Sinh non: Nguyên nhân, dấu hiệu chẩn đoán và các biện pháp điều trị

20-06-2024 19:24 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Sinh non là hiện tượng em bé được sinh ra từ 22 tuần đến trước 37 tuần. Một thai kỳ bình thường kéo dài khoảng 40 tuần. Sinh non có thể xảy ra vì nhiều lý do và có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho trẻ sơ sinh do chưa phát triển đầy đủ.

1.Nguyên nhân gây sinh non

Sau đây là một số các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây sinh non:

  • Yếu tố từ phía mẹ: Bệnh lý mẹ như cao huyết áp, tiền sản giật, tiểu đường, bệnh tim, hoặc nhiễm trùng.
  • Yếu tố từ thai và phần phụ của thai: thai chậm tăng trưởng trong tử cung; các biến chứng trong song thai 1 bánh rau (hội chứng truyền máu song thai, thai chậm tăng trưởng chọn lọc trong tử cung…); rau tiền đạo.
  • Yếu tố từ đường sinh dục: di dạng tử cung (tử cung hai sừng, tử cung đôi…), hở eo tử cung, tiền sử can thiệp vào cổ tử cung như khoét chóp cổ tử cung, ung thư cổ tử cung…
  • Yếu tố từ lối sống: Hút thuốc, sử dụng rượu hoặc ma túy, căng thẳng quá mức.
  • Các yếu tố khác: Mang thai đôi, ba hoặc nhiều hơn, mang thai khi còn quá trẻ hoặc quá lớn tuổi, tiền sử sinh non hoặc sẩy thai nhiều lần.

Vì vậy muốn tìm nguyên nhân gây sinh non, cần phải xem xét và đánh giá lại toàn bộ bệnh lý sản phụ khoa, có những nguyên nhân về phía mẹ, về phía thai, và phần phụ của thai và có cả những nguyên nhân phối hợp.

Sinh non: Nguyên nhân, dấu hiệu chẩn đoán và các biện pháp điều trị- Ảnh 1.

Chăm sóc trẻ sinh non ở bệnh viện Sản nhi Nghệ An.

    2. Dấu hiệu dọa sinh non

Doạ sinh non có các triệu chứng và dấu hiệu sau:

  • Ra máu hoặc nhầy hồng âm đạo.
  • Đau bụng dưới âm ỉ liên tục hoặc xuất hiện cơn co tử cung đều đặn, tăng dần.
  • Khám bằng tay hoặc mỏ vịt thấy cổ tử cung hở, hoặc xóa mở cổ tử cung, qua đó có thể thấy màng ối và các phần thai nhi.

    3. Chẩn đoán qua cận lâm sàng

Bên cạnh dựa trên việc hỏi bệnh sử, tiền sử khai thác các triệu chứng kể trên cũng như khám âm đạo tìm các các dấu hiệu của sinh non, bác sĩ sẽ đề nghị một số xét nghiệm để xác định chẩn đoán cũng như đánh giá tình trạng mẹ, thai và các phần phụ của thai:

  • Xét nghiệm fetal Fibronectin (fFN): có trong dịch tiết cổ tử cung, âm đạo tìm thấy ở những thai phụ sinh non. fFN đóng vai trò như một chất kết dính sinh học giúp cho màng bào thai dính chặt vào tử cung. Khi fFN (+) có thể liên quan với tăng nguy cơ sinh non vì nó gợi ý rằng chất kết dính này đã tan rã trước thời hạn và báo động sự chuyển dạ có thể xảy ra.
  • Siêu âm: Đo chiều dài kênh cổ tử cung được xem như là một yếu tố tiên lượng và chẩn đoán sinh non. Siêu âm ngả âm đạo đo chiều dài kênh cổ tử cung là một phương pháp dễ làm. Test này hữu ích nhất khi đánh giá những thai phụ có nguy cơ cao như tiền sử sinh non, bất thường ở cổ tử cung, khoét chóp cổ tử cung hoặc có làm các thủ thuật can thiệp trên cổ tử cung.
  • Monitoring sản khoa: cho phép theo dõi, đánh giá tần số, độ dài, cường độ cơn co tử cung và tim thai.
  • Siêu âm thai: đánh giá tình trạng thai nhi và các phần phụ của thai như bánh nhau, dây rốn, nước ối.
  • Một số xét nghiệm khác: công thức máu, sinh hóa máu, nước tiểu…
Sinh non: Nguyên nhân, dấu hiệu chẩn đoán và các biện pháp điều trị- Ảnh 2.

Chăm sóc sản phụ tại bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

    4. Các biện pháp phòng ngừa sinh non

Chuyển dạ sinh non là điều đáng sợ với mọi bà mẹ, vì vậy các biện pháp đơn giản dưới đây sẽ giúp mẹ bầu có thể phòng ngừa sinh non hiệu quả:

  • Nhận biết các yếu tố nguy cơ sinh non của bản thân: tiền sử sinh non hoặc sẩy thai muộn; tuổi quá trẻ hoặc quá lớn; tử cung dị dạng hoặc tiền sử can thiệp vào cổ tử cung; mang đa thai…
  • Khám thai theo hẹn của bác sĩ. Đo chiều dài cổ tử cung khi thai từ 16 - 24 tuần để có biện pháp can thiệp kịp thời nếu cổ tử cung ngắn.
  • Khi có yếu tố nguy cơ sinh non: tránh các công việc nặng nhọc, các tư thế vận động không hợp lý (cúi gập người, ngồi xổm, đứng lên ngồi xuống nhiều…); tránh quan hệ vợ chồng, đặc biệt tránh kích thích vào đầu vú.
  • Giữ thói quen sống tốt: tránh rượu bia, chất kích thích; tránh thức khuya và các stress không cần thiết; chế độ dinh dưỡng: uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, tránh táo bón, tỷ lệ thực phẩm hợp lý, cân đối.
  • Khám thai đều đặn theo hẹn của bác sĩ: Nhập viện ngay khi có các dấu hiệu dọa đẻ non.

    5. Các biện pháp điều trị chuyển dạ sinh non

Mục đích của việc điều trị sinh non là để trì hoãn cuộc chuyển dạ nếu được, cho đến khi thai đủ trưởng thành trong khi tình trạng sức khỏe của mẹ và thai vẫn được đảm bảo.

  • Đánh giá đúng nguy cơ sinh non. Tránh nhập viện các trường hợp không có nguy cơ sinh non cao.
  • Điều trị cắt cơn co là điều trị căn bản do cơn co tử cung là động lực của cuộc chuyển dạ. Trì hoãn cuộc chuyển dạ để đủ tác dụng của liệu pháp corticoid trước sinh. Trong trường hợp không thể trì hoãn chuyển dạ ở các thai dưới 32 tuần đủ: dùng Magie Sulfat để bảo vệ tế bào não thai nhi.
Sinh non: Nguyên nhân, dấu hiệu chẩn đoán và các biện pháp điều trị- Ảnh 3.

Nhận biết rõ dấu hiệu dọa sinh non để kịp thời thông báo với bác sĩ.

Điều trị cụ thể:

  • Nghỉ ngơi tại giường tùy mức độ bệnh, tránh căng thẳng, lo lắng, tránh táo bón.
  • Thuốc giảm - cắt cơn co tử cung: Các thuốc giảm gò đang được sử dụng hiện nay tại các đơn vị sản khoa như: Nifedipin, Salbutamol, Atosiban (Tractocile). Cần lưu ý răng các nhóm thuốc giảm co này hiện tại chưa được chứng minh là thuốc nào có hiệu quả vượt trội hơn thuốc nào.
  • Liệu pháp corticoid trước sinh: Hỗ trợ trưởng thành phổi bằng corticoid tốt nhất khi tuổi thai từ 28 - 34 tuần và khi thai có nguy cơ sinh non trong vòng 7 ngày. Các trường hợp khác tùy vào từng tình huống cụ thể mà bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân và người nhà về việc sử dụng thuốc.
  • Khi việc điều trị giữ thai không kết quả mà thai dưới 32 tuần đủ: sử dụng Magie Sulfat để bảo vệ tế bào thần kinh thai nhi nếu còn đủ thời gian.
  • Phối hợp với bác sĩ sơ sinh để chuẩn bị phương tiện hồi sức và điều trị trẻ sơ sinh non tháng. Trong cuộc đẻ: tránh sang chấn cho thai: bảo vệ đầu ối đến khi cổ tử cung mở hết, hạn chế sử dụng oxytocin, cắt tầng sinh môn rộng, mổ lấy thai nếu có chỉ định.
  • Chống nhiễm khuẩn nếu ối vỡ sớm, dự phòng sót rau, chảy máu sau sinh.

Sinh non có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh như suy hô hấp, nhiễm trùng sơ sinh sớm, viêm ruột hoại tử, xuất huyết não, và các vấn đề về phát triển sau này. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị kịp thời là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Cho đến nay sinh non vẫn còn là một thách thức lớn đối với cả gia đình và hệ thống y tế.

Tuy nhiên, với sự chăm sóc y tế hiện đại và nhận thức đúng đắn, nhiều trẻ sinh non đã vượt qua khó khăn ban đầu và phát triển khỏe mạnh. Việc tăng cường chăm sóc thai kỳ, hỗ trợ dinh dưỡng và y tế cho trẻ sinh non sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe cộng đồng.

Cứu sống bé sinh non có nội tạng nằm ngoài ổ bụngCứu sống bé sinh non có nội tạng nằm ngoài ổ bụng

SKĐS - Ngay từ khi sinh ra đã không có cân cơ, da thành bụng, nội tạng nằm hết bên ngoài khiến mọi người nghi ngờ sự sống của bé sơ sinh con chị T.N.Q.N. (trú tại Hương Khê, Hà Tĩnh) khó có thể níu giữ.



ThS. Bs. Bùi Sơn Thắng
Khoa Sản bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn