GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh như trên tại Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Khoa Hồi sức Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai sáng 15/9.
Mô hình bệnh tật thay đổi, đòi hỏi không ngừng phát triển chuyên môn
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hồi sức cấp cứu là một trong những chuyên ngành gian nan, nhưng luôn có những cơ hội tốt để trở thành tiên phong trong việc triển khai áp dụng khoa hoc kỹ thuật. Để đáp ứng được nhu cầu to lớn về khám sức khỏe người dân và điểm tựa cho các chuyên ngành khác triển khai các kỹ thuật phức tạp, chuyên sâu, các bệnh viện cần có các khoa hồi sức vững mạnh.
Trong giai đoạn hiện nay, mô hình bệnh tật có nhiều thay đổi, song song với các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi còn có nhiều bệnh không truyền nhiễm, các tình trạng sức khỏe khẩn cấp, thiên tai, thảm họa… đang là mối đe dọa sức khỏe trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân vì đó cũng tăng lên đáng kể.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay, thực tế này đòi hỏi mỗi một chuyên ngành cần nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển chuyên môn kỹ thuật, hội nhập quốc tế.
"Đối với công tác khám chữa bệnh nói chung và chuyên ngành hồi sức cấp cứu mà cụ thể hiện nay gồm: hồi sức tích cực, chống độc, cấp cứu và đột quỵ, nhu cầu lại càng lớn, càng quan trọng trong điều kiện công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng còn nhiều khó khăn" - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, có thể thấy rõ vai trò của những trung tâm hồi sức tại các bệnh viện trung ương hay bệnh viện dã chiến. Nổi bật nhất tại khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, đã cứu sống hàng ngàn người mắc, đưa họ từ cõi chết trở về...
Những chiến sĩ tuyến đầu và cũng là cuối cùng trong cuộc chiến với tử thần
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện hiện có hơn 3.000 giường bệnh và hơn 200 giường hồi sức, cấp cứu ở tất cả các khoa/ trung tâm... , trong đó 4 đơn vị chủ lực là Trung tâm Cấp cứu, Trung tâm Hồi sức tích cực, Trung tâm Chống độc và gần đây là Trung tâm Đột Quỵ với tổng số gần 500 nhân viên, hàng ngày đã và đang điều trị cho hàng trăm người bệnh nặng.
Bên cạnh công việc điều trị trực tiếp các người bệnh nặng tại Bệnh viện, các thầy thuốc ở đây còn tham gia trực tiếp vào công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến và hỗ trợ từ xa cho các đơn vị hồi sức, cấp cứu khác ở các địa phương trong mọi tình huống, đặc biệt là các thảm họa.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bày tỏ, nhìn lại lịch sử 45 năm trước, khởi đầu là Tổ Hồi sức cấp cứu, tiếp đó là Khoa Hồi sức cấp cứu A9 chỉ với 4 giường bệnh nhưng các thầy/cô đã làm nên những kỳ tích đặc biệt. Không chỉ là những chiến sĩ nơi chiến tuyến đầu tiên và cũng là cuối cùng trong cuộc chiến với tử thần, các thầy/cô đã định hướng, xây dựng khoa thành những chuyên ngành rất sâu như hiện nay và qua đó lan rộng đến các địa phương, bệnh viện khác trong cả nước.
Hệ thống Hồi sức - Cấp cứu - Chống độc và Đột quỵ ngày nay hiện đại, có nhiều thành tích chính là nhờ vào sự nỗ lực không ngừng của tập thể các thầy thuốc của Hồi sức cấp cứu A9 hàng chục năm trước.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, các bậc tiền bối, các thầy/cô đã khai phá, mở đường, phát triển và nâng tầm chuyên ngành này như: GS Đỗ Đình Địch, GS Vũ Văn Đính, GS Nguyễn Thị Dụ, GS Nguyễn Gia Bình, GS Phạm Duệ, PGS.TS Nguyễn Đạt Anh,… và gần đây nhất là PGS.TS Nguyễn Văn Chi, PGS.TS Đặng Quốc Tuấn. Các thầy/cô là tấm gương sáng, là cây đa, cây đề và là điểm tựa vững chắc cho các thế hệ thầy thuốc của chuyên ngành hồi sức cấp cứu ngày càng phát triển.
PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết thêm, trong thời gian tới, với định hướng của Ban Giám đốc và chuyên gia về hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục là đơn vị đi đầu trong các lĩnh vực mũi nhọn. Vì vậy, cập nhật các kiến thức về hồi sức, cấp cứu, chống độc và đột quỵ là một trong những nội dung thiết yếu và thường xuyên đối với các thầy thuốc.
"Bộ Y tế mong muốn và tin tưởng những kết quả đã đạt được của Khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai trong 45 năm qua sẽ được nhân rộng khắp các địa phương, đem đến nhiều cơ hội được sống cho những người không may gặp bệnh hiểm nghèo hoặc gặp tình trạng nguy hiểm về sức khỏe. Bộ Y tế sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa cho chuyên ngành hồi sức cấp cứu để chuyên ngành ngày càng lớn mạnh, sánh ngang với các nước trong khu vực và trên thế giới" - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Đối với 4 trung tâm thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Thứ trưởng yêu cầu Bệnh viện cần quan tâm hơn nữa, có những giải pháp cụ thể phát triển các trung tâm, đồng thời có đề xuất cụ thể với lãnh đạo Bộ để có định hướng phát triển chuyên môn trong giai đoạn tới không chỉ tại Bệnh viện mà là trong toàn ngành y tế.