Nguyên nhân khiến tôm chết hàng loạt ở Nghệ An

05-05-2024 15:36 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo cơ quan chuyên môn, việc tôm chết ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) nhiều khả năng không phải do dịch bệnh mà do các bất cập, yếu kém trong phương pháp nuôi cũng như hạ tầng nuôi tôm ở khu vực này.

Ngày 23/4, ông Bùi Xuân Trúc, Phó phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết, các cơ quan chức năng bước đầu xác định được nguyên nhân tôm chết hàng loạt trên địa bàn.

Nguyên nhân khiến tôm chết hàng loạt ở Nghệ An- Ảnh 1.

Qua thống kê, có khoảng 20 héc ta tôm của nhiều hộ nuôi chết bất thường. Ước tính từ đầu tháng 4/2024 đến nay người nuôi tôm trên địa bàn thiệt hại hàng tỷ đồng.

Cụ thể, các mẫu bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm đều âm tính với các bệnh thường gặp trên tôm bao gồm bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, phân trắng, đầu vàng… Riêng có 1 mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với bệnh vi bào tử trùng EHP trên tôm. Tuy nhiên, đây là bệnh thường gặp, chủ yếu khiến tôm chậm lớn, thời gian nuôi lâu, tăng chi phí đầu tư.

Từ kết quả xét nghiệm của cơ quan chuyên môn có thể thấy, việc tôm chết ở Quỳnh Lưu nhiều khả năng không phải do dịch bệnh mà do các bất cập, yếu kém trong phương pháp nuôi cũng như hạ tầng nuôi tôm ở khu vực này.

Theo đó, tỷ lệ tôm được nhập về từ các công ty, trại giống uy tín, có giấy tờ kiểm dịch đầy đủ chỉ chiếm khoảng 30 – 40%, số còn lại người dân mua trôi nổi trên thị trường. Do đó, việc thả tôm kém chất lượng, sức đề kháng yếu cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng tôm chết.

Nguyên nhân khiến tôm chết hàng loạt ở Nghệ An- Ảnh 2.

Tôm nuôi chết phơi trắng cả hồ.

Ngoài ra, tại vùng tôm xảy ra dịch bệnh đều có tình trạng chung là thả tôm sớm hơn so với lịch thời vụ mà cơ quan chuyên môn khuyến cáo. Lịch thả tôm chính vụ năm 2024 từ ngày 1/4, tuy nhiên vào giữa tháng 3/2024 có nhiều hộ thả tôm giống trước. Điều này đã khiến quá trình tôm sinh trưởng và phát triển bị ảnh hưởng.

Hơn nữa, vùng nuôi tôm truyền thống trên địa bàn huyện có lâu đời, hạ tầng nuôi không còn đảm bảo, nhiều đầm tôm bị hư hỏng. Bên cạnh đó, nguồn nước, môi trường nuôi tôm những năm qua không đảm bảo, khiến tôm dễ nhiễm dịch bệnh và chết rải rác những năm qua.

Như Báo Sức khỏe và Đời sống thông tin, trên địa bàn xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, bà con đã thả được khoảng 50% diện tích tôm vụ chính. Vụ này tôm vừa thả được từ 7 - 20 ngày nhưng tỷ lệ tôm chết lên đến 90%.

Điển hình như hồ nuôi tôm của gia đình bà Hồ Thị Hòa ở xóm Đồng Hưng, xã Quỳnh Bảng. Gia đình có 5 hồ nuôi tôm với tổng diện tích 2 ha. Với quy trình nuôi gối vụ, cách đây hơn 1 tháng gia đình bà thả con giống xuống 1 hồ và đầu tháng 4 thả con giống xuống 2 hồ.

Tuy nhiên cách đây 4 - 5 ngày, hồ tôm hơn 1 tháng bỗng dưng tôm chết nổi trắng mặt nước. Bà Hòa xót xa vớt hàng tạ tôm loại 60 con/kg đi tiêu huỷ, gia đình bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Để thả 1 ha tôm, người dân phải đầu tư cả trăm triệu đồng từ mua con giống, vật tư xử lý ao đầm… và thức ăn. Qua thống kê, có khoảng 20 héc ta tôm của nhiều hộ nuôi chết bất thường. Ước tính từ đầu tháng 4/2024 đến nay người nuôi tôm trên địa bàn thiệt hại hàng tỷ đồng.

Trước thực trạng thời tiết có nhiều thay đổi thất thường, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần mua con giống đảm bảo chất lượng, phải có kiểm dịch của cơ quan thú y. Quá trình xử lý nguồn nước cần quan tâm đến nguồn cấp và thoát để đảm bảo môi trường, hiện nay nhiều vùng nuôi tôm dùng chung hệ thống cấp, thoát nước, nên mối nguy xảy ra dịch bệnh cho tôm cao.

Trong quá trình nuôi, bà con cần tuân thủ các hướng dẫn kỹ thuật, đặc biệt là thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để điều chỉnh chế độ chăm sóc hợp lý, nhất là khi thời tiết oi bức, cần tăng cường quạt nước để tăng lượng ô xy trong ao đầm.

Xót xa hàng chục hecta tôm nuôi chết hàng loạtXót xa hàng chục hecta tôm nuôi chết hàng loạt

SKĐS - Người dân nuôi tôm ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) như ngồi trên đống lửa khi hàng chục hecta tôm nuôi bỗng chết bất thường.



Vũ Đồng
Ý kiến của bạn