“Sài Gòn tôi nhớ xôn xao sớm chiều
Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này
Sài Gòn giờ đây xanh xao tiêu điều
Chút kiêu hãnh xưa theo làn mây”…
(Ca khúc Sài Gòn tôi sẽ- Nguyễn Thái Dương)
Đêm đầu tiên thành phố lệnh “giới nghiêm” trong một tâm trạng rưng rưng, khó bình yên trong nhịp thở, khi tôi mở cửa sổ nhìn xuống phố. Đêm trong veo mịn mát như chạm vào mảnh lãnh Mỹ Á sau một cơn mưa mùa. Phố không người, không xe, không tiếng động. Ngước nhìn xa xa trên cao, trăng 17 như cái dĩa bạc chỉ khuyết bên cạnh rìa xíu xiu muốn neo lại nơi chóp cao nhất tòa nhà 81 tầng, phả ánh sáng hư ảo có có không không đầy liêu trai…
Toà nhà cao nhất Sài Gòn với hệ thống đèn led nhiều màu tô điểm thêm lung linh, tuyệt đẹp khi về đêm (Ảnh: Lê Duy Thanh)
Ba tuần trước, khi Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh tiếp tục một đợt giãn cách nâng cấp theo CT16, nghe ca khúc “Sài Gòn tôi sẽ” của thầy giáo Anh văn 9X Nguyễn Thái Dương, trong một tâm trạng xao xác buồn, cảm giác như đang tuột khỏi tay một vật quý giá, muốn níu giữ mà cứ rơi, rơi chầm chậm trong tiếc nuối xa xót, trong mơ hồ của hy vọng cầm giữ.
Thành phố từ bao đời nay luôn trong một tiết tấu nhộn nhịp dồn dập, vun vút tốc độ, đa chiều đa âm sắc, nay như dần trong một khoảng lặng hun hút sâu giống con hẻm đìu hiu, dây chăng ngang dọc bít bùng, giống như những nút thắt buộc chằng chéo những hàng cây phố, tỏ dấu bị phong tỏa, bị cách ly bởi cuồng phong mỹ miều mà chất chứa đầy độc dược của Thần Chết mang tên Corona- COVID-19…
Và chiều nay, nắng nhạt nhòa buông nốt những tia mỏng manh buồn thênh chùng chình ngang qua những tòa cao ốc, một hoàng hôn tím mọng những dải mây nặng trĩu hơi nước, báo hiệu một cây mưa đổ cả thác nước xuống thành phố, có một nỗi buồn vời vợi tâm can, 45- 46 năm đã qua, Sài Gòn lại giới nghiêm- thiết quân luật từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, như những năm 1975-1976, khi mới chấm dứt chiến tranh, những ngày tháng đầu của hòa bình thống nhất đất nước.
Được khởi công năm 1898 và hoàn thành năm 1900, Nhà hát Thành phố mang kiến trúc Tây Âu
Chỉ khác không có tiếng xe jeep tuần tra của lực lượng Quân quản đi trong đêm, tiếng báng súng va vào nhau lách cách khuya khoắt phố, mà hiện giờ là tiếng hú của những chiếc xe cứu thương lao vùn vụt phố vắng thênh thang, là những khoảng sáng lạnh đến tê người ánh đèn cô đơn hè phố, là những chênh chao the thắt nghẹn nhịp thở khi đưa mắt nhìn cả một khoảng phố trung tâm Sài Gòn lặng ngắt như đang bị một phép màu hoá thạch trong gam trầm của cung Nam ai...
Thành phố Sài Gòn của tôi đang ốm, một cơn ốm khá nặng, chưa từng trải qua bao giờ kể từ khi lập phố hơn 3 thế kỷ nay. Những mạnh mẽ vốn có đã có lúc hụt hơi, những phú quý rực rỡ bao đời đã có chút hao hụt, những gồng gánh cưu mang trải dọc chiếu dài đất nước đã có chút hanh hao. Phảng phất những ánh mắt mênh mang hiu hắt buồn trong các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến. Thảng thốt những cuộc chia ly đắng đót xa mãi mãi… Chưa khi nào Sài Gòn lại có đêm yên tĩnh mà trong dạ cứ thắc thỏm lo âu như thế này... Ngày mai, ngày mai…
Bỗng câu hát từ 12 năm trước chợt vang trong tôi:
“Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm bao ưu phiền
Hy vọng đã vươn lên trong lo sợ mùa chinh chiến
Hy vọng đã vươn lên trong nhục nhằn tràn nước mắt
Hy vọng đã vươn dậy như làn tên, đang rực lên, trong màn đêm...”
(Ca khúc Hy vọng đã vươn lên - Nguyễn Đức Quang)
Tôi lại nhớ lời Đức Tổng giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh Giuse Nguyễn Năng, ngày 31/5/2021, ngày đầu tiên của đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 toàn thành phố, gửi chung cho cộng đoàn linh mục, tu sĩ của giáo phận: “Hãy xem COVID là một cái gờ giảm tốc cho một cuộc sống luôn lao đầu không phanh về phía trước... Bỗng dưng việc giãn cách xã hội làm cho chúng ta rơi vào khoảng không hụt hẫng. Chúng ta đừng quên rằng buồn chán, thất vọng, trầm cảm, buông xuôi, chính là loại virus độc hại có khả năng giết chết tâm hồn con người”.
Continental là khách sạn có lịch sử lâu đời và nổi tiếng nhất thành phố.
Không thể buồn chán hay mất niềm tin, để buông xuôi trong cơn trầm cảm, để rồi chính tự mình “giết” mình không phải do bệnh dịch mà vì “bệnh” trong tâm hồn đang bị ăn mòn bởi sự bi quan chán nản. Ừ, Sài Gòn đang được “Thương”, mùa “Thương”. Thủ tướng Chính phủ vừa đưa slogan:"Cả nước vì TP Hồ Chí Minh. TP Hồ Chí Minh vì cả nước". Cho dù rất nhiều khó khăn ngăn cách, nhưng những nguồn “trợ sức”, “trợ lực” bằng mọi hình thức gởi đến Sài Gòn vẫn nối nhau từ các tỉnh thành trong cả nước tràn chảy về thành phố với tình thương yêu nghĩa cử đồng bào “máu chảy ruột mềm”.
Sài Gòn xưa
Rất nhiều hình ảnh hàng ngày, ở từng khu dân cư lao động, ở các khu bị phong tỏa, ở các bệnh viện dã chiến, giản đơn, không hoa mỹ, mà ấm tình nghĩa nhân ái. Chưa kể trên mạng xã hội là những chia sẻ các địa chỉ tư vấn sức khỏe, mách nhau những nơi giúp “đi chợ 0 đồng”, hay các văn nghệ sĩ thành phố tương trợ nhau lúc thiếu hụt khó khăn. Sài Gòn thương nhau đến thế, chắc chắn sẽ đi qua dịch bệnh.
Ừ, nhớ lại lịch sử thành phố, đã từng được mệnh danh “Thành đồng Tổ quốc”, những thách thức dịch bệnh sẽ không thể khuất phục Sài Gòn, cho dù có thể Sài Gòn yếu đi chút xíu trong lúc này, cho dù có thể Sài Gòn sẽ vất vả khó khăn hơn trước để vực dậy sự phồn vinh như vốn có… Sẽ qua, sẽ qua đi, sẽ qua cơn bĩ cực...
Mới 12 giờ đồng hồ của đêm đầu tiên “giới nghiêm” toàn thành phố, nhưng như trải qua mấy lần 12 năm, trong nhiều bộn bề suy tư, trăn trở. Mình cần sống có trách nhiệm, có nghĩa vụ với thành phố này. Để khi dịch bệnh đi qua, và chắc chắn sẽ qua, biết trân trọng, yêu thương hơn những gì đang bị phai nhạt, thiếu vắng, bị hủy hoại hôm nay.
Để sống đàng hoàng, tử tế hơn với người thân, bè bạn, thiên nhiên và môi trường… Để có thể ngẩng cao đầu làm công dân của Sài Gòn- TP Hồ Chí Minh.