Theo các chuyên gia y tế, trình độ y học là yếu tố quan trọng quyết định đến việc cứu sống và nuôi dưỡng trẻ sinh non. Tại Việt Nam, nhiều năm trở lại đây có những ca bệnh kỳ tích, đã có nhiều trẻ sinh cực non đã nuôi dưỡng thành công nhờ sự tiến bộ của y học, cùng sự hỗ trợ của trang thiết bị tân tiến, nhiều phác đồ hiện đại được xây dựng, giúp giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở trẻ đẻ non.
Ca bệnh gần đây nhất tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sản phụ L.T.T (32 tuổi, Thanh Hóa), có tiền sử sản khoa nặng nề, từng sảy thai và sinh non nhiều lần, lần mang thai này là lần thứ 7. Trong thai kỳ, chị T. bị tiền sản giật nặng, thai nhi có tình trạng suy dinh dưỡng trong tử cung, cạn ối.
Từ tuần thai 21, các bác sĩ đã chỉ định truyền ối cứu thai nhi. Đến tuần 26, tình trạng tiền sản giật của người mẹ ngày càng nặng nề, thai nhi đối diện nguy cơ mất tim thai nên gia đình có nguyện vọng đình chỉ thai nghén với mục đích chính là cứu người mẹ.
Để chuẩn bị cho em bé ra khỏi bụng mẹ, mọi thứ đều được chuẩn bị tốt, bác sĩ sơ sinh sẵn sàng đón bé, máy thở cũng được chuẩn bị sẵn. Sản phụ được gây chuyển dạ sinh thường và em bé được sinh ra trong 1 hình hài nhỏ xíu, chỉ nặng 400g.
Trong quá trình hồi sức sơ sinh ngay tại phòng sinh, các bác sĩ đã giải thích với gia đình để xác định tâm lý rằng em bé khó có thể qua khỏi. Sau khi được bóp bóng hồi sức tích cực 20 phút, da bé đã hồng hơn, bé có phản xạ tay chân, mở mắt. Bé nhanh chóng được chuyển về Khoa Sơ sinh nằm lồng ấp, một cuộc hành trình bền bỉ bắt đầu.
Thông thường trẻ sinh non ở tuần thai 26 có cân nặng khoảng 600-700g, tuy nhiên con bị suy dinh dưỡng chỉ nặng 400g, lọt thỏm trong lòng bàn tay của các bác sĩ. Nhưng may mắn về hô hấp, bé không cần thở máy xâm nhập mà chỉ cần thở CPAP 1,5 tháng rồi chuyển thở oxy.
Với một cơ thể quá bé như vậy, việc lấy ven vô cùng khó khăn nên con được truyền dịch nuôi dưỡng bằng kỹ thuật longline, đặt tĩnh mạch rốn và động mạch rốn để thuận tiện cho việc xét nghiệm. Trong quá trình điều trị, có lần con bị nhiễm khuẩn nặng, phải điều trị 1 đợt kháng sinh. May mắn là trẻ đáp ứng thuốc và qua được giai đoạn nhiễm khuẩn nặng nhất. Trẻ sinh non thường có tình trạng thiếu máu nên con được truyền máu định kỳ 3 tuần/lần. Được các bác sĩ, các cô điều dưỡng, hộ sinh tận tình chăm sóc, cứ thế tiếp nối mỗi ngày, tình trạng sức khỏe của con được cải thiện dần.
2 tháng sau, cân nặng trẻ tăng lên 1.200g, khi tình hình sức khỏe ổn định khá tốt về mọi mặt, con được chuyển ra ngoài để được ấp Kangaroo với mẹ như các em bé khác.
Từ ngày được cảm nhận hơi ấm, tình yêu thương trong vòng tay mẹ, con phát triển rất nhanh và ổn định. Sau 4 tháng điều trị, bé gái ngày nào còn thoi thóp trong lồng ấp, nay đã phát triển bình thường với cân nặng 2,1kg và có thể tự bú mẹ.
Đây là trường hợp em bé non tháng có cân nặng nhỏ nhất tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được cứu sống. Để có được cuộc lội dòng ngoạn mục đó chính là những tháng ngày chiến đấu thầm lặng với biết bao cố gắng, kiên nhẫn, bền bỉ của các bác sĩ, điều dưỡng tại Khoa Sơ sinh.
Trước đó, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng công bố nuôi dưỡng thành công trẻ sinh non người nước ngoài chỉ nặng 400 - 500g, ở tuổi thai 25 tuần 6 ngày.
Chào đời khi còn quá non tháng, một số bé trọng lượng chỉ nặng 400 - 500g, lọt thỏm trong hai lòng bàn tay người lớn nhưng các bé đều sống sót, một phần nhờ vào sự chăm sóc tận tình của các y - bác sĩ.
Massage sớm mang đến nhiều lợi ích cho trẻ sinh non, nhẹ cân
Các bác sĩ cho biết, đây là ca sinh non rất đặc biệt, khó khăn nhất trong các ca sơ sinh được cứu sống của các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bởi thai nhi chậm phát triển trong tử cung, còn người mẹ bị tiền sản giật và từng có 4 lần mang thai ở nước ngoài không thành công.
Được biết, thai phụ 34 tuổi, quốc tịch Canada, có thai thứ 5, do có người thân ở Việt Nam nên trở về quê hương theo dõi thai kỳ. Khi thai được 25 tuần 6 ngày tuổi, người mẹ có dấu hiệu tiền sản giật và suy thai nên các bác sĩ đã quyết định mổ lấy thai.
Từ một bé trai sinh non nhẹ cân, đến khi xuất viện bé đã phát triển bình thường theo đúng độ tuổi, nặng 2 kg. Trẻ tự thở khí trời, có phản xạ bú tốt và cũng đã biết cười tự phát. Kết quả siêu âm tim, siêu âm qua thóp chưa phát hiện bất thường. Bế con trên tay, người mẹ hạnh phúc nghẹn ngào vì ngỡ như một giấc mơ.
Cũng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, một cặp song sinh sinh non ở tuần thứ 25 nặng 500g/bé đã được nuôi dưỡng thành công.
Sau gần 5 tháng sau khi chào đời, cả 2 bé đã phát triển như trẻ cùng lứa tuổi, bé gái nặng 3,1 kg, bé trai nặng 3,6 kg. Đánh giá các chỉ số cho thấy 2 trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, chưa có biểu hiện bất thường.
Đặc biệt hơn, tháng 9/2021, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã cứu sống và nuôi dưỡng thành công bé gái sinh non ở tuần thai thứ 27, chỉ nặng 400g. Đến nay, đây là trường hợp trẻ sơ sinh nhẹ cân nhất được cứu sống ở Việt Nam.
PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, người mẹ của bé sơ sinh này bị tiền sản giật, suy thai. Đây là bệnh lý nguy hiểm nên nếu có yếu tố đe dọa tính mạng người mẹ, buộc phải đình chỉ thai nghén. "Thời điểm em bé được sinh ra, nặng 400 g, chân bé nhỏ chưa bằng ngón tay út của người lớn nhưng sau 3 tháng 9 ngày, bé đã nặng 1,8 kg, tự thở khí trời, ăn sữa đạt 200 ml/ngày. Quả thực chúng tôi không dám nghĩ em bé hồi phục diệu kỳ như vậy" - PGS.TS Trần Danh Cường bày tỏ.
PGS Cường cũng nhắn nhủ những người mẹ nếu không may có nguy cơ sinh non, sinh non, em bé được 27-28 tuần thai, nặng dưới 1000gram đừng từ bỏ, đừng vội buồn bã buông xuôi, hãy quyết tâm và cùng bệnh viện chăm sóc để tìm cơ hội sống cho em bé. Cuộc sống luôn có những may mắn và khi thêm những nỗ lực, hạnh phúc có thể mỉm cười với tất cả mọi người.
Trẻ sinh non bao nhiêu tuần thì an toàn?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), sinh non phân thành 4 nhóm. Trẻ sinh trước 28 tuần tuổi là sinh cực non tháng. Trẻ sinh từ 28-31 tuần 6 ngày tuổi là sinh rất non tháng. Trẻ sinh từ 32 tuần - 33 tuần 6 ngày gọi là sinh non vừa. Bé sinh từ 34 tuần - 36 tuần 6 ngày, sinh non muộn.
Hiện nay, tỷ lệ sống sót của trẻ sinh non sẽ khác nhau ở các tuổi thai và tùy trung tâm. Theo báo cáo của Viện quốc gia về Sức khỏe trẻ em và Phát triển con người của Mỹ (NICHD), trẻ sinh non dưới 24 tuần tuổi có ít cơ hội sống sót, tỷ lệ sống sót cho đến khi xuất viện của trẻ 22 tuần là 6%, 23 tuần là 26%. Trong trường hợp trẻ sống được lại đối mặt với nguy cơ gặp biến chứng suốt đời, đặc biệt là di chứng não từ trung bình đến nặng lên đến 69%. Vì vậy, một số trung tâm chọn mốc tuổi thai 24 tuần là ngưỡng an toàn để cứu sống.
Trẻ sinh non sau 24 tuần tuổi có tỷ lệ sống cao hơn, bé sinh ở tuần thứ 26 có cơ hội sống sót khoảng 78%. Tuy nhiên, theo dõi cho thấy có 4/10 trẻ sinh non sống ở tuần thai này sẽ gặp các vấn đề về hô hấp, thị lực, thính lực, chậm phát triển trí tuệ so với trẻ đủ tháng.
Trẻ sinh non sau 28 tuần tuổi có khả năng sống sót lên đến 80-90%. Tuy nhiên, khoảng 10-20% nguy cơ có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe lâu dài như vấn đề hít thở, nhiễm trùng, vấn đề liên quan huyết học, tiêu hóa...
Trẻ sinh non từ 30-32 tuần tuổi tỷ lệ sống sót lên đến 95%, các nguy cơ gặp phải trong vấn đề sức khỏe lâu dài cũng giảm đáng kể. Bé chào đời khi đủ 34-36 tuần tuổi có tỷ lệ tử vong rất thấp (2,8-7,1/1000 trẻ sinh sống), khả năng khỏe mạnh bình thường, 3-10% có vấn đề về hô hấp. Trẻ vẫn còn gặp khó khăn về ăn uống, cần phải theo dõi về vàng da, tăng trưởng, phát triển.
Thực tế, trẻ sinh non bao nhiêu tuần thì an toàn và nuôi được phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cân nặng khi sinh, giới tính của trẻ, sinh đơn hay sinh đôi, tùy theo khả năng hồi sức sơ sinh của từng trung tâm. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ có cân nặng trên 1.000 gram thì cơ hội sống sót lên đến 90%. Ngoài ra, yếu tố như gen di truyền, tình trạng sức khỏe, bệnh lý mắc phải của mẹ (bệnh tim mạch, huyết áp...) hoặc biến chứng xảy ra khi sinh cũng ảnh hưởng đến trẻ.