính chất quảng cáo... Nhằm đấu tranh, phòng ngừa loại tội phạm này, lực lượng Cảnh sát PCTPCNC đã đẩy mạnh công tác trinh sát, nắm tình hình, điều tra cơ bản để phát hiện và xử lý ngay các vụ việc liên quan đến hoạt động của tội phạm công nghệ cao. Chủ động thu thập, phục hồi, phân tích dữ liệu, chứng cứ điện tử; tiến hành các biện pháp trinh sát kỹ thuật để phục vụ công tác phòng, chống cũng như tiếp tục phối hợp nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao theo đúng quy định của pháp luật.
Riêng với hoạt động thu mua nông, lâm, thủy sản trái với quy định pháp luật của người nước ngoài tại Việt Nam bởi các thương lái Trung Quốc, ngành công thương và các bộ, ngành liên quan đã chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tăng cường công tác điều tra, xác minh, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi hoạt động hoặc tổ chức hoạt động thương mại trái phép tại Việt Nam. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, tổ chức hệ thống đại lý thu mua, chú trọng giao dịch ký kết hợp đồng, bảo lãnh thanh toán trong mua bán hàng hóa với người nước ngoài... Chính quyền các địa phương cần nâng cao trách nhiệm tuyên truyền những kiến thức pháp luật liên quan cho người dân cũng như nắm tình hình tại địa bàn quản lý, nếu thấy có dấu hiệu bất thường, cần có giải pháp phối hợp xử lý kịp thời, hiệu quả.
Vi Hoàng Minh