Hà Nội

Thứ trưởng Bộ Y tế: Cần xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm

21-05-2024 16:59 | Y tế

SKĐS - Các bộ, ngành, các địa phương cần tăng cường thanh, kiểm tra từ điều kiện cơ sở, trang thiết bị, con người, đặc biệt là việc tuân thủ, chấp hành các quy định đối về an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm...

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nhấn mạnh nội dung này khi phát biểu kết luận hội nghị toàn quốc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm do Bộ Y tế tổ chức hôm nay, 21/5 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến nối điểm cầu Bộ Y tế với hàng trăm điểm cầu trên toàn quốc.

"Vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm hết sức quan trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, mà còn ảnh hưởng đến tình hình đảm bảo trật tự an sinh xã hội của một địa phương. Chúng ta không đánh đổi sức khỏe lấy kinh tế"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói và nhấn mạnh thêm: Việc đảm bảo an toàn thực phẩm liên quan đến nhiệm vụ của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương và của toàn dân chứ không chỉ của ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hay Công Thương.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Cần xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Việc đảm bảo an toàn thực phẩm liên quan đến nhiệm vụ của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương và của toàn dân chứ không chỉ của ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hay Công Thương.

Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới....

Cùng đó, thực hiện phân công trách nhiệm, chuẩn bị sẵn kế hoạch, phương án của Ban chỉ đạo về xử lý, điều tra, khắc phục ngộ độc thực phẩm. Người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Các địa phương, các bộ, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, từ điều kiện cơ sở, trang thiết bị, con người, đặc biệt là việc tuân thủ, chấp hành các quy định đối với nguyên liệu thực phẩm, nguồn nước sử dụng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo phân cấp quản lý và thông tin rộng rãi kết quả xử lý để cảnh báo cho cộng đồng.

"Không để xảy ra tình trạng cơ sở lợi dụng có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do ngành nông nghiệp, công thương cấp theo quy định nhưng lại thu gom các nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ để cung cấp cho bếp ăn tập thể các công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh. Thứ trưởng cũng yêu cầu cần tuyên truyền thường xuyên nâng cao nhận thức của người dân để chọn thực phẩm an toàn.

Ngành nông nghiệp, công thương tăng cường kiểm soát các sản phẩm nông sản: thịt, rau, củ, quả... và các sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

Đối với các Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất cần yêu cầu các doanh nghiệp, nhà máy, phân xưởng... kiên quyết không ký hợp đồng với các cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định cung cấp nguyên liệu, cung cấp suất ăn, dịch vụ ăn uống...

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các cơ quan, công ty, trường học, đơn vị.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Cần xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm- Ảnh 2.

Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công An phát biểu tại hội nghị.

Hơn 3.700 vụ vi phạm an toàn thực phẩm trong 5 tháng đầu năm

Chia sẻ tại hội nghị, Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho biết trong 5 tháng đầu năm 2024, lực lượng phòng chống tội phạm về môi trường phát hiện hơn 3.700 vụ vi phạm an toàn thực phẩm, tăng 44% so với 6 tháng cuối năm 2023.

Từ các vụ việc này, Thiếu tướng Minh Nguyệt cho hay có nhiều vấn đề nổi lên về an toàn thực phẩm như: Vi phạm quy định an toàn thực phẩm của cơ sở nhỏ lẻ, đặc biệt là thức ăn đường phố; Thực trạng kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc ở cổng trường học, các khu công nghiệp với đối tượng là học sinh, công nhân phức tạp, chưa được kiểm soát chặt chẽ.

"Tại Hà Nội, chỉ riêng một lần kiểm tra tại quận Bắc Từ Liêm, đã phát hiện tại cổng Trường tiểu học Đức Thắng và Mầm non Sao Mai bày bán hơn 1.700 mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ"- Thiếu tướng Minh Nguyệt dẫn chứng.

Cùng đó Thiếu tướng Nguyệt cho hay tình trạng buôn bán, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm cho người già, trẻ em trên mạng xã hội diễn ra khá phức tạp.

"Ở địa phương, các cơ quan được phân công không đồng nhất và có sự đan xen. Quản lý cơ sở sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ còn chưa hiệu quả"- Thiếu tướng Minh Nguyệt bày tỏ.

Công bố nguyên nhân vụ ngộ độc ở Vĩnh Phúc khiến hơn 300 người phải nhập việnCông bố nguyên nhân vụ ngộ độc ở Vĩnh Phúc khiến hơn 300 người phải nhập viện

SKĐS - Ông Lê Hồng Trung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đến sáng 21/5 không còn bệnh nhân nào trong vụ ngộ độc thực phẩm nằm viện và đã có kết quả kiểm nghiệm thực phẩm của cơ quan chức năng...

Thái Bình/Ảnh: Trần Minh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn