Cẩn trọng với giống tôm hùm trôi nổi ở miền Trung

05-04-2021 14:29 | Xã hội
google news

SKĐS - Nghề nuôi tôm hùm khu vực miền Trung phát triển mạnh mẽ ở Phú Yên, Khánh Hòa. Sản lượng ước tính trên dưới 2.000 tấn, và đã trở thành một trong những ngành nghề thủy hải sản mũi nhọn mang lại hiệu quả kinh tế cao, cung cấp cho cả nước. Tuy nhiên, nhiều chủ bè chọn nguồn giống trôi nổi khiến rủi ro ập đến, tôm chết trắng đầm, đời sống điêu đứng.

Thiệt hại vì giống kém

Theo nhiều chủ đầm nuôi tôm hùm ở Sông Cầu (Phú Yên): Tôm hùm ở miền Trung cung cấp rộng khắp nước. Người nuôi nếu thiếu cảnh giác, mua phải giống rởm, giống trôi nổi trắng tay ngay.

Ông Nguyễn Văn Bình ở Sông Cầu, dốc số tiền lớn mua giống tôm hùm không rõ nguồn gốc, khi tôm chết hàng loạt đã phải cầm cố, bán nhiều tài sản để cầm cự và khôi phục lại sản xuất.

Tương tự, anh Nguyễn Thành (nhiều năm nuôi tôm hùm ở Cam Ranh, Khánh Hòa) cũng điêu đứng khi tôm giống vừa thả xuống mấy tuần đã phát sinh bệnh và chết hàng loạt. Anh Thành cho biết, do chủ quan khi chọn nguồn giống. Hàng vạn người dân sống bằng nghề này, nếu chọn giống sai là thất bại nặng nề ngay.

                  Nhiều chủ đầm thiệt hại vì mua phải giống tôm kém chất lượng

Do chưa thể nhân giống nhân tạo nên nguồn giống tôm hùm được các công ty nhập về từ Philippines, Indonesia, Malaysia…với giá rẻ từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/con tôm xanh (giống Panulirus Homarus), nên khá hút hàng và được người dân đón nhận. Chính việc có thêm nguồn tôm giống đã thúc đẩy số lượng lồng nuôi và diện tích nuôi tôm tăng vọt.

Theo thống kê, đến đầu năm 2021, toàn tỉnh Phú Yên có khoảng hơn 84.000 lồng nuôi, còn số lượng lồng nuôi tôm hùm tại tỉnh Khánh Hòa đã vượt qua con số 64.500 lồng.

Tuy nhiên, rủi ro luôn tiềm ẩn khi các chủ đầm nuôi tôm không tìm nhà cung cấp giống uy tín, việc kiểm soát dịch bệnh từ giống thiếu chặt chẽ nên ảnh hưởng nặng nề khi phát sinh dịch bệnh. Ông Nguyễn Tâm, chủ tại nuôi tôm hùm ở Cam Ranh lo lắng: Có nhiều đợt chúng tôi mua tôm giống từ các đầu nậu. Mới nhìn qua thì thấy tôm giống có vẻ khỏe mạnh nhưng khi thả xuống lồng thì chết trắng gần như 90%. Cả chủ lẫn người làm công phải tứ tán đi mưu sinh việc khác chờ ngày về khôi phục đầm.

Chủ đầm Nguyễn Văn Oanh và nhiều người nuôi tôm hùm ở xã Xuân Thịnh (Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) cũng tiếc nuối cho biết: Ngư dân cứ thấy rẻ, bán dọc đường là mua. Một số người thì chở đến các khu vực nuôi tôm để bán. Tôm còn quá nhỏ nên cũng không biết đã qua kiểm dịch hay chưa. Đến khi dịch bệnh bùng phát trở tay không kịp. Lúc đó thiệt đơn, thiệt kép.

Cẩn trọng để tránh rủ ro

                      Giống tôm trôi nổi, dễ nhiễm bệnh và chết

Theo nhiều chủ đầm tôm hùm, mặc dù có quy định về kiểm dịch nguồn giống tôm hùm. Vậy nhưng giữa người nuôi và người bán không ràng buộc chặt chẽ lẫn nhau nên việc quản lý và bảo đảm chất lượng tôm hùm giống không đảm bảo. Người bán xong rồi đi, thiệt hại người nuôi lãnh đủ.

Cùng với đó, tình trạng vận chuyển, buôn bán tôm hùm giống tại nhiều tỉnh miền Trung, đặc biệt là Khánh Hòa, Phú Yên diễn ra phức tạp; nhiều đầu mối bán không tuân thủ nghiêm quy trình bảo quản giống.

Cùng với đó, người nuôi vì không xem xét kỹ càng nguồn gốc tôm, không yêu cầu người bán cung cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng con giống, xét nghiệm kiểm dịch và giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng nên dễ dẫn đến bùng phát dịch bệnh trên diện rộng.

Ôm nợ tiền tì vì mua phải giống tôm trôi nổi, nhiễm bệnh, ông Nguyễn Thành Anh ở Cam Ranh (Khánh Hòa) cho biết: Bài học đau buồn từ bản thân tôi cho thấy, cần kiểm soát chặt đầu vào, các chủ đầm phải yêu cầu người cung cấp giống đưa ra đầu đủ giấy tờ chứng nhận mới mua.

Tôi thiệt hại nặng phải tạm nghỉ nuôi tôm một thời gian. Nhất quyết không nên thả đại trà nếu không hiểu rõ về nguồn gốc con giống. Bên cạnh đó, môi trường thay đổi cũng tác hại tiêu cực đến việc phát triển của tôm hùm. Vậy nên phải nâng cao thêm ý thức bảo vệ môi trường.


Anh Hoàng
Ý kiến của bạn