Thư Sài Gòn (số 9): Mong Sài Gòn 'đi ngang' và 'đi xuống'

03-08-2021 12:44 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Chưa bao giờ ta mong cho Sài Gòn "đi ngang" và "đi xuống" như bây giờ. Thời gian qua, lòng ta như lửa đốt khi thấy Sài Gòn có lượng người bị dương tính tăng cao từng ngày. Và, cũng khấp khởi mừng mỗi khi nhận tin số người nhiễm COVID-19 đã dừng lại và đang có chiều hướng đi xuống

Đến Sài Gòn, nhắc lại kỷ niệm đầu tiên

Một Sài Gòn mang ấn tượng của riêng mình với bấy nhiêu kỷ niệm được cất giữ trong ký ức bộn bề. Có lẽ, phải nhắc lại kỷ niệm đầu tiên của tôi với Sài Gòn, thời gian đã cách xa hơn hai thập kỷ. Mùa hè năm 2000. Lần đầu tiên tôi đặt chân lên Sài Gòn, dĩ nhiên tên gọi mới là TP. Hồ Chí Minh. 

Sài Gòn - Hồ Chí Minh, thành phố phương Nam chan hòa ánh nắng, những con đường rợp bóng cây và có vẻ như lúc nào, bao giờ cũng tuôn chảy ào ạt. Dòng đời hầu như chẳng ngưng nghỉ trong ánh ngày, trong bóng đêm với những gam đời trái ngược: Lộng lẫy và u ám, đài các và lầm than, tưng bừng và lặng lẽ…

Thư Sài Gòn (số 9): Bình yên sẽ trở lại với thành phố yêu thương - Ảnh 1.

Bằng lăng tím trên đường phố Sài Gòn.

Tôi đến Sài Gòn, nghỉ lại ở đây vài ngày trước khi lên tàu ra quần đảo Trường Sa. Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm, lúc này là Trưởng Văn phòng đại diện Tạp chí Văn nghệ quân đội ở thành phố Hồ Chí Minh. Anh về Nhà số 4 với tôi cùng đợt, đầu năm 1997; tôi ở Hà Nội làm biên tập viên Ban Thơ, anh vô thành phố Hồ Chí Minh phụ trách Văn phòng đại diện của Tạp chí. Sáng mai, tôi sẽ lên tàu vượt biển ra Trường Sa thì tối nay Đỗ Viết Nghiệm trao cho tôi một tập photo tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn. Đỗ Viết Nghiệm cười cười với tôi: "Chú em đọc đi nhé. Không phải ai cũng có bản thảo này để đọc đâu…".

Tôi thức trắng đêm để đọc Chuyện kể năm 2000.  Và miên man nghĩ về phận người, hạnh phúc gặt hái được chẳng dễ dàng gì nếu như không muốn nói là phải trải qua muôn nỗi nhọc nhằn, xô dạt. Văn chương viết về nỗi đau, của con người chẳng có gì sai trái cả bởi ai rồi cũng được nếm trải nó vì đời vốn là bể khổ. Kiếm được miếng cơm, manh áo trên cõi đời này không dễ, cất dựng được một ngôi nhà càng khó hơn và có được sự bình yên thanh thản là điều vô cùng khó. Sống là đối mặt với muôn vàn thử thách cam go. Chiến tranh. Thiên tai. Dịch bệnh. Thử thách thường nhật là phải đối diện với cái ác, cái xấu diễn ra hàng ngày, bên cạnh ta và ngay chính trong ta.

Thư Sài Gòn (số 9): Bình yên sẽ trở lại với thành phố yêu thương - Ảnh 2.

Bằng lăng Sài Gòn tím trời.

Sáng mai, con tàu Ti Tan của Quân chủng Hải quân rời Tân Cảng để bắt đầu hải trình đến với Trường Sa. Sông Sài Gòn sóng dợn nhấp nhô, những đám lục bình lá xanh hoa tím lênh đênh trôi theo dòng chảy mênh mang. Cái màu tím lục bình ấy giăng mắc vào tôi nỗi buồn man mác. Sau này, khi viết bài thơ Lục bình phương Nam cái man mác buồn ấy vẫn chưa vơi trong tôi. Vời xa cái chốn cung đình / này cưng Nam Bộ thiệt tình với ta / lục bình một nửa là hoa / nửa như châu thổ câu ca tím buồn…

Tôi quá giang tím lục bình về với châu thổ Chín Rồng, gặp khăn rằn quàng vai hờ hững, chạm chênh chao cải lương, vọng cổ để rồi vướng víu vào một phiêu bồng nào đó cuối trời. Thuở ấy, thiên hạ mới chỉ biết cúm mùa chứ COVID-19 còn đang ở một chốn nơi nào xa lắm. Phải chăng, đời người sống tới đâu biết đến đó, như cái sự nổi nênh mang tên lục bình vậy.

Năm 2000, làm sao tôi dự cảm được 21 năm sau, Sài Gòn phải gồng mình chống chọi lại đại dịch vô cùng nguy hại được đặt tên COVID-19. Hàng nghìn người dương tính, hàng trăm người bị tử vong và ta thấy một "Sài Gòn ốm nặng". 

Vẫn biết rằng COVID-19 là họa lớn của nhân loại trong đó có Việt Nam nhưng khi thấy Sài Gòn chật vật chống đỡ thứ giặc dữ vô hình trong thời gian qua và hiện nay mà thương cảm và lo âu quá. Một Sài Gòn đông đúc, ồn ã đến ngợp thở bỗng nhiên ắng lặng tới thẫn thờ, ngơ ngác. Một Sài Gòn giãn cách chưa từng có trong lịch sử. Đường phố, công viên…vắng ngắt. Nhìn bề ngoài, thành phố như đang bất động. Sự yên lặng đáng ngại và chẳng ai mong như thế cả.

Cũng như một số vùng miền khác đang là điểm nóng của đại dịch, Sài Gòn năng động đang bị chững lại. Phải chấp nhận thôi. Câu Người tính không bằng trời tính có lẽ chẳng mấy khi sai. Yếu tố Thiên thời bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu trong các tính toán, dự định. Nhưng tôi nghĩ, con người luôn biết cách lo liệu cho mình. Sài Gòn cũng vậy, sẽ biết cách vượt qua để tồn tại và phát triển trong hoàn cảnh này. Ông cha khuyên: Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo và đúc kết: Trong cái khó ló cái khôn. Tôi tin Sài Gòn biết cách điều chỉnh, đổi mới, sắp xếp lại cuộc sống và sản xuất phù hợp với thời COVID-19. Sống là phải biết chấp nhận để tồn tại. 

Thời COVID-19 cho ta những bài học cần thiết, trong đó có sự ứng xử con người - con người, con người - thiên nhiên vô cùng thiết thực. Hóa ra, trong đại dịch này thì ai cũng như ai, người giàu người nghèo đều có thể khóc và sau những bươn chải, mưu tính dằng dặc chúng ta phải ngẫm ra rằng: sống trên đời cần có một tấm lòng. Nói cụ thể hơn là tấm lòng yêu thương. Yêu thương sẽ cho ta tất cả. Vì thế nó có giá trị cao nhất trong xã hội loài người.

Tôi thương Sài Gòn hơn...

Tôi thương Sài Gòn hơn khi Thành phố rưng rưng nói lời cảm ơn khi nhận những món quà quê muôn nơi gửi tới trong những ngày dịch dữ tung hoành vừa qua. Cân gạo, quả bí, bó rau, nắm sả, củ gừng… của người quê làm ấm lòng người thành đô Sài Gòn thời cách ly, giãn cách. Vẫn là cái tình Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng… Và không thể không nhắc đến những đội quân tình nguyện, trong đó có các thầy thuốc dũng cảm và tận tâm đã nối tiếp nhau tiến về Sài Gòn, giúp sức cho thành phố dập dịch.

Thư Sài Gòn (số 9): Bình yên sẽ trở lại với thành phố yêu thương - Ảnh 4.

Tháng 5 trên cánh đồng hoa bình lục tím.

Chúng ta đang được sống trong những ngày tử tế, lòng nhân ái của người Việt được thể hiện rất rõ nét và cực kỳ sinh động. Chúng ta không nói đến anh hùng dũng sĩ, không hào hùng chiến công kỳ tích mà chỉ nói đến lòng người. Lòng người Việt hướng về Sài Gòn, hướng về những điểm nóng của đại dịch với những việc làm cụ thể thiết thực nhất cho đồng bào. Yêu thương, nhân từ, có trước có sau là phẩm tính cơ bản của người Việt. Tôi vẫn hằng tin vào điều đó như tin dân tộc Việt cao cả, đẹp đẽ. Tôi không hoài nghi về điều này. Chính phẩm tính ấy đã làm nên cộng đồng người Việt không bị hòa tan vào bất cứ nền văn hóa ngoại lai nào và đó cũng chính là sức mạnh giúp người Việt vượt qua mọi gian nguy thử thách để trưởng thành. 

Sài Gòn, đang cùng cả nước đang chứng minh điều thiêng liêng ấy. Mỗi con người có một số phận riêng biệt nhưng khi được kết nối trong tình nghĩa đồng bào sẽ trở thành sức mạnh của dân tộc. Đùm bọc, cưu mang nhau lúc hoạn nạn là những gì chúng ta đang thấy từ Sài Gòn và ngoài Sài Gòn.

Chưa bao giờ ta mong cho Sài Gòn "đi ngang" và "đi xuống" như bây giờ. Thời gian qua, lòng ta như lửa đốt khi thấy Sài Gòn có lượng người bị dương tính tăng cao từng ngày. Và, cũng khấp khởi mừng khi số người nhiễm COVID-19 đã dừng lại và đang có chiều hướng đi xuống. Cùng Sài Gòn ta hi vọng bình yên sẽ trở lại với Thành phố yêu thương. Để được bay về nơi ấy cùng bạn bè nhâm nhi ly cà phê bên sông Sài Gòn ngắm lục bình trôi. Sông vẫn chảy, mây vẫn bay, hoa hằng tím như một phần châu thổ phì nhiêu tôi mang trong lòng. Cái màu tím an lành ấy cũng là một mong đợi Sài Gòn ơi!


Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn