1. Các thuốc điều trị sinh non
Về tổng thể, thuốc điều trị dọa sinh non được chia thành 4 loại sau:
- Thuốc giảm/cắt cơn co tử cung: Gồm các thuốc điển hình là nifedipin, salbutamol, atosiban (Tractocile).
- Liệu pháp corticoid cho thai non tháng: Nhóm thuốc này gồm có 2 loại là betamethasone và dexamethason
- Thuốc bảo vệ tế bào thần kinh thai nhi (Magie Sulfat)
- Progesteron vi hạt đặt âm đạo: Với các biệt dược như Utrogestan, Cyclogest…
2. Tác dụng của thuốc điều trị sinh non:
- Thuốc giảm/cắt cơn co tử cung: Các thuốc điển hình là nifedipin, salbutamol, atosiban (Tractocile). Tác dụng của các thuốc này đúng như tên gọi của nó, làm giảm hoặc cắt cơn co tử cung. Như đã biết, cơn co tử cung là động lực của cuộc chuyển dạ. Cắt được cơn co tử cung thì chuyển dạ có thể trì hoãn được với mục tiêu ngắn hạn là kéo dài thời gian để thuốc trưởng thành phổi có tác dụng, còn mục tiêu dài hạn là tăng tuổi thai. Mỗi ngày tuổi thai tăng thêm thì khả năng sống khi lấy ra ngoài nuôi lồng kính tăng lên 1 - 2%. Chính vì thế đây là nhóm thuốc có tác dụng cơ bản trong điều trị dọa sinh non.
- Liệu pháp corticoid cho thai non tháng: Nhóm thuốc này gồm có 2 loại là betamethasone và dexamethasone. Còn được biết đến với tên gọi trưởng thành phổi, thuốc này có tác dụng kích thích các tế bào phế nang 1 chuyển dạng thành tế bào phế nang 2, giúp sản sinh chất sulfactant có tác dụng rất quan trọng trong hô hấp ở người. Do đó, nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm tỷ lệ suy hô hấp - nguyên nhân chủ yếu gây tử vong cho các trẻ sơ sinh non tháng.
- Thuốc bảo vệ tế bào thần kinh thai nhi (Magie Sulfat): Một khi cuộc chuyển dạ không thể trì hoãn khi thai dưới 32 tuần đủ, các bác sĩ sẽ có chỉ định dùng thuốc này với mục đích bảo vệ tế bào thần kinh thai nhi, giảm thiểu phần nào nguy cơ tổn thương não ở trẻ sơ sinh non tháng.
- Progesteron vi hạt đặt âm đạo với các biệt dược như Utrogestan, Cyclogest…các thuốc này được dùng như là thuốc dự phòng cho các trường hợp có nguy cơ cao sinh non (tiền sử sinh non, đa thai, dị dạng tử cung, tiền sử can thiệp vào cổ tử cung…). Như vậy thuốc này có tác dụng dự phòng là chính, còn một khi đã có tình trạng chuyển dạ sinh non thì thuốc này về cơ bản không có nhiều tác dụng.
3. Tác dụng phụ của thuốc điều trị sinh non:
3.1. Nhóm thuốc giảm co:
- Nifedipin có các tác dụng không mong muốn như tụt huyết áp, mạch nhanh, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn… Thuốc cũng có thể gây suy thai đặc biệt khi huyết áp của mẹ tụt thấp.
- Salbutamol có thể làm tăng nhịp tim lên rất nhanh, hạ huyết áp hoặc phù phổi cấp; ngoài ra có thể gây biến chứng tăng đường huyết, hạ Kali máu ở mẹ. Ở thai, thuốc có thể làm tim thai nhanh, hạ đường huyết, hạ Kali máu.
- Atosiban (Tractocile): đây là loại thuốc có ít tác dụng phụ, hoặc các tác dụng phụ thường nhẹ: buồn nôn, nhức đầu, nhịp tim nhanh, dị ứng thuốc…
3.2. Thuốc trưởng thành phổi:
- Với mẹ: gây rối loạn đường huyết, stress trong thời gian 2 - 7 ngày sau tiêm thuốc.
- Với thai nhi: trong ngắn hạn, thuốc gây ra tình trạng stress ở thai, biểu hiện bằng tình trạng giảm cử động thai, giảm dao động nội tại trên biểu đồ nhịp tim thai và cơn co tử cung (monitoring sản khoa). Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu trên động vật thí nghiệm cho thấy thuốc có ảnh hưởng lên sự myelin hóa chất trắng hệ thần kinh và một số vùng ở não. Do đó nhiều nhà khoa học đặt ra vấn đề tác dụng không mong muốn của thuốc lên sự phát triển trí tuệ, trí nhớ, tâm lý và hành vi về lâu về dài của trẻ.
3.3. Magie Sulfat
Magie Sulfat có thể gây ra tình trạng yếu liệt cơ, giảm nhịp thở gây suy hô hấp, thiểu niệu, vô niệu. Chính vì thế sử dụng Magie Sulfat phải được theo dõi nồng độ Magie trong máu, và phải có sẵn thuốc để giải độc trong trường hợp ngộ độc thuốc.
3.4. Progesterone vi hạt đặt âm đạo
- Các thuốc này thường ít gây tác dụng phụ. Một số tác dụng phụ có thể gặp như dị ứng thuốc, tăng men gan…
4. Chống chỉ định
4.1. Các thuốc giảm co
- Nifedipin chống chỉ định cho các thai phụ có tình trạng huyết áp thấp hoặc các bệnh lý tim mạch.
- Salbutamol cũng chống chỉ định cho các trường hợp mẹ hoặc thai bị bệnh tim nặng, ngoài ra cẩn trọng cho các thai phụ mắc đái tháo đường điều trị insulin.
- Một lưu ý quan trọng là Nifedipin và Salbutamol hiện không được khuyến cáo sử dụng cho các thai kỳ đa thai do các mối lo về tác dụng phụ của thuốc lên hệ tim mạch cũng như toàn thân. Đặc biệt việc sử dụng đồng thời 2 thuốc trên càng gây nguy hiểm cho thai phụ. Trong trường hợp này, Atosiban là thuốc an toàn hơn.
4.2. Thuốc trường thành phổi: không có chống chỉ định cụ thể. Tuy nhiên cần lưu ý trong các trường hợp mẹ mắc đái tháo đường mà đường huyết không ổn định, thuốc sẽ làm nặng hơn tình trạng rối loạn đường huyết.
4.3. Magie Sulfat: chống chỉ định cho các trường hợp mẹ bị nhược cơ.
4.4. Progesterone vi hạt đặt âm đạo: chống chỉ định cho các trường hợp dị ứng thuốc.
5. Những lưu ý khi dùng thuốc điều trị sinh non
- Khi sử dụng thuốc điều trị sinh non, có một số lưu ý quan trọng cần phải xem xét để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Dưới đây là những điểm cần chú ý:
5.1. Tuân thủ chỉ định của bác sĩ:
- Chỉ sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý mua thuốc hoặc thay đổi liều lượng mà không có sự đồng ý của chuyên gia y tế.
5.2. Theo dõi tác dụng phụ:
- Cẩn thận theo dõi các triệu chứng bất thường và báo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ phản ứng phụ nào xảy ra, chẳng hạn như khó thở, chóng mặt, đau đầu dữ dội, hoặc bất kỳ dấu hiệu nào khác.
5.3. Kiểm tra thường xuyên:
- Thường xuyên đi khám và làm các xét nghiệm cần thiết để theo dõi tình trạng của mẹ và thai nhi. Điều này bao gồm kiểm tra huyết áp, đường huyết, và các chỉ số khác.
5.4. Tác động đối với thai nhi:
- Một số thuốc có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, vì vậy cần phải thảo luận kỹ lưỡng với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích khi sử dụng thuốc.
5.5. Sử dụng đúng liều lượng và thời gian:
- Đảm bảo sử dụng thuốc đúng liều lượng và thời gian như được chỉ định. Việc dùng quá liều hoặc thiếu liều đều có thể gây ra biến chứng.
5.6. Tương tác thuốc:
- Báo cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc khác đang sử dụng, bao gồm cả thực phẩm chức năng và thuốc không kê đơn, để tránh tương tác thuốc không mong muốn.
5.7. Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt:
- Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh và duy trì lối sống lành mạnh. Tránh các tác nhân gây hại như thuốc lá, rượu bia, và các chất kích thích.
5.8. Hỗ trợ tâm lý:
- Sinh non là một tình trạng căng thẳng và lo lắng. Việc nhận hỗ trợ tâm lý từ gia đình, bạn bè và các chuyên gia tâm lý có thể giúp mẹ bầu giảm bớt căng thẳng và duy trì tâm lý tích cực.
6. Tai biến y khoa liên quan đến thuốc điều trị sinh non
Tai biến y khoa liên quan đến thuốc điều trị sinh non có thể bao gồm nhiều biến chứng khác nhau. Các loại thuốc thường được sử dụng để ngăn ngừa hoặc điều trị sinh non có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Dưới đây là một số ví dụ về tai biến y khoa có thể xảy ra:
6.1. Các tác dụng phụ của thuốc giãn cơ tử cung (tocolytics):
Magnesium sulfate: Có thể gây ra yếu liệt cơ, giảm nhịp thở suy hô hấp, thiểu niệu, vô niệu có thể nguy hiểm tính mạng mẹ.
- Nifedipine: Có thể gây ra chóng mặt, đau đầu, đỏ bừng mặt, và hạ huyết áp.
- Salbutamol: Có thể gây tình trạng mạch nhanh, suy tim cấp, phù phổi cấp nguy hiểm tính mạng.
6.2. Các tác dụng phụ của corticosteroids (được sử dụng để thúc đẩy sự phát triển phổi của thai nhi):
- Corticosteroids như betamethasone và dexamethasone có thể gây ra tăng đường huyết, tăng huyết áp, và nguy cơ nhiễm trùng.
Quan trọng là phải theo dõi chặt chẽ và quản lý các tác dụng phụ này dưới sự giám sát của các chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.