Thư Sài Gòn (số 8): Chỉ tạm xa thôi nha, Sài Gòn hẹn ngày gặp lại

02-08-2021 06:13 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sài Gòn hào hoa, rực rỡ, thành phố giàu có phồn vinh nhất nước của tôi giờ đang lâm trọng bệnh.

Sài Gòn vốn mạnh mẽ mà...

Ban đầu nghĩ rằng có thể sẽ mau qua, chóng khỏi, sẽ rồi lại an bình như bao đời nay vẫn thế, chỉ là cơn nhức mình cảm cúm sơ sơ, Sài Gòn vốn mạnh mẽ mà… Nhưng không, Sài Gòn đã không lường được sự hiểm nguy phát tán độc dược tử thần của cô nàng Corona- COVID-19 biến thể Delta. Cơn lốc xoáy đầy chết chóc đã làm Sài Gòn trở tay không kịp.

Dù có hào phóng, dù có hào sảng, dù có nặng nghĩa nặng tình che chở đùm bọc, là nơi đất lành cho bao cư dân các tỉnh thành tụ về lập nghiệp, kiếm sống, sinh tồn hàng mấy trăm năm qua, thì nay Sài Gòn đã có chút hụt hơi, đã khó lòng san sẻ, cưu mang những cơ nhỡ, ngặt nghèo. Đã có cả "mùa thương" khắp ba miền để hỗ trợ Sài Gòn, đã có bao ân tình khắp ba miền gởi đến Sài Gòn, nhưng không đủ cho Sài Gòn đùm bọc ủ ấm cả mấy triệu người dân nhập cư thành phố.

Thư Sài Gòn (số 8): Chỉ tạm xa thôi nha, Sài Gòn hẹn ngày gặp lại - Ảnh 2.

Gánh gánh gồng gồng mưu sinh trên đường phố

Những nghề mưu sinh gắn liền với đường phố, với vỉa hè, hàng quán hẻm nhỏ như bán vé số, nhặt ve chai, lau nhà, giữ trẻ, dọn nhà, bán hủ tiếu gõ, bán ốc, bán rau, chạy xe ôm, giao hàng, phụ hồ, khuân vác và cả sinh viên đi làm thêm các quán bar phòng trà tiệm café... cũng không thể bám víu, neo buộc nổi ở Sài Gòn. Vẫn biết cơm, quà từ thiện Sài Gòn không thiếu, vẫn có thể cầm cự, cầm hơi nhưng họ có lòng tự trọng - ai lại ăn hoài, khi không làm gì đóng góp cho thành phố và còn thêm gánh nặng khi thành phố đang hao gầy từng ngày, họ thấy kỳ. Ăn có thể có cơm từ thiện, nhưng còn nhà trọ, điện nước,..., tiền mỗi ngày mỗi cạn, mà dịch bệnh biết ngày nào sẽ hết. Thôi đành dứt tình tạm xa thành phố.

Không phải đợi đến ngày thứ 60 và tiếp theo lệnh "phong thành" thêm ít nhất 2 tuần nữa của tháng 8, họ mới về quê. Nhưng có lẽ chưa lúc nào, cảnh những người nhập cư khắp ba miền kéo thành dòng người ra khỏi Sài Gòn, rời thành phố lủ khủ lũ lượt, bần thần, bằng tất cả những phương tiện di chuyển nào có thể - cả bằng đôi chân của chính mình- đi bộ, như lúc này.

Thư Sài Gòn (số 8): Chỉ tạm xa thôi nha, Sài Gòn hẹn ngày gặp lại - Ảnh 3.

Trong điều kiện bình thường, rất nhiều người muốn di cư nội địa đến TP.HCM

Hình ảnh những người lao động nhập cư bồng bế nhau, chất chồng mọi thứ có thể lên xe máy, xe ba bánh, xe đạp, thập chí là trên lưng, ra khỏi thành phố trong tâm trạng rối bời, âu lo, xao xác. Những ánh mắt rưng rưng mọng nước se sắt nuối tiếc ngoái lại nhìn khi đứng trước cửa ngõ thành phố đợi chờ test "âm tính" để được về quê. Tôi đã rơi nước mắt ngậm ngùi nhìn dòng người trong chiều mưa tầm tã Sài Gòn, y như cuộc biệt ly buồn thăm thẳm, bóp nghẹt trái tim đã yếu mềm rất nhiều trong mùa dịch dã của tôi.

Sài Gòn đứt ruột nhìn những người thân

Vâng! Đã từ lâu lắm rồi, không tính ngày tính tháng tính năm, Sài Gòn đã xem những người lao động nhập cư, góp phần tạo sự phồn vinh thịnh vượng, cuộc sống sôi động, nhộn nhịp rực rỡ của thành phố như người thân gắn bó. Nhìn họ ra đi, mà trong dạ cũng bời bời nỗi xót xa. Đường về quê vạn dặm, họ đã từng dứt áo ly hương tìm về miền đất hứa phương Nam này, những mong có cuộc sống tốt, ai dè một cuộc can qua thảm họa dịch bệnh, bao hy vọng như bị lốc xoáy cuốn xa mờ mịt đến đắng đót thương tâm.

Thư Sài Gòn (số 8): Chỉ tạm xa thôi nha, Sài Gòn hẹn ngày gặp lại - Ảnh 4.

Một hình ảnh vốn dĩ từng quen thuộc của xóm nghèo Sài Gòn về đêm

Đường phố thắt chặt nghiêm lệnh CT16 nên đã vắng càng thêm vắng. Chỉ mới tuần trước, ở các khu dân cư lao động nhập cư, các khu nhà trọ còn sáng đèn, còn bóng người chao qua nghiêng lại thấp thoáng các ô cửa, còn xôn xao tiếng người hát cười, trẻ con nô đùa vọng ra, mà nay đi ngang qua, tối thui, lặng ngắt, các phòng trọ trống không lạnh lẽo, hoang vắng, mới đó đã thấy mùi ẩm rêu đến nghẹn lòng.

Có khi nào Sài Gòn quặn thắt nỗi niềm những cuộc chia ly như thế này đâu. Ngay cả thời chiến tranh, chỉ có dòng người tứ xứ đổ về Sài Gòn, nương nhờ thành phố như một chốn dung thân tránh né đạn bom. Vậy mà, giờ đây, cảnh "gánh gánh gồng gồng", như một ngày xưa nửa thế kỷ trước lặp lại theo chiều ngược, ngược tâm quá đỗi, đến the thắt cả nhịp thở. Sài Gòn thương lắm, biết đường về quê cũng đầy vất vả cực nhọc, mà cố gắng những ân tình, kết nối những nghĩa cử ở các vùng quê, để giúp con đường về nhà ngắn hơn, đỡ chút khó khăn mưa nắng, khát cơm, đói nước.

Thư Sài Gòn (số 8): Chỉ tạm xa thôi nha, Sài Gòn hẹn ngày gặp lại - Ảnh 5.

Người nhập cư Sài Gòn mang theo hy vọng đổi đời

Từ các vùng quê miền Bắc đến Hà Nội, từ Quảng Trị, Đà Nẵng, Bình Định, Gia Lai, đến Ninh Thuận, Bình Thuận cho tới nơi gần nhất như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước..., và toàn bộ khu vực miền Tây Nam bộ, đã có biết bao nghĩa cử của đồng bào các tỉnh thành, ven đường Quốc lộ 1, của các lực lượng Quân đội, Công An, chính quyền địa phương giang tay rộng lòng, cho những cuộc trở về quê thấm đẫm ân tình, chứa chan ân nghĩa, tràn đầy nhân ái.

Mà thôi, chỉ tạm xa thôi nha! Tạm xa khi lúc này thành phố đang hanh hao gầy mòn, khó chu toàn cưu mang mọi người cho đầy đủ, tránh sao những thiếu hụt trước sau mà buồn lòng nhau, để giữ cho trọn với nhau ân tình sau trước. Tạm xa thôi nha! Mai này, mà chắc nhanh thôi, nhất định Sài Gòn sẽ vượt qua bạo bệnh, sẽ lại mạnh khỏe, để hào phóng, hào sảng, hào hoa, vui mừng giang tay đón nhận mọi người, để cùng chung tay tạo thịnh vượng phồn hoa cho thành phố.

Chỉ tạm xa thôi nha! Sài Gòn hẹn gặp lại!

Ngày thứ 62 giãn cách

Sài Gòn- TP Hồ Chí Minh 31/7/2021.

                                                                                                                       

Xem thêm video đang được quan tâm:

“3 nhịn” bên trong khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng ở Hồ Chí Minh.



Nhà văn Hoài Hương
Ý kiến của bạn