Tôm hùm, cá chết hàng loạt do thời tiết?
Những ngày gần đây, tôm hùm sắp đến ngày thu hoạch, cá nuôi lồng bè ở Phú Yên bỗng dưng chết hàng loạt. Theo thống kê của Chi cục thủy sản Phú Yên cho thấy đến 13h ngày 20/5, tại xã Xuân Thịnh đã có khoảng 61 tấn tôm hùm xanh, gần 30 tấn cá nuôi của 160 hộ bị chết.
Nhiều nhất là thôn Vịnh Hòa với 1.334 lồng tôm, cá bị chết sạch. Trong đó, có hơn 53 tấn tôm hùm loại 0,1-0,4 kg một con, 28,6 tấn cá bị chết. Còn lại là ở thôn Phú Dương.
Theo UBND xã Xuân Thịnh, hiện tượng tôm, cá chết hàng loạt xảy ra từ ngày 18/5 tại hai thôn Vịnh Hòa, Phú Dương, gây thiệt hại rất lớn với người nuôi thủy sản. Tôm hùm, cá chết hàng loạt bước đầu được cho là do thời tiết nắng nóng kết hợp với mưa dông lớn mấy ngày qua. Ngoài ra, năm nay lượng nuôi tôm trong dân quá dày khiến chúng thiếu oxy, có thể cũng là nguyên nhân xảy ra tình trạng chết bất thường.
Một thương lái cho biết tôm hùm chết ở xã Xuân Thịnh được thu mua từ 50.000 đồng đến 400.000 đồng/kg, tùy theo kích cỡ và độ tươi của tôm. "Tôm còn tươi, có trọng lượng trên 0,2kg/con, không đứt đầu có giá 400.000 đồng/kg; loại dưới 0,2kg/con còn tươi được thu mua với giá 300.000 đồng/kg. Còn loại tôm bị đứt đầu, chết đã lâu được một số người thu mua với giá 50.000-150.000 đồng/kg", thương lái này tiết lộ.
Theo Chi cục Thủy sản Phú Yên nguyên nhân ban đầu khiến tôm hùm, cá chết hàng loạt tại thị xã Sông Cầu là do thời tiết nắng nóng kết hợp với mưa dông trong những ngày qua dẫn đến môi trường nước bị thay đổi.
PGS.TS Vũ Thành Ca, Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, tôm, cá chết thường do nhiều nguyên nhân, cần phải có những phân tích cụ thể để kết luận nguyên nhân chính xác. Tuy nhiên thời tiết có thể là một trong những yếu tố làm cá chết hàng loạt. Có thể hiểu đơn giản, thời điểm chuyển mùa, do nắng nóng nên nước nóng lên rất nhanh. Vì vậy, các phản ứng sinh học và hóa học phân hủy chất ô nhiễm hữu cơ xảy ra nhanh và cần rất nhiều oxy, dẫn tới cạn kiệt oxy.
Khi nhiệt độ tăng cũng đồng nghĩa gia tăng khả năng phát triển các tác nhân gây bệnh cho thủy sản. Hàm lượng oxy hòa tan trong nước ở tầng đáy thấp, nhiệt độ nước tăng cao so với cùng kỳ, cùng với việc thả tôm với mật độ dày, giai đoạn thời tiết đang chuyển mùa đã góp phần làm sức đề kháng của tôm giảm, tôm yếu và dễ mắc bệnh.
Thiếu hụt oxy hòa tan được xem là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng tôm cá chết hàng loạt. Trong ao, thường có hai nguồn ôxy hòa tan (DO), từ máy sục khí và từ thực vật phù du. Suốt giai đoạn mưa kéo dài, hoạt động của thực vật phù du sẽ chậm lại vì có ít ánh sáng mặt trời, chính vì vậy xảy ra hiện tượng phân tầng nước ao, tù nước sẽ xảy ra. Lớp nước ngọt (phân tầng) trên bề mặt ao khiến cho oxy khó hòa tan vào phần nước còn lại.
Sau những đợt mưa lớn dẫn đến thay đổi nhiệt độ trong ao cá chưa kịp thích nghi, khiến tôm cá bị sốc nhiệt, dễ mẫn cảm với mầm bệnh và tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại tấn công, làm cá chết. Do tôm cá là động vật hằng nhiệt, nhiệt độ cơ thể thay đổi theo nhiệt độ môi trường, khi nhiệt độ ao nuôi giảm 10 độ C thì tỷ lệ tiêu thụ thức ăn của tôm cá giảm 5 - 10%, khi nhiệt độ giảm xuống 30 độ C, tỷ lệ tiêu thụ thức ăn của tôm cá giảm 30%, do đó cá thường giảm hoặc bỏ ăn
Cần phân tích mẫu cá để xác định nguyên nhân gây chết
Theo PGS.TS Vũ Thành Ca, để tránh hiện tượng cá chết khi chuyển mùa, cần giảm mật độ nuôi và cố gắng từng bước xử lý các nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải.
"Các cơ quan chức năng cần kiểm tra thật kỹ các thông tin về nồng độ chì và thủy ngân cao, lấy mẫu cá nuôi để phân tích, xác định nồng độ chì, thủy ngân và có khuyến cáo người tiêu dùng theo các kết quả phân tích. Chì và thủy ngân chỉ có thể do các cơ sở sản xuất công nghiệp/tiểu thủ công nghiệp/làng nghề tạo ra. Cần điều tra kỹ, xác định nguyên nhân và có giải pháp xử lý càng nhanh càng tốt để không lặp lại tình trạng tôm cá chết hàng loạt", PGS.TS Vũ Thành Ca nói.
Chuyên gia khuyến cáo người nuôi tăng cường che mát lồng, bè nuôi khi có nắng nóng; thu gom vỏ nhuyễn thể lúc sơ chế và sau khi tôm ăn xong nhằm hạn chế quá trình kỵ khí ở đáy và bồi lắng đáy thủy vực nuôi. Cần chủ động xây dựng có phương án khi có thời tiết chuyển mùa (tháng 4-6/2024), hạ lồng đến mức nước phù hợp; dự phòng ôxy tươi nguyên chất phòng khi tôm hùm nuôi thiếu oxy cục bộ.
Nếu phát hiện cá nổi, tôm yếu, cần phải sử dung quạt nước, sục khí, bơm nước để tang cường oxy. Vớt bỏ thưc săn thừa đặc biệt là cỏ, rơm, không dung phân gia súc, gia cầm bón xuống áo. Ngừng cho ăn ngay khi thấy cá có hiện tượng nổi đầu, giảm cho ăn vào những ngày nắng nóng, khi thời tiết thay đổi.
Bên cạnh đó, người nuôi bố trí san thưa mật độ tôm nuôi nhằm giảm thiểu thiệt hại; tăng cường lặn theo dõi tôm nuôi, khi phát hiện tôm có dấu hiệu ăn yếu, đen mang thì sử dụng formalin nồng độ 300 ppm tắm cho tôm trong 20 phút, tắm 3 lần trong 7 ngày liên tục để điều trị...
Với vùng có nguy cơ cao về môi trường nên di chuyển lồng bè đến nơi an toàn, có điều kiện môi trường phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi. Người nuôi tôm cũng cần theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, chất lượng môi trường nước quan trắc trước khi thả giống. Bởi vì môi trường là yếu tố rất quan trọng trong nuôi tôm.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin dự báo mới nhất hôm nay ngày 21/5: Miền Bắc thời tiết oi bức dù có gió Đông.