Bệnh nhân C. trước khi phẫu thuật đi lại khó khăn
Cảnh giác cơn đau âm ỉ, hơi khó vận động ở thanh thiếu niên
Trước đó, Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tiếp nhận một nữ sinh lớp 9 tên Đỗ Thị Kim C sinh năm 2003 đến từ Hưng Yên. Theo lời kể của chị Đỗ T.N. mẹ của bệnh nhân C, con gái chị bắt đầu cơn đau từ năm học lớp 6 tức là lúc cháu mới chỉ 12 tuổi. Khi đó vùng háng phải của cháu tự dưng đau âm ỉ, hơi khó vận động dù con chị không bị ngã hay va quệt vào đâu.
Do còn nhỏ tuổi, đi học và hoàn cảnh gia đình nhà neo đơn, bố bé C. mất sớm nên không chữa trị được. Tuy nhiên, cơn đau càng lúc năng hơn, nhiều khi bé C. đang ngồi học phải ngừng giữa chừng vì cơn đau hành hạ. Theo thời gian, cơn đau xuất hiện ngày một mạnh hơn, có lúc đau quá chị cho con uống thuốc giảm đau nhưng không cải thiện. Các môn học thể dục ở trường bé gần như không thể hoàn thành.
Chân bệnh nhân trước mổ bị chênh lệch 2cm. Ảnh BSCC
Sau đó gia đình đưa bé C. đi khám rất nhiều nơi và bé đã bó bột nhưng không đỡ. Bé cũng được phẫu thuật, các cơn đau có giảm đi nhưng chân bé lại có sự chênh lệch chiều dài gần 2cm làm cho C. đi lại không tự nhiên. Trước khi vào Khoa Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Xanh Pôn một tuần, bé C. bị cơn đau xuất hiện nhiều lên và liên tục, mức độ đau ngày càng dữ dội, không thể tự đi lại được.
PGS.TS.Trần Trung Dũng – Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình – PGĐ bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã trực tiếp thăm khám và chẩn đoán cho bệnh nhân C. cho biết: Bệnh nhân C. vào viện trong tình trạng đau nhiều, dữ dội vùng háng phải, không thể hoạt động, đi lại được. Ngay lập tức bệnh nhi được tiến hành làm các chẩn đoán hình ảnh cần thiết kết quả cho thấy bệnh nhân C. bị thoái hóa khớp háng phải thứ phát do viêm khớp háng cũ bỏ sót 4 năm nay. “Cơn đau dữ dội mà em C. phải chịu đựng tới mức không thể đi lại được là do ổ cối, chỏm xương đùi bên phải đã biến dạng hoàn toàn”- PGS. Dũng nói.
Theo PGS.TS. Trần Trung Dũng, đây là ca bệnh rất hiếm gặp với nhiều thách thức như vậy. Nhất là khi bệnh nhân còn ở lứa tuổi thiếu niên, cuộc đời tương lai còn dài và lại là nữ giới mà có nguy cơ cao bị tàn tật suốt cuộc đời. Đặc biệt, PGS.TS. Trần Trung Dũng bày tỏ điều đáng tiếc nhất là bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu được can thiệp sớm và đúng cách.
Sự cân nhắc kỹ lưỡng của các chuyên gia
Trước ca bệnh nhiều thách thức – quyết định lựa chọn có thay khớp háng cho em C. hay không là điều được các bác sĩ cân nhắc rất kỹ lưỡng. Nếu thay khớp háng nhân tạo em mới có hy vọng trở lại được với sinh hoạt, hoạt động hàng ngày. Còn nếu không phẫu thuật em C. sẽ buộc phải tháo khớp trở thành cô gái tàn tật vĩnh viễn ngay khi còn ở tuổi vị thành niên. Điều này thật khó tưởng tượng và khó chấp nhận đối với bệnh nhân.
Chân bệnh nhi C. sau mổ.
Chia sẻ về ca bệnh, PGS. Dũng cho biết, chúng tôi phải cân nhắc kỹ lưỡng, hội chẩn giữa các chuyên gia tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và quyết định tiến hành phẫu thuật thay khớp háng toàn phần với hi vọng trả lại các hoạt động và sinh hoạt bình thường cho em C. Các bác sĩ đã thăm khám lâm sàng lại một lần nữa và dựa vào phim chụp cắt lớp vi tính, sử dụng công nghệ thông tin để dựng hình khung chậu ba chiều của bệnh nhân, mọi chỉ số về kích thước, các góc độ của ổ cối và chỏm xương đùi, độ chênh lệch chiều dài giữa hai bên chân đều được đo tỉ mỉ và chính xác.
Ekip mổ phẫu thuật gồm có PGS.TS. Trần Trung Dũng – Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, ThS.Bác sĩ nội trú. Phạm Trung Hiếu – Trưởng Đơn nguyên Phẫu thuật khớp háng và khung chậu, BS Đào Nguyên Chính – Đơn nguyên Phẫu thuật khớp háng và khung chậu. Với sự trao đổi chuyên môn, tính toán các chỉ số và tiên lượng các khả năng có thể xảy ra trong mổ giữa các thành viên, ca mổ thành công tốt đẹp sau khoảng một tiếng đồng hồ.
Sau mổ bệnh nhân đang được theo dõi tại khoa, tập phục hồi chức năng 3 ngày. Hiện tại các cơn đau của em đã không còn, khớp háng có thể vận động hoàn toàn bình thường như bên lành, không còn chênh lệch chiều dài giữa 2 chân. Bệnh nhân C. có thể đi lại được một quãng đường xa mà không còn ngại ngùng vì có dáng đi khác thường trước đây. Em C. có thể nói là đã may mắn khi được chẩn đoán đúng không quá muộn, không để lại di chứng và tàn tật sau ca bệnh.
Qua trường hợp này, PGS.TS. Trần Trung Dũng khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên chủ quan khi con mình bị đau dù là nhẹ. Kiểu cơn đau âm ỉ kéo dài hoặc bất kì dấu hiệu bất thường nào của cơ thể cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm cho một bệnh lý phức tạp và hoàn toàn ta có thể tránh khỏi nếu can thiệp kịp thời nhất là đối với trẻ em.
Sau phẫu thuật 3 ngày bệnh nhân C đang tập đi