TP.HCM dẫn đầu về y tế chuyên sâu, thực hiện nhiều kỹ thuật khó để 'giữ chân' bệnh nhân

17-06-2023 22:03 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Việc phát triển y tế chuyên sâu tại TP.HCM là rất cần thiết, góp phần "giữ chân" bệnh nhân, hạn chế việc người dân ra nước ngoài chữa trị, giữ lại nguồn chi để phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, thu hút bệnh nhân và vốn đầu tư từ nước ngoài.

Ngày 17/6, lần đầu tiên ngành y tế TP.HCM phối hợp Hội Y học TP.HCM tổ chức hội nghị "Đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại TP.HCM".

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế biểu dương và ghi nhận những kết quả to lớn Thành phố đã đạt được trong năm qua đặc biệt là trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân. TP.HCM đã trở thành điểm sáng nhất cả nước về công tác y tế.

Người dân TP.HCM đang được chăm sóc sức khỏe tốt nhất nước - Ảnh 1.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: P.T)

Dưới sự lãnh đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND TP, công tác y tế và chăm sóc sức khỏe của người dân Thành phố luôn được quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, Thành phố đã đưa ra những chính sách, giải pháp sáng tạo phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội giúp ngành y tế của Thành phố có những bước phát triển vượt bậc, đóng vai trò là trung tâm y tế chuyên sâu hàng đầu cả nước, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân Thành phố, của cả nước và các nước trong khu vực.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, TP.HCM là địa phương dẫn đầu cả nước về y tế chuyên sâu, phát triển chuyên môn kỹ thuật, thực hiện nhiều kỹ thuật khó, điều trị được nhiều bệnh hiểm nghèo, tiếp cận và làm chủ được hầu hết các kỹ thuật y học tiên tiến trên thế giới... góp phần "giữ chân" bệnh nhân.

Hiện nay, TP.HCM đang có 9 đơn vị trực Bộ Y tế, các đơn vị đều là những cơ sở y tế chất lượng cao, phát triển mạnh về mặt chuyên môn kỹ thuật, được sự đầu tư lớn của Bộ Y tế, có sự hợp tác rộng rãi với các bệnh viện, trường đại học, viện nghiên cứu nổi tiếng trong khu vực và thế giới. Đặc biệt phải nói tới là Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y dược, đây được coi là đầu tàu cho quá trình phát triển y tế chuyên sâu khu vực TP.HCM và cả các tỉnh phía Nam.

"Với các cơ sở y tế của Thành phố và của Bộ Y tế trên địa bàn, có thể nói, người dân TP.HCM đang có điều kiện được chăm sóc sức khỏe tốt hàng đầu cả nước, người dân từ các địa phương lân cận cũng được hưởng lợi từ điều này", Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Theo đó, số bệnh nhân khám và điều trị ngoại trú tại các bệnh viện trên địa bàn chiếm khoảng 1/4 tổng số lượt thăm khám toàn quốc. Số bệnh nhân điều trị nội trú chiếm khoảng 1/10 cả nước.

TP.HCM không chỉ trở thành điểm khám chữa bệnh của người dân trong nước mà còn của các nước bạn trong khu vực. Vậy nên, việc phát triển y tế chuyên sâu tại TP.HCM là rất cần thiết, góp phần "giữ chân" bệnh nhân, hạn chế việc người dân ra nước ngoài chữa trị, giữ lại nguồn chi để phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, thu hút bệnh nhân và vốn đầu tư từ nước ngoài.

Người dân TP.HCM đang được chăm sóc sức khỏe tốt nhất nước - Ảnh 2.

Người dân TP.HCM đang có điều kiện được chăm sóc sức khỏe tốt hàng đầu cả nước, người dân từ các địa phương lân cận cũng được hưởng lợi từ điều này.

6 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển ngành y tế TP.HCM nhằm "giữ chân" người dân

Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của nhân dân Thành phố cũng như các tỉnh phía Nam, hạn chế việc người dân phải ra nước ngoài chữa trị, Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Trần Văn Thuấn mong muốn lãnh đạo TP.HCM cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo công tác y tế, trong đó:

Thứ nhất: Thành phố cần tiếp tục triển khai các nội dung về y tế trong Nghị quyết 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 do Bộ Chính trị ban hành về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tăng cường thu hút các nguồn lực cho ngành y tế theo tinh thần của nghị quyết.

Thứ hai: Tiếp tục đầu tư phát triển các cơ sở y tế hiện đại, chất lượng cao ngang tầm khu vực, định hướng trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á thông qua sự đầu tư tương xứng với nhu cầu phát triển y tế chuyên sâu.

Thứ ba: Thành phố cần xây dựng các bệnh viện hiện đại đạt chuẩn quốc tế, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đạt chuẩn. Đồng thời, Thành phố cần chú trọng tới nguồn nhân lực y tế. Đưa ra các cơ chế, chính sách riêng đảm bảo cho hoạt động của bệnh viện và phát triển chuyên môn kỹ thuật.

Thứ tư: Tiếp tục xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Đổi mới cơ cấu và tổ chức của trạm y tế phường, xã, bổ sung định mức số lượng người làm việc, loại hình nhân viên để phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của trạm.

Thứ năm: Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện các giải pháp để đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị.

Thứ sáu: Triển khai một số đề án quan trọng trong lĩnh vực y tế như phát triển công nghiệp dược, đảm bảo an toàn thực phẩm, xã hội hóa, huy động nguồn lực y tế tư nhân, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, đẩy mạnh cấp cứu ngoại viện.

7 giải pháp đưa TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN7 giải pháp đưa TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN

SKĐS - Lãnh đạo TP và Sở Y tế TP.HCM chia sẻ 7 giải pháp nhằm đưa TP.HCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN với thế mạnh là y tế chuyên sâu.


P.Thương
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn