Bệnh nhân chuẩn bị xuất viện là N.V.H., 14 tuổi, nhập viện ngày 15/5, chẩn đoán ngộ độc botulinum toxin từ thức ăn. Em được truyền tĩnh mạch ½ lọ BAT ngày 15/5 cùng với em Đ.
Hiện tại sức cơ 2 chi trên 5/5, sức cơ 2 chi dưới 5/5, đi đứng bình thường, hết sụp mi, thở khí trời, ăn uống được, tiêu tiểu bình thường. Đây là bệnh nhân có tiến triển tốt nhất, dự kiến xuất viện ngày 26/5/2023.
Ngày 25/5/2023, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã hội chẩn với Bệnh viện Chợ Rẫy về hướng điều trị của 2 bé còn lại. Hiện cả hai sẽ được tiếp tục điều trị nâng đỡ (thở máy, dinh dưỡng, chống nhiễm trùng, chăm sóc nằm lâu) và không có chỉ định dùng BAT tiếp tục.
Được biết, ba bé Đ., X., H. là anh em ruột trong gia đình. Trước đó, ngày 13/5, người dì của ba bé mua giò lụa từ người bán dạo không rõ nguồn gốc để ăn với bánh mì. Sau khi ăn khoảng 12-18 giờ cùng ngày, người dì và 3 bé đều xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, ói và tiêu chảy nhiều lần.
Ngày 14/5, cả 3 bé được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng mệt lả. Bệnh nhi N.V.Đ có biểu hiện sụp mi, yếu 2 chân và đến 5 giờ sáng ngày 15/5 thì bị suy hô hấp, phải đặt nội khí quản thở máy. Hai bé còn lại là N.V.H và N.T.X cũng có biểu hiện sụp mi, yếu chân vào chiều ngày 14/5.
Đến sáng 15/5, hai bé này cũng xuất hiện sụp mi mắt, yếu dần tứ chi, sức cơ khoảng 4/5 nên Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã mời bác sĩ khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ do nghi ngờ các bệnh nhân bị ngộ độc.
Khoảng 15 giờ ngày 15/5, sau khi hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy thống nhất chẩn đoán nghi ngờ nhiễm độc botulinum do ăn giò lụa.
Ngay trong đêm 15/5, Bệnh viện Chợ Rẫy liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam để điều chuyển hai lọ thuốc BAT cuối cùng còn ở Việt Nam về TP.HCM. Ngay sau đó, 3 bệnh nhi được truyền thuốc giải độc, các bé đều ổn định không có biểu hiện bị phản vệ.