Những liền anh, liền chị là những nông dân quanh năm lam lũ, họ mang theo những bài dân ca quan họ từ vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh - Bắc Giang) vào Tây Nguyên để thể hiện bằng tất cả đam mê mộc mạc của mình.
Hát ca cho hết nhọc nhằn
Xòe bàn tay hằn những vết chai sần vì công việc ruộng rẫy, liền anh Tạ Văn Đức ở làng Quyết Tiến tâm tình: Nếu không có quan họ, không có những đêm ca hát thì biết lấy gì mà xua tan đi nỗi nhọc nhằn thường nhật hàng ngày. Ở đây làm rẫy cả, rất cực. Ban đầu làng Quyết Tiến có vài người hát quan họ thôi nhưng rồi tôi và vợ mình cứ đêm đêm lại đi hát giải trí cho mọi người nghe. Từ đó anh Đức “rót” những điệu quan họ xuống ngôi làng này. Chẳng mấy chốc ai cũng mê mẩn. Bỗng nhiên những cô gái, chàng trai đôi mươi cũng lúng liếng đi hát quan họ.
Nguồn cơn của niềm đam mê hát quan họ bắt nguồn từ hơn 20 năm trước, những người dân Bắc Ninh, Bắc Giang di cư vào Krông Năng khai phá đất đai, làm kinh tế mới. Bốn bề mây phủ, rừng rậm, ánh điện chưa về. Những buổi chiều tà, khi ông mặt trời khuất sau dãy núi, nhà nào cũng chỉ biết co cụm trong nhà hoặc cánh đàn ông thì tụ tập rượu chè say khướt. Anh Đức nhớ lại: không có gì để giải trí, để làm phong phú cho cuộc sống tinh thần cả, nhất là vào những ngày mùa xuân, buồn lắm. Lại nhớ quê da diết nữa.
Các liền chị ở Krông Năng chuẩn bị bước vào đêm hội quan họ.
Sau nhiều đêm trăn trở, ông Đức nảy ra ý định lập nên nhóm hát quan họ của làng để hát cho các xã khác, làng khác cùng nghe, khơi dậy niềm đam mê đang ngủ vùi trong mỗi người gốc Kinh Bắc. Mùa xuân năm 2006 như một “mốc son” đáng nhớ với nhiều xóm làng ở Krông Năng khi không ảm đạm như trước nữa mà rộn tiếng hát quan họ Bắc Ninh. Làn điệu êm ả, ngân nga của những bài quan họ như: Đôi bên bác mẹ thương tề; Giăng thanh gió mát; Lúng liếng; Con nhện giăng mùng... làm say lòng cả những người bản địa.
Liền chị Nguyễn Thị Thu Hồng ở làng Tân Hiệp vẫn còn thẹn thùng khi nhớ lại những lần biểu diễn đầu tiên, bảo rằng: Thấy làng Quyết Tiến khởi sướng, những người ở làng Tân Hiệp chúng tôi cũng về tập luyện để đọ sức với họ trong các đêm xuân sau. Cả những dịp lễ như 30/4 hay các sinh hoạt văn hóa khác nữa. Ngày ấy chỉ có đèn dầu nhưng hát rất bốc. Có khi hát đến khuya mới thôi. Trang phục thì tự chắp vá may lấy là chính. Sau này thì có điện, có đàn... càng say mê hơn. Cả ngày quần quật trên nương rẫy vậy mà đêm đến hát xong mấy làn quan họ Kinh Bắc là tan hết nhọc nhằn ngay, trong các làng chả còn thanh niên nào đi quậy hay say sỉn ngày Tết, ngày cuối tuần nữa mà chỉ say hát quan họ thôi.
Làng nào có trên 20 gia đình gốc Bắc Ninh, Bắc Giang đều lập đội quan họ. Họ hát cho nhau nghe, hát để giao lưu, hát để trút bỏ nỗi buồn. Liền anh Nguyễn Huy Chung ở làng quan họ Lộc Xuân bảo: Ai cũng gọi nôm na gọi các làng của chúng tôi là làng quan họ hết. Cái tên nghe thân thương quá. Từ ngày được khởi xướng, không mùa xuân nào là chúng tôi không thi tài với nhau cả. Quan họ như ngấm vào máu thịt mọi người ấy. Nó còn xua tan đi những khoảng cách vùng miền. Nhiều người dân tộc bản địa Tây Nguyên chỉ nghe tiếng hát quan họ Bắc Ninh đã tập trung đầy nhà văn hóa các làng và họ thốt lên “ưng cái bụng lắm”. Đây là vùng đất đầu tiên ở Tây Nguyên có phong trào hát quan họ mạnh nhất đấy.
Gần lại nhau hơn
Ông Tạ Văn Đức nhớ lại: Cũng chính trong đêm xuân cách đây ít năm, sau khi kết thúc đêm giao lưu quan họ giữa các làng người Kinh Bắc ở Krông Năng thì nhiều già làng người Ê Đê đến tận nhà liền anh, liền chị để xin được nghe thêm nhiều lần nữa. Sau rồi họ bảo: Ca nhạc, lời nhạc của người Kinh hay lắm, ưng lắm. Nghe mãi mà cứ thích thôi. Có người còn về nhà tập hát thuộc những câu trong bài Người ở đừng về như: Ớ ơ ớ người rằng là/ Đâu í ơ hơn là hơn sóng đôi người kết/ Mà này cũng có a đâu bằng đâu bằng người đợi chúng tôi/Người ơi người ở đừng về...hay những câu ấn tượng trong bài Khách đến chơi nhà: Mấy khi khách đến chơi nhà/ Đốt than quạt nước pha trà mời người xơi/ Trà này quý lắm người ơi/ Mỗi người mỗi chén cho em vui lòng...
Liền anh Nguyễn Văn Nguyên, Chủ nhiệm CLB quan họ làng Tân Bắc tâm đắc rằng: Không chỉ truyền đi niềm đam mê cho các tầng lớp trong huyện mà chính những làng người Bắc Ninh, Bắc Giang cũng gắn bó nhau hơn. Trước kia không có quan họ chẳng ai tìm đến nhau cả. Từ những đêm hát quan họ, hát giao duyên trong dịp xuân mà thấu hiểu lòng nhau, nhận ra những đồng điệu của nhau. Từ đó tìm đến nhau đỡ đần những gian khó, kể cho nhau nghe những kinh nghiệm quý trong làm ăn, trong cách ứng xử gia đình. Hay đơn giản nhất là cách hát những bản quan họ hay và khó như: Trẩy hội lim; Bèo dạt mây trôi; Đến hẹn lại lên... Có những lời quan họ nghĩ đơn giản nhưng để luyến láy được cho hay cần chịu khó, đam mê nữa. Có lần các thanh niên chuẩn bị đua xe nhưng khi được các CLB quan họ gọi đến nghe hát, nghe những lời tâm tình thiết tha thế là hết ý định gây mất trật tự giao thông.
Nhiều mùa xuân say mê nghe các làn điệu quan họ Bắc Ninh giữa các làng thi thố, giao lưu với nhau, bà Nguyễn Thị Đông, Nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Krông Năng cũng gật gù thích thú và lên sân khấu để đong đưa theo các làn điệu của liền anh, liền chị. Bà bảo: Loại hình văn hóa này đầy hấp dẫn và kéo mọi người lại gần nhau hơn. Xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể. Chúng tôi liên tục động viên, khích lệ các liền anh, liền chị tích cực “giữ lửa” và truyền dạy quan họ cho càng nhiều người trong huyện càng tốt.
Dù chỉ là những nông dân nhưng kỹ thuật hát không thua gì những ca sĩ chuyên nghiệp.
Nên duyên từ đêm hát
Sự hấp dẫn của những làn điệu quan họ tựa mạch nước ngầm trong mát tự nhiên ngấm chảy vào tâm trí nhiều người ở Krông Năng. Từ những đêm xuân thi hát quan họ, từ những đêm cuối tuần hát đối đáp cho nhau nghe, bao đôi đã nên duyên vợ chồng bền chặt. Chính liền anh Tạ Văn Đức cũng kết duyên vợ chồng với Nguyễn Thị Liên trong những đêm cùng nhau hát đối đáp, cùng trao cho nhau những câu quan họ thấm đượm nghĩa tình. Bà Liên bảo: Tình nghĩa gia đình chúng tôi giờ luôn nồng ấm như chính những làn điệu quan họ vậy. Chẳng cãi cọ nhau bao giờ cả, giận nhau thì hát quan họ thôi. Con cái sinh ra, nó cũng thích quan họ luôn.
Từ một đêm mùa xuân hát giao duyên quan họ cách đây mấy năm và một số buổi tập luyện hát quan họ, Phan Văn Dũng ở làng Tân Bắc cũng đã thương mến và kết duyên Trần Thị Lý. Dũng bộc bạch rằng: Ở các làng quan họ trong huyện này nhiều đôi nên duyên từ quan họ lắm. Khi mình mến nhau, đối đáp nhau dường như tình ý chuyển cả vào ấy rồi. Chỉ sau mấy bài hát: Chuyến đò nghĩa tình; Đêm qua nhớ bạn; Mời trầu... mà Dũng và Lý đã thấu tỏ lòng nhau, họ chọn ngày xuân để bày tỏ lòng mình. Đến giờ đã thành vợ chồng, sinh con đẻ cái nhưng mỗi dịp Lễ, Tết cả hai vẫn say sưa đi hát quan họ cùng nhau. Tình nghĩa như nồng nàn thêm. Nguyễn Văn Tùng ở làng Lộc Yên sau khi nghe những làn điệu mượt mà: Ngả rằng là tình rằng ngả bóng í ơ ớ ơ/ Nay có í ơ trăng nay ớ ớ trăng ngà là/Em í ơ xinh là xin song bên gửi tặng/Mà này cũng có a bạn hiền là/Câu í a la câu ca anh rằng năm ơi/ Nhớ mãi là có người là người về là tang ố tang, tính tang ô là tình tang... trong bài Ngả bóng trăng ngà đúng vào đêm rằm tháng giêng do Trần Thị Thảo thể hiện. Từ đó họ thương thầm nhớ trộm nhau và kết duyên vợ chồng, mỗi khi nhớ về kỷ niệm duyên đầu họ lại mang dân ca quan họ ra hát.