Hà Nội

Tiếng vọng một hồn thơ miền quan họ

10-11-2020 21:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - * Đọc " Sông dài nắng đang trưa" - tập thơ Nguyễn Thanh Kim - NXB Hội Nhà văn - 2020

Sông dài nắng đang trưa” là tập thơ thứ 15 của nhà thơ Nguyễn Thanh Kim vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 8 năm 2020. Đọc 109 bài thơ trong tập, như một linh khởi tự đáy lòng. Quả thực, tập thơ “Sông dài nắng đang trưa” đã đem lại cho tôi một “tiếng vọng” - tiếng vọng của một hồn thơ miền Quan họ Kinh Bắc ấm áp và ân tình.

 

Bìa tập thơ Sông dài nắng đang trưa


Đây là bài thơ “Sông dài nắng đang trưa” được lấy làm tựa đề cho cả tập, đặt ở cuối tập thơ như một sự khép lại nhưng chính lại là cánh cửa hé mở cho bạn đọc cảm nhận những bài thơ trước nó với một ẩn ý thầm kín:

Thời gian như nước cuốn

phận người tựa cỏ cây

mới đó tóc bạc ngấm

lời tỏ có chi khuây?

Ngước trời: trời cao vút

lặng đất: đất chẳng thưa

ngẫm mình, nào ai biết

sông dài nắng đang trưa...”.

Phải trăn trở lắm, thao thiết lắm, Nguyễn Thanh Kim mới có được những câu thơ ý tứ sâu xa:

Tháng ngày bon chen ngoài phố chợ

lẫn lộn vàng thau, thật giả người

ta về ngược núi muôn trùng gió

trả lại bóng mình chốn xanh khơi...”.

Đó là cuộc “Ngược núi” lần thứ nhất - cuộc “ngược núi muôn trùng gió”. Đến cuộc “Ngược núi” lần thứ hai thì không chỉ để “trả lại bóng mình chốn xanh khơi”, mà từ đáy lòng Nguyễn Thanh Kim đã dấy lên một khao khát:

“Thử sức mình ngược núi

ta ngợp gió ngàn năm

gặp muôn trùng vời vợi

thèm tuyết ấm dưới chân”.

Thèm tuyết ấm dưới chân” chính là sự khát khao tình người thấm đẫm tính nhân văn. Đó là cái đích hoàn nguyên người và hoàn nguyên thơ mà Nguyễn Thanh Kim muốn gửi tới bạn đọc như một thông điệp tâm hồn.

Chính vì thế, trong cảm thức mùa với “ bến Hồ dềnh sóng đỏ / trời thu lên mênh mang”, trong thơ Nguyễn Thanh Kim vẫn đầy đặn một tình yêu “lá tre rụng đường làng / vẫn vô cùng là gió /... vẫn cánh buồm dạo đó / xuôi về Lục Đầu Giang”.

Chính vì thế, trong đêm hội Lim “bập bùng câu hát”, “ngổn ngang trăm mối /... thắt buộc duyên tình”, trong thơ Nguyễn Thanh Kim vẫn vẹn nguyên bóng dáng một cô gái Quan họ “cháy đau ruột đất / thức ngày lên / mắt em cười / đứng bóng / hội Lim”.

 

Sông Đuống đầy chất thơ (Ảnh minh họa)

 

Chính vì thế mà với tranh xuân làng Hồ, khi “Sông Đuống lượn quanh tươi giấy điệp /... Xúm xít lợn đàn khoáy âm dương”, trong thơ Nguyễn Thanh Kim vẫn trầm ấm “nét tươi trong” cho “lòng ta thoả nguyện chân đi khắp / quyến luyến lợn gà - sắc long lanh” trong cảm thức “gió heo nào thoáng như màu nắng”.

Chính vì thế mà với trăng Quan họ, khi “khuôn mặt em sáng rỡ phía sau mưa”, khiến “lòng anh chống chênh mùa”, trong thơ Nguyễn Thanh Kim vẫn ảnh xạ một “nguồn sáng” dẫn dụ “trăng xuân ấy, nguồn sáng nào dìu dặt / dẫn ta về neo buộc mảnh hồn xưa...”.

Và cũng chính vì thế mà nỗi người trong tình thơ Nguyễn Thanh Kim cứ ngày một đầy lên, không bao giờ vơi cạn. Đặc biệt là với bạn bè văn chương. Anh nghẹn ngào “rớm lệ” khi Chu Văn Sơn rời xa cõi tạm: “Chữ gieo đâu tỏ ngọn ngành / văn chương rớm lệ sao đành. Người ơi / lửng chiều Sơn khuất xa rồi / kiếp lau biệt nắng bên đời - kiếp lau”. Anh quặn thắt con tim trước sự ra đi của Vũ Từ Trang khi những trang viết của Trang còn tươi nguyên màu mực như không hề muốn dừng lại: “Thế từ đây xa nhau là chia biệt / bạn tôi ơi nhói đau cả lối về / trang báo mở và hồn thơ lẻ điệu / ai biết chăng níu giữ một đam mê”.

 

Nhà phê bình văn học - thầy giáo Chu Văn Sơn (1962 - 2019) đã đi vào những câu thơ của Nguyễn Thanh Kim


Nguyễn Thanh Kim là thế - một nỗi người và một nỗi thơ hoà trong một “Sông dài nắng đang trưa”. Tôi đã nghe thấy “tiếng vọng” của thơ anh, của lòng anh, đã bày tỏ đôi điều cảm nhận của mình, dẫu “con thuyền” cảm nhận của tôi có thể chưa hết, chưa tới dòng sông ấy. Tôi trân quý anh, trân quý một hồn thơ hồn hậu và trầm lắng, một quan niệm và thái độ hết sức nghiêm cẩn trong sáng tạo thi ca như anh đã bộc bạch: “Buộc chữ khó hơn giữ cát / mà chữ lọt hoài kẽ tay / nghiêng hồn anh trong nắng mật / cớ chi rót mãi chẳng đầy”. Với tấm lòng và tình cảm với thi ca như vậy, tôi mong sẽ được thưởng thức những thi phẩm mới của anh - những thi phẩm sâu đằm tâm nguyện Nguyễn Thanh Kim như anh từng ao ước: “Như anh - lãng quên - là cát / qua lửa kết tinh của đời / cho thơ vẹn nguyên trong suốt / hữu tình ta ngắm, ta soi”.


Quang Hoài
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn