SKĐS - Người bệnh ung thư xương giờ đây không chỉ được chữa khỏi bệnh mà còn không phải đối diện với nguy cơ cắt cụt chi như trước. Sau khi điều trị, người bệnh có thể đi lại và sinh hoạt như bao người bình thường.

Trước đây, với người bệnh ung thư xương sau khi điều trị nếu giữ được tính mạng thì cũng sẽ đối mặt với nguy cơ cụt chi. Điều này khiến cuộc sống của người bệnh gặp nhiều khó khăn về tâm lý cũng như hòa nhập với cộng đồng, trở thành gánh nặng cho gia đình.

Những năm gần đây với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong điều trị ung thư, các bác sĩ Việt Nam đã điều trị bảo tồn chi thành công cho nhiều ca bệnh ung thư xương.

Vẽ lại cuộc đời cho những bệnh nhân ung thư xương- Ảnh 1.

Ung thư xương được biết đến là loại ung thư ác tính, tiến triển nhanh và có tiên lượng xấu. Ung thư xương thường di căn theo đường máu. Các cơ quan thường hay di căn đến là phổi, gan và não. Bên cạnh đó, có tới 20-30% các ca bệnh khi phát hiện ung thư xương bệnh thường xuất hiện di căn xa. Đáng nói, ung thư xương thường gặp ở những người trẻ tuổi.

Trước đây, để điều trị ung thư xương xu hướng chủ yếu là điều trị triệt căn (cắt cụt chi) để đảm bảo tính mạng cho người bệnh. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật người bệnh thường bị khủng hoảng về tâm lý vì mất khả năng đi lại, khó hòa nhập với cộng đồng.

Vẽ lại cuộc đời cho những bệnh nhân ung thư xương- Ảnh 2.

Ca phẫu thuật thay toàn bộ xương đùi đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện tại Bệnh viện K.

Do vậy với nhiều người bệnh, việc đối mặt với nguy cơ tàn tật suốt đời còn đáng sợ hơn cái chết. Năm 2020, lần đầu tiên tại Việt Nam các bác sĩ Khoa Ngoại cơ xương khớp (Bệnh viện K) đã tiến hành thay toàn bộ xương đùi cho một bệnh nhân Lê Thị H. (22 tuổi). Từ một sinh viên trẻ với nhiều ước mơ hoài bão, căn bệnh ung thư xương khiến H. phải nằm một chỗ không thể đi lại được trong thời gian dài.

Ca phẫu thuật thay toàn bộ khớp háng, khớp gối bằng xương kim loại vừa là kỳ tích đối với H. vừa là thách thức đối với các bác sĩ tại Bệnh viện K. 4 năm sau ca phẫu thuật, H. đã kết hôn, sinh con và trở thành một nhân viên y tế.

Ca phẫu thuật đầu tiên thành công mở cánh cửa hy vọng cho những bệnh nhân ung thư xương đặc biệt là những bệnh nhân trẻ tuổi. Với những kỹ thuật mới, các bệnh nhân ung thư xương được bảo tồn được chi thể, vừa đáp ứng nguyện vọng của người bệnh về mặt thẩm mỹ vừa đáp ứng về mặt bệnh học và giữ được tính mạng cho người bệnh.

Vẽ lại cuộc đời cho những bệnh nhân ung thư xương- Ảnh 3.

Chị Yến đã có thể đi lại, sinh hoạt bình thường sau khi thay toàn bộ khớp gối.

Không may mắn như chị H, chị Nguyễn Thị Yến (34 tuổi, Hải Phòng) từng phải mất một thời gian dài để tìm được "đúng thầy đúng thuốc". Đầu năm 2017, sau khi sinh con chị Yến bắt đầu có dấu hiệu đau chân nên đi thăm khám tại tuyến huyện và được chẩn đoán viêm khớp. Sau 3 tháng không thấy bệnh thuyên giảm, chị khăn gói lên Hà Nội để tìm cách chữa bệnh nhưng vẫn chỉ được chẩn đoán là viêm khớp.

Nửa năm trôi qua, đôi chân của chị co quắp và có dấu hiệu teo cơ không thể đi lại. Sau khi bốc thuốc nam, thuốc tây theo lời mách của người dân trong xóm, chị Yến không những bệnh nặng thêm mà còn có lần gãy chân chỉ sau một cú ngã. Lúc này chị Yến đi khám phát hiện có khối u trong chân và được yêu cầu chuyển tuyến để phẫu thuật điều trị bằng phương pháp đổ bê tông sinh học.

Phẫu thuật xong, chị Yến quay trở về nhà tập đi bằng nạng rồi dần thích nghi với đời sống thường ngày. Chẳng ai ngờ, nhờ cú ngã trong nhà tắm vào năm 2023 chị Yến mới biết mình bị u tế bào khổng lồ. Quanh quẩn tìm thầy tìm thuốc nhiều lần, chị Yến nghe lời người thân đến Bệnh viện K để xem có phải khối u ác tính hay không?

Khi thăm khám, các bác sĩ khoa Ngoại xương khớp xác định đây là trường hợp u tế bào khổng lồ 1/3 dưới xương đùi đã được phẫu thuật nạo ghép cinent xương tuy nhiên bị biến chứng lún mâm chày, cong đinh không đi lại được. Lúc này, các bác sĩ đã cân nhắc, tư vấn cho chị Yến thay khớp gối toàn bộ modul.

BSCKII Hoàng Tuấn Anh chia sẻ về quá trình điều trị cho người bệnh ung thư xương.

Tháng thứ 3 sau ca phẫu thuật, chị Yến đã tập đi dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. 7 tháng sau ca phẫu thuật, hiện tại chị Yến đã có thể đi lại trong nhà và không cần tới nạng.

Nhớ lại những tháng ngày chạy ngược chạy xuôi tìm cách chữa bệnh, chị Yến xúc động: "Trường hợp của tôi cũng khá đặc biệt và mất tới 6 năm để tìm bệnh rồi chữa trị nhiều lần. Sau khi thay khớp tại viện K, tôi được về nhà nhưng ngày nào cũng gửi video tập đi và cập nhật tình hình cho các bác sĩ đã điều trị. Đến nay tôi đã đi lại được bình thường, cuộc sống quay trở lại như trước và tôi dự định sẽ đi làm trong một vài tháng tới".

Vẽ lại cuộc đời cho những bệnh nhân ung thư xương- Ảnh 4.

Chia sẻ về hành trình tìm cách bảo tồn chi thể cho những bệnh nhân ung thư xương, BSCKII Hoàng Tuấn Anh - Trưởng Khoa Ngoại cơ xương khớp, Bệnh viện K chia sẻ: "Các phương pháp điều trị sẽ theo thứ tự ưu tiên bảo tồn tính mạng cho người bệnh, tiếp đến là bảo tồn chi thể, bảo tồn chức năng của chi thể, sau đó đảm bảo chức năng và thẩm mỹ và cuối cùng là sự hòa nhập của bệnh nhân đối với cộng đồng. Các nước phát triển trên thế giới từ lâu đã có những tiến bộ trong điều trị ung thư xương bảo tồn đến 90%. Tại Việt Nam, chỉ vài năm gần đây các bác sĩ mới có điều kiện để thực hiện các ca phẫu thuật bảo tồn hoàn toàn chi thể cho người bệnh. Mặc dù các bác sĩ luôn luôn có mong muốn và đưa ra nhiều ý tưởng để bảo tồn từ lâu nhưng khoa học kỹ thuật còn hạn chế...".

Vẽ lại cuộc đời cho những bệnh nhân ung thư xương- Ảnh 5.

Trước đây, nhiều người bệnh ung thư nói chung và ung thư xương nói riêng thường ra nước ngoài để điều trị mặc dù chi phí rất cao. Bởi lúc này các kỹ thuật trong nước còn hạn chế, nhiều phương pháp chưa thực hiện được. Từ năm 2018, Bệnh viện K là đơn vị y tế đầu tiên của Việt Nam đã tiến hành phẫu thuật bảo tồn cho bệnh nhân ung thư xương bằng phương pháp cắt rộng u và thay khớp đạt kết quả tốt. Đáng nói, chi phí phẫu thuật cho các bệnh nhân ung thư xương tại Việt Nam chỉ bằng 1/10 so với việc điều trị ở các nước phát triển. Chính vì vậy, bệnh nhân ung thư xương đã có thể yên tâm điều trị trong nước, không cần tốn kém chi phí ra nước ngoài điều trị. Có rất nhiều bệnh nhân ở nước ngoài hay từ khắp các vùng miền trên cả nước đã tìm đến Bệnh viện K để thăm khám và được chữa trị thành công.

Vẽ lại cuộc đời cho những bệnh nhân ung thư xương- Ảnh 6.

Một buổi hội chẩn của các bác sĩ Khoa Ngoại cơ xương khớp.

"Nếu như trước đây 100% bệnh nhân đều phải cắt cụt thì hiện nay có đến một nửa bệnh nhân được điều trị bảo tồn. Những bệnh nhân nào có thể bảo tồn chi thể đều được các bác sĩ thực hiện phẫu thuật bảo tồn. Số bệnh nhân còn lại không thể bảo tồn thường vì các lý do bệnh đã ở giai đoạn muộn khối u đã xâm lấn qua cơ ra phần da hoặc người bệnh gãy xương và máu thâm nhiễm ra ngoài không còn khả năng bảo tồn", BS Tuấn Anh thông tin.

Một tín hiệu đáng mừng cho những bệnh nhân ung thư xương, từ 2018 đến nay Khoa Ngoại cơ xương khớp đã tiến hành thay khớp được khoảng 70 bệnh nhân. Trong 6 đầu năm 2024, đã có 9 bệnh nhân được phẫu thuật thay khớp bảo toàn chi thể. Với những người bệnh được phẫu thuật thành công, tỷ lệ tái phát gần như bằng 0. Người bệnh có thể quay trở lại cuộc sống sinh hoạt như những người bình thường.

Trải lòng về hành trình tìm hy vọng cho những bệnh nhân ung thư xương, BS Tuấn Anh cho biết, ung thư xương thường gặp ở lứa tuổi từ 10-20 tuổi. Bệnh nhân ở lứa tuổi đang "tuổi ăn tuổi lớn" khi phải đối mặt với căn bệnh ác tính, đối mặt với sự đe dọa về tính mạng và khả năng bảo tồn chi thể thường có tâm lý nặng nề, sợ hãi.

"Trong quá trình điều trị trong những năm gần đây, chúng tôi đã giúp cho nhiều bệnh nhân ung thư xương quay về với cuộc sống bình thường. Có bệnh nhân đã học xong đại học, đi làm, kết hôn rồi sinh con. Cũng có nhiều bệnh nhân sau khi điều trị xong đã quay trở lại với trường học để tiếp tục sự nghiệp học hành. Đó là điều hạnh phúc nhất đối với những người bác sĩ như chúng tôi" – BS Tuấn Anh tâm sự.

Vẽ lại cuộc đời cho những bệnh nhân ung thư xương- Ảnh 7.

Khả năng bảo tồn đối với những bệnh nhân ung thư tại Khoa Ngoại cơ xương khớp rất cao.

Ngoài ung thư xương, Khoa Ngoại cơ xương khớp còn điều trị nhiều bệnh liên quan đến cơ xương khớp và da như các loại ung thư phần mềm, ung thư hắc tố… Những căn bệnh này cũng có điểm tương đồng với ung thư xương ở chỗ, trước đây các khối u phần mềm xâm lấn xương phải điều trị bằng phẫu thuật cắt cụt. Điều này khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt, mất thẩm mỹ.

Hiện nay, các bác sĩ tại Khoa đã tiến hành cắt cả phần mềm cùng xương sau đó thay bằng xương nhân tạo. Với các trường hợp ung thư phần mềm xâm lấn mạch máu, bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ u, mạch máu và thay bằng mạch máu nhân tạo.

"Khả năng bảo tồn đối với những bệnh nhân ung thư tại khoa rất cao. Điều này đem lại cho người bệnh niềm hạnh phúc quý giá bởi kết quả phẫu thuật bảo tồn vừa đảm bảo được tính mạng vừa đem đến chất lượng cuộc sống tương đương với cắt cụt" – BS Tuấn Anh chia sẻ.

Những ca phẫu thuật tại Khoa Ngoại cơ xương khớp không chỉ nối dài sự sống cho những bệnh nhân ung thư xương mà còn giúp người bệnh sớm tái hòa nhập được cộng đồng. Hành trình chiến thắng căn bệnh ung thư ác tính của các bệnh nhân và nỗ lực trong nghiên cứu khoa học kỹ thuật của các y bác sĩ tại Khoa Ngoại cơ xương khớp đã thắp lên hy vọng cho những ca bệnh tưởng chừng như "án tử".

Ý kiến của bạn