SKĐS - Nằm trong đội tuyển học sinh giỏi, có niềm đam mê với bóng đá lại sở hữu chiều cao vượt trội 1m75, D trở thành niềm tự hào của bố mẹ. Tuy nhiên, trong những ngày tháng tươi đẹp nhất trên giảng đường, căn bệnh ung thư xương đã khiến D phải gác lại quá trình học tập, đam mê để tìm lại đôi chân cho chính mình.
Năm 2023, D đậu vào trường THPT tại Đồ Sơn (Hải Phòng) với điểm số cao và được xếp vào lớp chọn. Chàng trai đã trở thành là niềm hãnh diện của bố mẹ với chiều cao 1m75, đam mê đá bóng và nằm trong đội tuyển thi HSG Lý cấp thành phố. Những ngày tháng học sinh cấp 3 tươi đẹp với bao ước mơ, hoài bão đang mở ra trước mắt D thì cơn đau chân bắt đầu xuất hiện.
Nhớ lại những ngày đầu khi căn bệnh ung thư xương bắt đầu có triệu chứng, chị Yến (mẹ bệnh nhân) kể lại: "Ban đầu cháu kêu đau chân đau đùi, gia đình nghĩ do con đi đá bóng bị va chạm nên lấy cao dán cho cháu nhưng cơn đau không giảm, cháu đi lại khó khăn. Trước Tết, tôi đưa cháu đi chụp chiếu thì không phát hiện ra dấu hiệu rạn nứt xương hay có dịch ở đầu gối. Gia đình cho cháu về nhà uống giảm đau và tiếp tục đi học. Tuy nhiên khi qua Tết cơn đau của con tăng lên và gia đình đưa cháu đi khám ở tuyến trung ương thì phát hiện ung thư xương đùi phải".
Chẳng ai ngờ, chiều cao mà nhiều người ngưỡng mộ lại khiến D mắc phải căn bệnh ung thư xương quái ác. Bởi đa số các trường hợp ung thư xương trẻ em thường gặp ở những bệnh nhân lứa tuổi vị thành niên có chiều cao vượt trội và chiều cao tăng rất nhanh trong một thời gian ngắn.
Khi thăm khám tại Khoa Ngoại cơ xương khớp (Bệnh viện K), các bác sĩ chẩn đoán D đã mắc ung thư xương giai đoạn 2B tuy nhiên điều may mắn là chưa có di căn.
Thông tin về tình hình bệnh nhân lúc mới tiếp nhận, BSCKII Hoàng Tuấn Anh – Trưởng khoa Ngoại cơ xương khớp (Bệnh viện K) cho biết: "Ung thư xương được chia làm 3 giai đoạn. Thông thường, những bệnh nhân có khối u lớn hơn 8cm đã được chẩn đoán ở giai đoạn 2B. Với bệnh nhân D, khối u có kích thước hơn 20cm và phần tủy lan ra khoảng 33cm có thể được xem là trường hợp nặng nhất của giai đoạn 2B và đứng trước nguy cơ phải tháo khớp".
Viễn cảnh cậu bé 16 tuổi ung thư xương đùi phải cắt cụt đôi chân khiến ai nghe được câu chuyện cũng không khỏi xót xa. "Cũng như vợ và con khi nghe được tin có khả năng phải cắt cụt chân, tôi rất buồn nhưng vẫn phải nén lại động viên cả nhà: "Chúng ta phải bình tĩnh và chờ các bác sĩ tìm phương án" – anh Nhân, bố ruột của bệnh nhân chia sẻ.
Quãng gian chờ làm đủ các loại xét nghiệm, gia đình cùng em D đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc nhất. Những tưởng phải cắt cụt chân phải, gia đình được các bác sĩ Khoa Ngoại cơ xương khớp thông báo sẽ tiến hành hóa trị sau đó thay toàn bộ xương đùi kèm khớp háng và khớp gối.
Gác lại công việc học tập, D bắt đầu bước vào quá trình điều trị hóa chất. Trong những ngày cả tinh thần và sức khỏe đều bị ảnh hưởng do quá trình điều trị. Mặc dù được bạn bè, thầy cô thường xuyên gọi điện hỏi thăm và động viên mong D sớm trở lại với đội bóng, với mái trường thân yêu nhưng nỗi nhớ bạn bè, thầy cô vẫn khiến D trở nên buồn bã. Trong những ngày cố gắng chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác, nghe những câu hỏi ngây thơ của con, chị Yến không khỏi nghẹn ngào.
- "Mẹ ơi, tháng 8 con có đi đá giải được không?"
- "Con phải tập trung chữa bệnh đã rồi tính".
Quá trình điều trị hóa chất của em cũng gặp không ít khó khăn khi các tác dụng phụ khiến sức khỏe bị ảnh hưởng nhiều. D bắt đầu sút cân và sốt kéo dài do nhiễm khuẩn. Lịch mổ dự kiến đã qua cả tháng nhưng điều kiện sức khỏe của bệnh nhân vẫn chưa đáp ứng được, trong đầu D cũng đã nghĩ đến viễn cảnh phải cưa cụt chân. Có những lúc được người thân ngỏ ý chăm sóc muốn bóp chân cho đỡ mỏi, D buồn bã trả lời: "Đằng nào mà chả cưa". Câu nói tràn đầy tuyệt vọng của một cậu bé 16 tuổi không khỏi khiến người thân thương cảm.
Tuy nhiên, nhờ sự động viên của gia đình, bạn bè, bác sĩ và kèm theo những tín hiệu tích cực khi điều trị hóa chất, D dần lấy lại được niềm vui. D có thêm những người bạn mới đang cùng điều trị ung thư, cậu bé dần trở nên lạc quan và tâm sự với mẹ: "Mẹ ơi nếu sau không đá bóng được nữa con sẽ câu cá".
Anh Nhân nhớ lại: "Nhìn thấy khi con tiếp nhận điều trị, khối u xẹp đi từng ngày có thể quan sát bằng mắt thường, gia đình vô cùng phấn khởi và chờ ngày được phẫu thuật thay xương".
"Đây là trường hợp có khối u lớn và rất dài, chúng tôi đã hội chẩn tiểu ban bao gồm các bác sĩ của Khoa Cơ xương khớp và Nội nhi (nơi điều trị hóa chất cho bệnh nhân). Thông thường, bệnh nhân sẽ được điều trị 2 đợt hóa chất và tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên sau 2 đợt hóa chất kích thước khối u vẫn lớn và xâm lấn nhiều vào cơ do vậy các bác sĩ đã quyết định điều trị thêm. May mắn sau đợt điều trị hóa chất thứ 3, bệnh nhân đã có đủ điều kiện để phẫu thuật thay khớp" – bác sĩ Tuấn Anh nói.
Ngày ca phẫu thuật được quyết định, rất nhiều người thân của D đã có mặt tại Bệnh viện K. "Em thấy rất may mắn vì đã được mổ nhưng cũng cảm thấy hồi hộp và hơi lo lắng. Em mong ca phẫu thuật thành công để em có đôi chân lành lặn, có thể tiếp tục cắp sách tới trường, vui chơi cùng các bạn và tiếp tục theo đuổi với niềm đam mê đá bóng" – D chia sẻ trước cuộc đại phẫu của cuộc đời.
Nhận thấy sự lo lắng của cả gia đình và bệnh nhân, bác sĩ Tuấn Anh động viên: "Các bác sĩ sẽ làm tốt nhất cho cháu, yên tâm 2 tháng nữa về đi học".
Trong 6 tiếng em nằm trong phòng phẫu thuật, bố mẹ và gia đình D luôn trông ngóng tin từ bác sĩ. Ngay khi cánh cửa phòng phẫu thuật đóng lại, bệnh nhân được chuyển về phòng hậu phẫu và các bác sĩ thông báo ca mổ thành công tất cả mới vỡ òa cảm xúc.
Ca phẫu thuật đã đem đến phép màu cho đôi chân của D đồng nghĩa với việc tương lai của em sẽ rộng mở hơn. Anh Dân xúc động: "Tôi vừa hồi hộp, vừa sốt ruột. Sau khi bác sĩ thông báo ca mổ thành công, tôi biết con đường tìm lại đôi chân cho con mình đã đi được một nửa. Cảm ơn các bác sĩ đã giúp cháu có thể quay trở lại được cuộc sống bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa".
Chia sẻ về ca phẫu thuật dài gần 6 tiếng, bác sĩ Tuấn Anh nhận định: "Đây là ca phẫu thuật lớn kéo dài gần 6 tiếng và may mắn ca mổ đã thành công như mong đợi. Bệnh nhân có khối u đã xâm lấn khá nhiều sang phần cơ. Khó khăn lớn nhất gặp phải là bó mạch khoeo bị khối u đè lên và cần được gỡ ra khỏi khối u. Trong quá trình phẫu thuật, chúng tôi đã phải xử lý và bảo tồn được toàn bộ phần cơ cho bệnh nhân.
Những thanh thiếu niên khi mắc phải căn bệnh ung thư xương thường sẽ gặp phải cú sốc, ảnh hưởng đến tâm lý và thậm chí là trầm cảm. Bệnh nhân không chỉ lo sợ khi phải đối mặt với cái chết mà còn nghĩ tới những tháng ngày quay trở lại cuộc sống hàng ngày với đôi chân tàn tật.
Trước đây những bệnh nhân có khối u lớn như trường hợp của D sẽ được chỉ định tháo khớp và mất hẳn đôi chân. Với những thanh thiếu niên việc mất đi đôi chân sẽ khiến quá trình học tập, sinh hoạt hàng ngày, hòa nhập cộng đồng gặp rất nhiều khó khăn.
Vì vậy, việc bảo tồn được đôi chân giúp bệnh nhân quay trở lại với cuộc sống bình thường, có thể đi học, đi làm, lập gia đình và sinh con như bao người khác là niềm vui vô bờ bến đối với những bác sĩ như chúng tôi"- bác sĩ Tuấn Anh tâm sự.
Nhắc lại về niềm đam mê đá bóng của bệnh nhân D, bác sĩ Tuấn Anh hy vọng: "Chúng tôi đã thay khớp cho hơn 70 trường hợp, trong đó có những bệnh nhân phục hồi chức năng rất tốt thậm chí có thể đá bóng được. Tuy nhiên cũng có những trường hợp phục hồi kém hơn do khối u lớn xâm lấn vào cơ và phải cắt bỏ đi phần cơ khá nhiều sẽ khiến chức năng ở chi giảm đi. Với bệnh nhân D quá trình tập luyện sau khi phẫu thuật sẽ giúp em dần dần hồi phục và có thể quay trở lại với những đam mê của mình".
BSCKII Hoàng Tuấn Anh - Trưởng khoa Ngoại cơ xương khớp chia sẻ về ca phẫu thuật thay toàn bộ xương đùi, khớp gối, khớp háng cho bệnh nhi 16 tuổi.
"Sau ca bệnh đầu tiên vào năm 2020, do sự gián đoạn của dịch bệnh đây là lần thứ 2 tại Việt Nam có trường hợp thay toàn bộ xương đùi. Ở nước ngoài hơn 90% bệnh nhân ung thư xương chưa có di căn sẽ được bảo tồn chi. Còn tại Việt Nam, các bác sĩ chúng tôi đang cố gắng nâng tỷ lệ này lên 60-70%. Kỹ thuật thay khớp của ung thư xương khác với thay khớp thông thường, chúng tôi phải cắt một đoạn xương và phục hồi phần cơ tại các điểm bám khớp thì sau này bệnh nhân mới có thể vận động trở lại. Để làm được điều này, các bác sĩ cần có kinh nghiệm tay nghề cao.
Hiện nay, Bệnh viện K là cơ sở y tế công lập duy nhất thực hiện được kỹ thuật này. Trước mắt, chúng tôi mong muốn người bệnh sẽ thăm khám và phát hiện bệnh sớm để nâng cao hiệu quả điều trị. Sau này khi kỹ thuật phổ biến hơn, chúng tôi sẽ tiến hành đào tạo tuyến để có nhiều hơn các cơ sở y tế thực hiện được và người bệnh sẽ được hưởng nhiều quyền lợi hơn nữa" – bác sĩ Tuấn Anh cho biết thêm.