Hà Nội

Nặng nghĩa, nặng tình với dân ca quan họ

06-05-2019 06:20 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Dân ca quan họ đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trong đó có phần đóng góp rất quan trọng của ông Hồng Thao và đội ngũ những người nghiên cứu, sưu tầm dân ca quan họ, những người rất xứng đáng được trân trọng, tôn vinh…

Nhà nghiên cứu âm nhạc Hồng Thao tên thật là Phạm Hồng Thao, sinh ngày 13/7/1932. Ông là một trong những học viên lớp Sáng tác âm nhạc, khóa chính quy đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam (tiền thân của Nhạc viện Hà Nội ngày nay). Lớp sáng tác này phần lớn là những anh em cán bộ làm công tác văn hóa trong Kháng chiến chống thực dân Pháp trở về như: Tô Ngọc Thanh, Hoàng Việt, Ngô Huỳnh, Hoàng Hiệp, Hồ Bông, Hồng Đăng, Huy Thục,... Tuy học lớp Sáng tác (vì chưa có lớp Lý luận), nhưng Hồng Thao có thiên hướng về nghiên cứu, lý luận. Tốt nghiệp khóa đào tạo, ông được phân công về công tác tại Ban Nghiên cứu Nhạc (Vụ Nghệ thuật, Bộ Văn hóa), ông lặn lội đến các thôn bản xa xôi vùng đồng bào dân tộc ít người ở miền Bắc sưu tầm âm nhạc dân tộc Giang, Xã, Hoa. Năm 1965, Hồng Thao được “biệt phái ngắn hạn” lên công tác tại Hà Giang. Trong 6 năm ròng vượt qua gian khổ, khó khăn trăm bề, ông đã hoàn thành công trình nghiên cứu Âm nhạc dân tộc Mèo. Năm 1971, ông được chuyển về công tác tại Ty Văn hóa - Thông tin Hà Bắc. Từ đó, ông dành trọn 25 năm cuối đời nghiên cứu, sưu tầm dân ca quan họ.

Cuốn sách nghiên cứu về dân ca quan họ của nhà nhiên cứu âm nhạc Hồng Thao.

Cuốn sách nghiên cứu về dân ca quan họ của nhà nhiên cứu âm nhạc Hồng Thao.

Năm 1978, ông cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc Trần Linh Quý, Đặng Văn Lung xuất bản cuốn sách Quan họ - Nguồn gốc và quá trình phát triển (NXB Khoa học Xã hội). Đây là kết quả của những năm tháng miệt mài nghiên cứu từ thực tiễn kết hợp với lý luận, khẳng định nguồn gốc và quá trình phát triển của dân ca quan họ. Năm 1995, nhạc sĩ Hồng Thao công bố chuyên luận Dân ca quan họ, đoạt Giải Nhất của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Năm 1997, ông cùng Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Linh Quý xuất bản cuốn Tìm hiểu dân ca quan họ Bắc Ninh (NXB Văn hóa dân tộc). Đặc biệt, năm 2002, ông xuất bản cuốn 300 bài dân ca quan họ Bắc Ninh (NXB Viện Âm nhạc). Đây là cuốn sách nhạc đồ sộ, gồm 300 bài dân ca quan họ với nhiều làn điệu khác nhau, được ông sưu tầm, ký âm, sắp xếp một cách có hệ thống và được chú giải một cách kỹ lưỡng.

300 bài dân ca Quan họ Bắc Ninh người đọc hiểu thêm được cái hay, cái đẹp, cái duyên dáng tế nhị của lối hát tao nhã trong kho tàng dân ca quan họ Bắc Ninh. Mặt khác cuốn sách còn là nguồn tư liệu quý có giá trị cao, giúp cho công tác nghiên cứu và giảng dạy vốn âm nhạc dân gian cổ truyền trong các viện nghệ thuật, nhạc viện và các trường vǎn hóa nghệ thuật trong cả nước.

***

Đã có nhiều nhạc sĩ, nhà nghiên cứu khác đã quan tâm đến quan họ, nhưng có thể nói, Hồng Thao là người nghiên cứu âm nhạc quan họ nhiều năm nhất, sâu sát và kỹ lưỡng, đầy đủ và cẩn thận nhất. Vì thế, ông đã để lại cho chúng ta một công trình nghiên cứu âm nhạc quan họ rất cơ bản, có ý nghĩa thực tiễn và lý luận cao. Hồng Thao đã đọc và tiếp nhận có chọn lọc tất cả những gì mà các tác giả khác viết về quan họ. Tuy nhiên, ông vẫn muốn tự kiểm nghiệm bằng thực tiễn, vì vậy, trong nhiều năm, ông đã đi đến hầu hết các làng quan họ, gặp gỡ từng nghệ nhân, sưu tầm các làn điệu và tất cả những điều có liên quan. Ông đã đem về trên 400 bài quan họ mà theo sự đánh giá thận trọng của ông, là dị bản của khoảng 170 - 180 làn điệu. Khối tư liệu đồ sộ này cũng đã được ông ký âm thành bản nhạc bằng phương pháp “năm dòng” với những ký hiệu do ông sáng tạo để đạt được độ chính xác tối đa.

Sinh thời, trong một cuộc trò chuyện thân tình với bạn bè, đồng nghiệp, Nhà nghiên cứu âm nhạc Hồng Thao cho biết ý nguyện của ông không dừng ở “công đoạn” sưu tầm tư liệu. Ông muốn đi sâu tìm hiểu những đặc trưng của âm nhạc Quan họ, từ đó góp phần khám phá những nét độc đáo mang bản sắc văn hóa dân tộc. Ông coi đó là mục đích của việc nghiên cứu các hiện tượng văn hóa dân tộc. Vì theo ông, Quan họ là đỉnh cao nghệ thuật của dân ca trung du và đồng bằng Bắc Bộ, xét về một số phương diện, có thể nói một cách công bằng là Quan họ ở tầm cao của âm nhạc dân ca người Việt nói chung. Để đi đến được kết luận như thế, Hồng Thao đã phải tìm hiểu dân ca và ca kịch truyền thống các miền của người Kinh, dân ca các dân tộc thiểu số trong cả nước. Ông cũng tìm đọc và tự nâng cao trình độ lý luận âm nhạc để học thêm những điều mà công trình đòi hỏi nhưng lại không được nhà trường âm nhạc cung cấp trước đây. Tuy nhiên, vượt lên tất cả và rất đáng trân trọng là những suy nghĩ tìm tòi, những phát hiện và sáng tạo của riêng Hồng Thao trong việc so sánh, phân tích và đi đến những kiến giải đầy sức thuyết phục.

GS.TS. Tô Ngọc Thanh, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam nhận xét: Các công trình nghiên cứu của Hồng Thao đã tập trung giải quyết một loạt vấn đề học thuật âm nhạc của dân ca quan họ, như thang âm - điệu thức và giai diệu, khuôn nhịp và tiết tấu, bố cục và kiến trúc; tính chất và đặc điểm của lời ca cũng như mối quan hệ giữa lời ca và âm nhạc... Đặc biệt, khác với thói quen chỉ đi vào những vấn đề âm nhạc học của một số công trình nghiên cứu âm nhạc khác, Hồng Thao đã quan tâm đến những vấn đề “ngoài âm nhạc” do tính chất tổng thể nguyên hợp của một thể loại âm nhạc dân gian như quan họ đòi hỏi. Đó là các vấn đề về phong tục và lề lối chơi, hình thái tồn tại và phát triển, cơ chế vận hành giữa “quan họ cổ” và “quan họ kim”; về tên gọi và tính chất phong phú, đa dạng của quan họ với tư cách là một hiện tượng văn hóa dân gian... Với cách tiếp cận và nghiên cứu đa ngành, liên ngành như thế, công trình nghiên cứu của ông đã cung cấp kiến thức khá toàn diện và sâu sắc về dân ca quan họ.


Hồng Minh
Ý kiến của bạn