1. Đông y có chữa được bệnh sinh non không?
Thuốc điều trị dọa sinh non hiện tại có thể chia thành 4 nhóm: nhóm các thuốc giảm co, liệu pháp corticoid cho thai non tháng (hay còn được gọi là thuốc trưởng thành phổi), thuốc bảo vệ não thai nhi, progesteron vi hạt đặt âm đạo có tác dụng ổn định cổ tử cung. Trong số này không có thuốc nào được chiết xuất hay sản xuất từ các cây cỏ thảo dược. Chính vì thế , cho đến hiện nay chưa thuốc Đông y nào có thể điều trị được chứng minh là có hiệu quả đối với điều trị sinh non.
2. Cách sơ cứu bệnh sinh non
Điều trị tốt nhất là nhập viện khi còn ở giai đoạn dọa sinh non, hoặc chuyển dạ sinh non ở pha tiềm tàng. Một khi chuyển dạ sinh non đã vào pha tích cực thì không còn chỉ định điều trị nữa mà chỉ có thể theo dõi chuyển dạ.
3. Chăm sóc phục hồi sinh non tại nhà sau khi ở viện về như thế nào?
Sau khi kết thúc điều trị dọa sinh non tại cơ sở y tế, điều đó cũng có nghĩa là nguy cơ sinh non đã giảm ở mức thấp, hoặc bệnh nhân không còn chỉ định điều trị giữ thai (thai đã trên 34 tuần 0 ngày). Tuy nhiên sau khi ra viện, bệnh nhân cần lưu ý những điểm sau:
- Hạn chế vận động gắng sức, đi lại nhiều hoặc các môn thể thao đòi hỏi các tư thế không phù hợp (cúi gập người, ngồi xổm…). Trong thời gian đầu sau ra viện, thai phụ nên nghỉ ngơi nhiều.
- Hạn chế quan hệ vợ chồng, tránh kích thích vào đầu vú.
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Không thức khuya, tránh các stress không cần thiết. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, uống đủ nước, tránh táo bón.
- Tái khám theo hẹn của bác sỹ.
4. Sinh non có chữa khỏi không?
Nếu được can thiệp đúng thời điểm (giai đoạn dọa sinh non hoặc chuyển dạ pha tiềm tàng) và đúng chỉ định (các thuốc, các thủ thuật) thì có thể làm chậm hoặc làm dừng tiến trình chuyển dạ sinh non. Điều này giúp kéo dài tuổi thai để thai có thể tiếp nhận thuốc trưởng thành phổi và giúp tăng tuổi thai, tăng khả năng nuôi sống trẻ sơ sinh non tháng.
5. Phụ nữ thừa cân, bị tiểu đường cần phải lưu ý gì?
5.1. Người béo phì
Thai phụ béo phì có nhiều khả năng mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường khi mang thai, bên cạnh đó là các vấn đề sức khỏe khác của mẹ như bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, huyết khối… Tất cả các vấn đề trên đều mang đến rủi ro cho thai kỳ.
5.2. Người bị tiểu đường
Tiểu đường có thể gây ra nhiều biến chứng trong thai kỳ như rối loạn chuyển hóa, thai to, đa ối, tiền sản giật. Các tình trạng đó đều là yếu tố nguy cơ gây đẻ non. Trẻ sơ sinh con của các sản phụ mắc tiểu đường cũng có nguy cơ cao mắc các tai biến sơ sinh như hạ đường huyết, suy hô hấp, vàng da, hạ calci máu…
6. Chi phí điều trị trẻ sinh non
Tùy thuộc vào tuổi thai và sức khỏe khi sinh, nói chung các trẻ sơ sinh non tháng đều phải được chăm sóc tại các cơ sở y tế chuyên khoa với các trang thiết bị đặc biệt như lồng ấp, máy thở, các phương tiện hồi sức cấp cứu… Thuốc điều trị cũng có nhiều loại như thuốc giúp phổi hô hấp tốt hơn, kháng sinh, dinh dưỡng, vận mạch…
Chi phí điều trị cho trẻ sinh non là rất lớn, gây một áp lực không nhỏ lên ngân sách và hệ thống y tế nói chung. Cho nên dự phòng và điều trị sinh non có một ý nghĩa hết sức to lớn đối với ngành sản khoa nói chung và ngành y tế nói riêng.
Khoa Sản ở bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện hoặc điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa phụ sản.